Thấy đồng bọn không có mặt ở tòa vì đã chết, Sùng làm ra bộ khổ sở, sống chết cho rằng mình cũng là nạn nhân bị ép phải bán người.
Lừa bán người yêu sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa). |
Những vết sẹo chằng chịt trên khuôn mặt anh ta giật giật càng tăng thêm vẻ đểu giả.
Phiên tòa xử lưu động hôm ấy tại trụ sở UBND xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội có rất đông người tới dự. Người ta đến không phải vì bị cáo là người địa phương, cũng không phải vì nạn nhân là người làng mà đơn giản bởi lâu lắm rồi ở đây mới diễn ra một phiên tòa xử kẻ buôn người. Kẻ bị đưa ra trước vành móng ngựa hôm đó là Trần Sùng, SN 1985, trú ở khu 6, xã Bằng Giã, Hạ Hoà, Phú Thọ.
Tuy mới ngoài đôi mươi nhưng dáng người thấp đậm, thêm vào đó là khuôn mặt chằng chịt sẹo, ở Sùng toát lên sự xảo trá không đáng tin tưởng, vậy mà lại có người con gái tin và yêu anh ta. Mọi con mắt của người tới dự hết đổ dồn vào Sùng lại nhìn người phụ nữ ngồi ở hàng ghế đầu, phía dưới, dò xét để rồi cùng thất vọng khi biết đó chỉ là đại diện cho người bị hại, bởi nạn nhân hiện đang sống cùng chồng, con bên Trung Quốc, không thể về dự tòa.
Mới sáng đầu hè nhưng không khí đã oi nồng, 2 chiếc quạt trần chạy tốc lực không đủ sức xua đi hơi nóng từ hàng trăm người dân tới xem tòa xử. Vì quá ngỡ ngàng khi thấy hàng trăm con mắt đang đổ vào mình hay vì cái nóng mà từ lúc được dẫn lên đứng trước Hội đồng xét xử, người Sùng nhễ nhại mồ hôi. Cái áo phông đen dù rộng thùng thình càng làm giảm chiều cao vốn đã khiêm tốn của kẻ buôn người. Không một lần quay xuống phía dưới tìm người thân song khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố bắt đầu phiên xét xử, Sùng bỗng nở một nụ cười bí hiểm khi phát hiện chỉ mình anh ta đứng trước vành móng ngựa, kẻ cùng phạm tội với anh ta đã không xuất hiện.
Trần Sùng khi bị bắt
Theo cáo trạng, mặc dù đã có vợ con nhưng Sùng luôn lên mạng chat để tán tỉnh các cô gái. 9 năm trước, vào khoảng trung tuần tháng 9/2003, trong một lần lướt net, anh ta làm quen với chị Phan Thị Như (SN 1985, trú ở Yên Bình, Yên Bái), cô gái bằng tuổi Sùng. Những lời nói "có cánh" của Sùng đã chiếm trọn tình cảm của Như.
Giấu nhẹm chuyện đã có vợ con, Sùng đến với Như, ồn ã và chân thành khiến cô gái không chút nghi ngờ. Cô đâu biết rằng đó chỉ là "bẫy tình" để anh ta lừa phỉnh bởi trước khi ngỏ lời yêu Như, Sùng đã kịp thiết lập đường dây đưa phụ nữ ra nước ngoài bán. Kẻ bắc cầu cho Sùng biết đến các tú ông, tú bà ở bên kia biên giới là Phùng Quang Huy (SN 1984, trú tại xã Yên Sơn, Hạ Hoà, Phú Thọ). Huy có dì ruột tên Lan lấy chồng bên Trung Quốc, làm chủ chứa một nhà nghỉ do chồng gây dựng. Vài lần sang đây chơi, Huy được dì đặt vấn đề tìm con gái trong nước đưa sang bán nên khi gặp Sùng, cả hai tính chuyện liên kết làm ăn.
Một ngày đầu tháng 11/2007, Huy và Sùng tìm đến xã Nam Hồng gặp chị Như, lúc đó đang làm công nhân cho một công ty tư nhân, bảo sang bên Trung Quốc có nhiều việc làm, nếu không vừa ý sẽ về Việt Nam ngay. Tin lời người yêu cũ, chị Như đồng ý.
Ngay sáng hôm sau, Huy, Sùng cùng chị Như đón xe khách lên cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, rồi vượt biên sang Trung Quốc, được Lan sắp xếp ngủ qua đêm tại một nhà trọ ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trong lúc Sùng đi ra ngoài với 2 người đàn ông lạ mặt, Huy đã ép chị Như sang phòng trọ của hắn, cưỡng hiếp, đồng thời cướp hết tài sản chị mang theo người. Biết rơi vào bẫy bọn buôn người, ngay đêm đó, chị Như bỏ trốn song thật không may là bị Sùng và đồng bọn bắt lại. Ít hôm sau, chị Như bị Sùng và Huy bán vào một “nhà chứa” với giá 10 triệu đồng.
Sau một thời gian lưu lạc tại nhiều “ổ quỷ”, chị Như được một người đàn ông Trung Quốc chuộc về làm vợ. Sau khi sinh cho chồng một bé trai kháu khỉnh, cô chiếm được lòng tin của gia đình nhà chồng, được họ cho điện thoại về nước. Như gọi điện cho bố mẹ báo tin mình bị lừa bán. Ngày 28/6/2011, chị Như được chồng cho về thăm quê hương và lúc này hành vi buôn bán người của Sùng và Huy được trình báo cơ quan công an. Ngày 15/7/2011, Sùng bị bắt giữ tại xóm Chùa, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Một thời gian sau, Huy cũng bị bắt, cả hai đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên vào cuối tháng 11/2011, Phùng Quang Huy đã chết vì mắc bệnh xã hội và đó chính là lý do vì sao Huy không xuất hiện tại phiên tòa xử lưu động.
Lặng lẽ nghe chủ tọa phiên tòa đọc bản cáo trạng, Sùng làm ra vẻ một người biết chuộc lỗi, luôn cúi mặt và trả lời rất lễ phép. Anh ta còn ra vẻ ăn năn khi chị gái của nạn nhân được ủy quyền tham gia phiên tòa kể về nỗi khổ của em gái trong 2 năm trời bị ép bán dâm. Qua thư từ và qua những lời kể của chị Như, người thân của cô đã rất phẫn uất khi biết con gái mình bị đánh đập, bị bóc lột tình dục một cách thậm tệ. Cũng may số phận đã mỉm cười với cô gái trẻ khi Như được một người đàn ông nước sở tại chuộc ra, cưới làm vợ. Theo sự ủy quyền của nạn nhân, chị gái Như đã đề nghị Hội đồng xét xử buộc Sùng phải bồi thường cho bị hại 100 triệu đồng bao gồm các khoản chi phí về tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe và cả số tài sản đã bị anh ta và đồng bọn cướp khi lừa sang Trung Quốc….Sùng lặng im nghe, khuôn mặt không biểu lộ sự đồng tình hay phản đối. Những người tới dự phiên tòa cứ nghĩ rằng có lẽ Sùng sẽ đồng ý và thái độ im lặng của anh ta chứng tỏ kẻ này đã ân hận, thế nhưng mọi người đã lầm.
Tới phần tranh tụng, được gọi hỏi, Sùng bất ngờ phản cung, khai rằng chính anh ta cũng là nạn nhân, bị Huy và nhóm người bên Trung Quốc ép buộc phải bán người yêu cũ. Sùng cho rằng không chỉ bị cướp mất người yêu, anh ta cũng bị cướp hết tài sản và bị đe dọa nên không dám trở về quê. Cũng dễ hiểu thôi nhất là với một kẻ xảo trá như Sùng. Biết Huy đã chết, anh ta tận dụng ngay cơ hội này để đổ hết mọi tội lỗi cho người đã chết hòng được nhẹ tội thế nhưng những lời tự khai, những bản cung mà trước đó anh ta đã làm việc với cơ quan điều tra, thêm vào đó là đơn trình báo của chị Như… những điểm trùng khớp của lá đơn tố cáo, lời tự khai của Sùng, của Huy buộc anh ta không thể phủ nhận về tội lỗi mà mình đã gây ra. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra, HĐXX cho rằng hành vi phạm tội của Trần Sùng là rất rõ ràng; cáo buộc của Viện KSND hoàn toàn đúng người, đúng tội. Với nhận định này, TAND Tp. Hà Nội quyết định tuyên phạt Trần Sùng 9 năm tù về tội mua bán người, buộc phải bồi thường cho nạn nhân số tiền 10 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với đề nghị.
Nghe mức án mà chủ tọa phiên tòa tuyên bố, những người tham dự phiên tòa ồ lên hưởng ứng khiến cho kẻ buôn người chỉ biết cúi gằm xuống đất. Trước lúc bị đưa ra xe về trại giam, Sùng liếc nhanh về phía sau, cố tìm trong đám đông gương mặt người thân rồi lặng lẽ bước. Nhìn cái dáng đi thất thểu của kẻ có tội với đôi tay trống không trong chiếc còng số 8, người từng trải hiểu rằng vợ con Sùng đã không có mặt. Có lẽ họ đã nhận đủ ê chề từ người chồng kể từ khi anh ta bị bắt gần một năm nay nên giờ không đủ can đảm tới tòa để nhận về chất chồng nhục nhã.
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%