Trên con sông Hre (Kon Tum), từ hơn một năm nay, các trùm vàng từ nhiều tỉnh như Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Kon Tum ồ ạt đem máy móc, nhân công xâm chiếm các bãi vàng.
Vàng tặc huyết chiến, trấn áp dân bản |
Đã có máu đổ giữa các trận chiến tranh giành lãnh địa. Đã có nhiều người dân, cán bộ địa phương bị chúng đe dọa. Vàng tặc hoạt động rầm rộ nhưng đến nay chính quyền vẫn không xử lý được dứt điểm.
Đại công trường khai thác vàng lậu
Sông Hre bắt nguồn từ xã Hiếu chảy xuyên qua huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Xã Hiếu, nơi được mệnh danh là một trong những mỏ vàng lớn nhất bắc Tây Nguyên; phần lớn các bãi vàng ở tận thung lũng núi Kon Piêng.
Những bãi vàng này hoạt động rầm rộ hơn 1 năm nay.
H. là người dẫn đường chúng tôi, cho biết: “Việc khai thác vàng bắt đầu từ tháng 4.2013 tồn tại cho đến nay. Ở Kon Plông này chỉ có luật rừng. Các “ông trùm” luôn trang bị súng, thỏa thuận, phân chia “lãnh thổ” với nhau để quản lý các bãi vàng”.
H. còn dặn đi dặn lại, không được giáp mặt, hỏi chuyện vì chỉ cần có sự nghi ngờ thì xem như xong. Nhẹ thì bị đánh bầm dập, nặng thì mất mạng. Nếu việc phát lộ, công việc, gia đình của H. sẽ gặp nguy!
Quan sát của PV tại hiện trường, rất nhiều bãi vàng sa khoáng dày đặc từ thượng nguồn sông Hre cho đến giáp ranh huyện Ba Tơ. Có đoạn sông 1 km nhưng có đến 3 bãi vàng. Những hố đất bị đào bới cao chừng 25m, rộng khoảng 15m. Sông Hre đục ngầu vì bùn, mặt sông nham nhở, cây cối xung quang bật gốc ngã rạp, ...
Để mở đường vào các bãi vàng, các chủ vàng cho người dùng xe cẩu, xe múc bứng hàng trăm cây dỗi, đường kính 2-3 người ôm. Đến một bãi vàng đang khai thác, đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh như một đại công trường xây dựng. Tiếng người hò hét, chỉ huy; những chiếc xe cẩu, máy bơm, máy hút đổ đất, đá lên máng chuyền sàng, đãi vàng hoạt động tấp nập. Cạnh đó, lán trại chứa thùng phuy đựng dầu chất cao từng đống; gạo, thức ăn được dự trữ phục vụ việc khai thác lâu dài.
Xua quân huyết chiến giành lãnh địa
H. cho biết, dọc sông Hre tồn tại 5 trùm vàng quản lí đội quân phu vàng lúc cao điểm lên đến 500 người. Điểm mặt có Đàm Văn Ngàn (Bắc Giang), Trần Thế Thùy (Bắc Giang), Nguyễn Văn Kha (Kon Tum), Chủ tiệm vàng Lâm Hằng ở Kon Tum và một người chưa rõ lai lịch. Trong đó, Ngàn có ưu thế hơn cả vì sự liều lĩnh, có đội quân hùng hậu, hiếu chiến.
Một máy hút đang hoạt động.
Phu vàng đa số được tuyển từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… được chia ra quản lý thành các tổ (10-15 người/tổ). Chúng được trang bị súng, mã tấu, ống nhòm chuyên dụng để đối phó lượng lượng chức năng.
Ngoài hoạt động khai thác bất hợp pháp công khai, các trùm vàng còn mua chuộc lẫn đe dọa người dân phải bán đất rẫy cho chúng tìm vàng. Rồi vì tranh giành đất, hai trùm Đàm Văn Ngàn và Trần Thế Thùy đã xua quân huyết chiến. Hai bên dùng ô tô điều quân lao vào nhau. Thùy bị người của Ngàn đánh gãy sống lưng, chém trọng thương 2 đàn em. Không muốn thất thế, Thùy dùng súng nhằm triệt hạ đối thủ, nhưng đã bị Ngàn tước lấy. Khẩu súng này sau đó đã bị công an huyện Kon Plông tịch thu.
Ngày 30/6/2014, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định chỉ đạo UBND huyện Kon Plông thành lập đoàn liên ngành gồm: Phòng TNMT, Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông, Lâm trường Măng La, UBND xã Hiếu kết hợp cán bộ thôn, bản truy quét, đẩy đuổi.
Khi cán bộ huyện ra về, vàng tặc đem người dùng dao vào tận thôn, bản tìm cán bộ thôn đòi chém vì dám tham gia truy quét. Tại trụ sở UBND xã Hiếu, ông Hoàng Hà Thanh Hải, Chủ tịch xã cho chúng tôi xem hàng ngàn viên đạn chì thu được tại lán trại vàng tặc trong một lần truy quét.
Dân bị uy hiếp, chính quyền bất lực
Báo cáo số 49/BC-TNMT của phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Kon Plông cho biết, có 13 hộ dân hai thôn Kon Plinh, Kon Piêng (xã Hiếu) bị vàng tặc dụ dỗ, đe dọa phải bán đất. Người bán được nhiều tiền nhất A Hà, A Uông (thôn Kon Piêng) nhận được 30 triệu đồng. Số còn lại bị vàng tặc lừa, khi nói bán 10 triệu/sào, trả trước 5 triệu nhưng khai thác xong thì bỏ trốn luôn. Giờ đây, đất rẫy ở xã Hiếu bị vàng tặc đào bới làm biến dạng, không còn xác định được ranh giới, diện tích.
Nương rẫy bị tàn phá.
Ông Trịnh Xuân Anh, Phó trưởng công an huyện Kon Plông, cho biết: “Việc khai thác vàng lộ liễu, công khai, thể hiện từ vùng lõi núi Kon Piêng sau lan ra mép bìa rừng nhưng vì chúng tự dàn xếp theo luật riêng, không tố giác nên không thể xử lý”.
Cả ông Anh và ông Hải đều thừa nhận, vàng tặc có nội gián nên mỗi lần truy quét, đều không bắt được ai; chỉ biết đốt máy móc, lán trại. ông Trịnh Xuân Anh, nói: “Khi lực lượng vào tận nơi, vàng tặc đã cất giấu máy móc, chứng tỏ họ có thời gian để chuẩn bị. Tôi chắc chắn họ có vệ tinh”.
Cả lãnh đạo công an và chính quyền thừa nhận hoạt động khai thác vàng trái phép này có sự giúp đỡ bởi "tay trong".
Đã có rất nhiều bản báo cáo về việc truy quét vàng tặc tại xã Hiếu của các cơ quan chức năng, tuy nhiên không bắt được ai, chỉ thu giữ được dụng cụ và đốt lán trại.
Bà Y Thị, Phó Chủ tịch huyện Kon Plông nói: “UBND huyện đã chỉ đạo đoàn liên ngành nhiều lần vào cuộc nhưng vàng tặc vẫn hoạt động hết sức phức tạp”.
Đi sau “vàng tặc”, hiện nay “lâm tặc” cũng đang tràn vào vùng đất này để tranh giành gỗ. Các bãi vàng đang hoạt động nằm ở tiểu khu 500, 501, 502 của Lâm trường Măng La quản lí. Hàng trăm cây gỗ quý ở khu vực núi Kon Piêng đã bị “vàng tặc” đốn hạ mở đường làm lán trại, máng đãi. Lợi dụng tuyến đường này, “lâm tặc” tràn vào hoạt động sôi động không kém.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%