Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW hướng dẫn cách phòng chống bệnh dại
Thứ hai, 02/06/2014 14:16

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng từ tháng 5 tới tháng 8 hàng năm. Tính riêng năm tháng đầu năm 2014, cả nước đã có 22 trường hợp bị lên cơn dại dẫn đến tử vong.

Phòng chống dịch dại mùa nắng nóng (Ảnh minh họa)

Phòng chống dịch dại mùa nắng nóng (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để vi rút dại phát triển, dẫn đến nguy cơ bệnh dại bùng phát. Để tránh nguy cơ này, GS.TS, bác sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương hướng dẫn độc giả Pháp luật & Thời đại cách phòng tránh bệnh dại trong mùa hè.

Nguy cơ bùng phát bệnh dại vào mùa hè

Pv: Xin bác sĩ cho biết về tình hình chung bệnh dại hiện nay ở nước ta?

- Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á xuất hiện bệnh dại trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Vào mùa hè như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là rất cao nếu người dân không có những biện pháp phòng tránh tích cực.

Mỗi năm ở nước ta có hàng trăm trường hợp bị lên cơn dại dẫn đến tử vong. Năm 2011 có 110 trường hợp, năm 2012 có 98 trường hợp, năm 2013 có 102 trường hợp. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã có 22 trường hợp lên cơn dại, tử vong. Chi phí người dân trả tiền tiêm vắc xin và huyết thanh điều trị dự phòng bệnh dại lên tới hơn 300 tỷ đồng mỗi năm. Các trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra chủ yếu ở miền Bắc, chiếm khoảng 80%.

Tại Hà Nội, năm 2008 có tới 23 trường hợp tử vong do bệnh dại; năm 2009, 13 trường hợp; năm 2010, 1 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội xảy ra liên tiếp hai trường hợp tử vong do dại tại huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn. Cả hai trường hợp này đều do nạn nhân chủ quan, sau khi bị chó cắn thì không đi tiêm vắc- xin phòng bệnh.

Pv: Bác sĩ đánh giá như thế nào về sự nguy hiểm của bệnh dại?

- Bệnh dại rất nguy hiểm vì khi đã bị lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Người bị động vật nghi dại cắn cần được điều trị dự phòng khẩn cấp bằng vắc- xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Pv: Xin bác sĩ cho biết những biểu hiện lâm sàng của người bệnh khi phát bệnh dại? Thời gian ủ bệnh dại?

- Người bệnh dại có những triệu chứng kích động như sợnước, sợgió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dại, tiến tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7 - 10 ngày.

Cụ thể, khi người lên cơn dại thường có các triệu chứng lâm sàng được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ tiền triệu: Khoảng 1 - 4 ngày, triệu chứng kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng. Sau đó đến thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh nhân thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại.

Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong sau 2 - 3 ngày. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau khi bị động vật dại cắn. Thời gian này phụthuộc vào tình trạng nặng nhẹcủa vết cắn, vịtrícắn. Vết cắn càng nặng vàgần hệ thần kinh trung ương thìthời gian ủbệnh càng ngắn.

Bệnh dại ở người là do bị chó, mèo dại cắn. Mèo ít bị mắc dại hơn chó, chỉ khoảng 2 - 3%. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó. Tuy nhiên, biểu hiện của mèo dại là hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh.

Pv: Bác sĩ có thể cho biết về sự giống nhau và khác nhau giữa chó, mèo lên cơn dại và người lên cơn dại?

- Hầu hết người và động vật khi lên cơn dại đều biểu hiện ở 2 thể chính là điên cuồng và thể liệt. Tuy nhiên ở người thì thể điên cuồng chiếm phần lớn 80%, thể liệt 20%; ở động vật thì ngược lại, thể điên cuồng chiếm 20% và thể liệt chiếm 80%.

Ăn thịt chó dại cũng có thể mắc bệnh dại

Pv: Thưa bác sĩ, một người sau khi bị chó, mèo cắn cần phải làm gì để phòng tránh bệnh dại?

- Người bị chó, mèo cắn ngay lập tức phải thực hiện các bước lần lượt như sau: Đầu tiên là xử lý vết thương bằng cách xối rửa kỹtất cảcác vết cắn/cào trong 15 phút với nước vàxà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450 - 700 hoặc cồn i ốt. Cóthểsửdụng các chất khửtrùng thông thường như rượu, cồn, bột giặt các loại, dầu gội, dầu tắm đểrửa vết thương ngay sau khi bịcắn. Chú ý khi rửa không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn; tránh khâu kín ngay vết thương. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam để điều trị.

Pv: Giáo sư đánh giá gì về ý thức phòng chống bệnh dại của người dân?

- Đa số người dân đều hiểu biết về các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật, tuy nhiên có một số người chủ quan với bệnh này. Bởi vậy khi bị động vật nghi dại cắn vẫn không đi tiêm vắc xin phòng dại. Theo điều tra, trong số các trường hợp tử vong do bệnh dại thì có hơn 50% là do người dân chủ quan, biết bị chó cắn cần phải đi tiêm phòng nhưng vẫn không đi tiêm với suy nghĩ “chắc con chó đó không bị bệnh”. Chỉ có hơn 20% người không hiểu biết về bệnh dại, chủ yếu ở nông thôn do nhận thức kém.

Pv: Một số người dân vì lợi nhuận, sau khi chó bị chết thì đem ra chợ bán. Đặt ví dụ con vật này bị bệnh dại mà chết thì người ăn thịt có nguy cơ gì không?

- Nếu chó bị mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại thì nghiêm cấm việc giết mổ đối với động vật này, trừ trường hợp giết mổ để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành thú y. Nếu chó bị bệnh dại mà chết thì người ăn thịt chó có nguy cơ bị lây truyền bệnh dại, đặc biệt là những người trực tiếp giết mổ con vật.

Pv:  Thói quen thả rông chó, mèo rất phổ biến ở nước ta. Giáo sư có lời khuyên gì với người dân để hạn chế thói quen này?

- Ở nước ta việc nuôi chó mèo khá phổ biến, với các mục đích khác nhau như làm thú cảnh, thực phẩm và đặc biệt là trông giữ nhà. Vì vậy mà người dân có thói quen thả rông chó. Khi dịch bệnh dại xảy ra, việc thả rông chó ra ngoài tự nhiên khiến bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Vì đặc điểm của chó dại là hay đi lang thang và cắn vào các con chó khác, thậm chí cắn vào người đi đường.

Người dân cần lưu ý, theo quy định thì nghiêm cấm hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Chủ nuôi chó, mèo phải tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo định kỳ. Để hạn chế bệnh dại và nguy cơ lây lan, người nuôi chó, mèo cần thực hiện theo các quy định: Đăng ký việc nuôi chó với ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Sau khi đưa chó, mèo về nhà thì cần xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Pv: Xin cảm ơn bác sĩ vì những kiến thức hữu ích!

Hữu Sơn (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: dich dai , mua dich , tre nho , phong chong dich dai , tin , bao , dich benh , benh dai , con dai