5 lễ hội không nên bỏ qua mùa xuân 2013
Thứ tư, 13/02/2013 08:59

Đi hội Xuân là một thú vui của cha ông ta từ ngàn xưa. Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, xin “mách” bạn một vài lễ hội độc đáo, thu hút đông du khách mỗi năm.

Đường vào Chùa Hương

Đường vào Chùa Hương

1. Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

Lễ hội chùa Hương 2013 sẽ được khai hội vào ngày 15/2 và có 2 phần chính: phần “hội” và phần “lễ”. Trong phần “hội” sẽ có các tiết mục văn nghệ đặc sắc phù hợp với tâm linh và các màn biểu diễn múa lân, rồng. Đối với phần “lễ”, Lễ hội chùa Hương có tổ chức lễ niêm hương kỳ nguyệt tại ban Tam Bảo.

Theo dự kiến, năm nay sẽ có khoảng 1,4 – 1,5 triệu lượt khách tới với Lễ hội chùa Hương. Trong năm 2012, huyện Mỹ Đức đã đón 1,48 triệu lượt khách tham quan.

Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh và giới thiệu với khách thập phương về giá trị truyền thống của lễ hội lâu đời này cũng như văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

Ngoài lễ khai hội được tổ chức long trọng vào ngày 6 tháng Giêng tại sân Thiên Trù, lễ hội còn có nhiều hoạt động khác như: phóng sinh trên suối Yến, triển lãm ảnh “Những ngôi chùa Việt cổ” cùng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

2. Lễ hội ở đền Trần (Nam Định)

Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội Đền Trần sẽ phát ấn trong vòng 3 ngày 15, 16 và 17 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm).

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.

Mới đây, Ban tổ chức lễ hội cho biết, họ sẽ phát ấn cho nhân dân và khách thập phương từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch (24/2). Ấn Đền Trần sẽ được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Năm nay Ban tổ chức đã dự định chuẩn bị 50 vạn cánh ấn. Theo đó, để tránh loại ấn giả, chất lượng phôi ấn năm 2013 thống nhất là một loại giấy màu vàng.

3. Hội Lim (Bắc Ninh)

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết mùa lễ hội 2013 tỉnh sẽ cương quyết xử lý những cá nhân nào vi phạm, làm xấu đi hình ảnh quan họ trong mắt du khách thập phương.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ thị nghiêm cấm hành vi ngửa nón nhận tiền vì hành vi đó dù thế nào cũng gây phản cảm, và không có tác dụng tốt đến văn hoá quan họ cũng như dân ca quan họ.

4. Hội làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội)

Đến La Phù nhằm ngày 13 tháng Giêng (Âm lịch), người ta thấy Tết trở lại! Trẻ con được mặc áo mới, người lớn hội họp cơm rượu linh đình. Cờ, phướn cắm dày từ đường cái quan vào đến tận cùng các con hẻm, thôn xóm oang oang tiếng nói cười.

Hội làng La Phù năm nào cũng to, hội là lúc để người dân nhớ đến ân đức vị lạc tướng Tĩnh Quốc (thời Hùng Vương) đã từng đóng quân ở làng.

Đặc biệt nhất của hội La Phù là cuộc thi lợn của các xóm, xuất phát từ tích dân làng mang lợn đến dâng cho vị tướng Tĩnh Quốc để mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc mà có.

Lợn mang lên dâng tế ở đình được gọi bằng “ông”, nuôi dưỡng cẩn thận và sạch sẽ. Khi làng vào đám, “ông lợn” của mỗi xóm sẽ được làm sạch và trang trí thật đẹp để rước ra đình chấm điểm.

5. Lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)

Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).

Hàng năm, tới dịp lễ hội, hàng nghìn du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hăm hở leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.

Từ xưa, núi rừng Yên Tử được biết đến và ngợi ca là "phúc địa", bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ, có không gian thiên nhiên bao la kỳ vĩ. Yên Tử là vùng non thiêng đại ngàn trong tâm thức của người Việt Nam, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng dân tộc...

Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí. Đặc biệt, Chùa Đồng - "đoá sen" trên đỉnh Phù Vân chỉ "cách trời ba thước" sẽ là tâm điểm của du khách.

Yên Tử đã được đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp treo từ chân Giải Oan lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Một Mái lên đỉnh An Kỳ Sinh nên việc hành hương lên đỉnh non thiêng đã rút ngắn được thời gian và sức lực cho du khách hành hương tìm về với nguồn cội. Đây là hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao, với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng.

Về với cõi thiêng Yên Tử, du khách cùng dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc, vị Vua Phật của Việt Nam, cảm nhận tấm lòng của phật tử Trúc Lâm, những phật tử nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

VTC News

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Lễ hội , Du xuân , Du lịch lễ hội , Du lịch Việt Nam , Cẩm nang du lịch , Văn hóa