Xe không sang tên: Mức phạt quá cao “cho” luôn CSGT
Thứ ba, 13/11/2012 09:09

Xungh quanh việc ban hành Nghị định 71, PV đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh).

Xử phạt xe không sang tên chủ sở hữu sẽ gây thiệt hại cho người dân

Xử phạt xe không sang tên chủ sở hữu sẽ gây thiệt hại cho người dân

“Khi áp dụng bất kì một quy định, chính sách nào cũng phải tính đến việc cân bằng các lợi ích chung. Xử phạt xe không sang tên trên thực tế chỉ Nhà nước lợi, người dân chịu thiệt. Ngoài ra đó là sự lãng phí khủng khiếp” - TS Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh).

TS Dương cho rằng việc áp dụng xử phạt xe không đăng ký sang tên mà CSGT Hà Nội tiến hành hiện nay trên cơ sở Nghị định 71 là “chủ quan, vội vàng, không hợp với thực tiễn giao thông của Việt Nam”.

“Việc đưa vào kiểm soát và quản lý các phương tiện giao thông và buộc các phương tiện này phải đăng ký chính chủ là không sai và nên làm nhưng cách làm như thế nào, thời gian ra sao lại là chuyện khác.

Vấn đề này chúng ta phải tiến hành làm từ từ, phải có lộ trình cụ thể và để người dân có thời gian chuẩn bị và thích ứng. Cách làm hiện nay của CSGT CA Hà Nội theo tôi nghĩ là mang tính áp đặt chủ quan, duy ý chí, vội vàng và không phù hợp với thực tiễn giao thông của Việt Nam”, TS Lê Thẩm Dương cho biết.

TS Lê Thẩm Dương: "Xử phạt xe không sang tên trên thực tế chỉ nhà nước lợi, người dân chịu thiệt".

TS Lê Thẩm Dương giải thích: “Số lượng xe không chính chủ trên thực tế hiện nay rất nhiều, trong đó có những xe không thể tìm được chủ sở hữu ban đầu dù rằng giấy tờ xe đầy đủ. Những xe này vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Tuy nhiên nếu áp dụng theo cách xử phạt của CSGT CA Hà Nội thì những xe này buộc phải thải. Đây là sự lãng phí và thiệt hại ghê gớm đối với người dân.

Nếu đặt lên bàn cân sự tương quan so sánh về giá trị giữa một bên là thuế mà Nhà nước thu được từ việc thu phí đăng ký sang tên đổi chủ (thu từ 1 – 2% giá trị phương tiện) và một bên là tài sản người dân bị thiệt – số lượng xe không đăng ký chính chủ vì không thể tìm được chủ sở hữu ban đầu và buộc phải “thải” dù vì không được lưu thông – thì bên nào “nặng” hơn? Chắc chắn giá trị tài sản của người dân bị thiệt hại sẽ nhiều hơn gấp rất nhiều lần giá trị tiền thuế mà nhà nước thu được”.

“Khi áp dụng bất kì một quy định, chính sách nào cũng phải tính đến việc cân bằng các lợi ích chung. Xử phạt xe không sang tên trên thực tế chỉ nhà nước lợi, người dân chịu thiệt. Ngoài ra đó là sự lãng phí khủng khiếp”, TS Lê Thẩm Dương khẳng định.

Ngoài ra, TS Dương cho rằng mức xử phạt xe không đăng ký sang tên cũng “quá nặng” so với khả năng tài chính của người dân trong thực tế: “Có nhiều chiếc xe có giá trị không lớn, ví dụ như các xe máy mà nhiều người vẫn dùng để chạy chợ, chở nước đá, chở bình ga, chở nước,… chẳng hạn, giá trị chẳng đáng bao nhiêu. Đó hầu hết là xe cũ mua lại, người dân đang tận dụng giá trị sử dụng của nó. Đó là một cách tiết kiệm.

Những chiếc xe này có đem bán cũng chẳng được bao nhiêu, tôi biết có chiếc khi bán cho đồng nát chỉ có 200 ngàn đồng, vậy bây giờ phạt người vi phạm những 1 triệu đồng thì họ sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn là họ sẽ “cho” luôn CSGT chiếc xe đó mà chẳng cần phải tính toán nhiều”.

Kiến Thức
Tag: Nghị định 71 , Xe không chính chủ , Bộ Công an , Tin tức xã hội , Tiến sĩ Lê Thẩm Dương