Từ 'cơn địa chấn' mang tên Lý Hoàng Nam
Thứ năm, 16/07/2015 17:16

Ngay sau cơn địa chấn mang tên Ánh Viên tại SEA Games 28, TTVN lại có một hiện tượng hội đụ đỉnh cao khác khi tay vợt 18 tuổi Lý Hoàng Nam giành chức vô địch.

Ngay sau cơn địa chấn mang tên Ánh Viên tại SEA Games 28, TTVN lại có một hiện tượng hội tụ đỉnh cao khác khi tay vợt 18 tuổi Lý Hoàng Nam giành chức vô địch đôi nam tại Wimbledon trẻ.

Từ trường hợp ngoại lệ của Hoàng Nam đã đặt ra câu chuyện cốt tử về đầu tư cho các tài năng, bởi việc phát hiện, đào tạo tay vợt đang xếp hạng 13 trẻ thế giới này hoàn toàn do Becamex Bình Dương, với khoản kinh phí kể từ khi khởi nghiệp, chỉ khoảng 4 tỷ đồng, chưa bằng 2 năm của Ánh Viên.

“Đánh bạt” của cả Djukovic lẫn Federer

Có lẽ ngay cả những nhà chuyên môn và người yêu banh nỉ Việt giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ lại có một tay vợt Việt Nam dự tranh 1 trận chung kết Grand Slam, dù chỉ giải trẻ.

Thế nhưng giấc mơ ấy lại có thật với Hoàng Nam, gương mặt đã cùng Sumit Nagal (Ấn Độ) đả bại các đối thủ sừng sỏ của Anh, Mỹ, Nhật Bản, Serbia, Nauy để giành quyền vào trận cuối cùng.

Lần đầu tiên xuất hiện một câu chuyện kỳ thú, trong buổi đấu chung kết, trong đó có trận cầu đơn nam thượng đỉnh Djukovic- Federer, với riêng khán giả Việt Nam, Hoàng Nam đã “đánh bạt” cả 2 huyền thoại tennis, trong sự dõi theo, chờ đợi đầy phấn khích và tự hào của mọi người.

Hoàng Nam trở về trong vòng tay yêu thương của bạn bè,
gia đình và người hâm mộ. Ảnh: V.H

Để rồi tất cả đã vỡ òa khi đôi của Hoàng Nam đã hạ gục cặp đôi được đánh giá cao hơn rất nhiều R.Opelka (Mỹ)/A.Santillan (Nhật Bản) để bước lên ngôi cao nhất.

Còn hơn cả một kỳ tích lịch sử, tuyển thủ quê Tây Ninh đã thực sự tạo nên một hiệu ứng và sức loa tỏa cực lớn, từ việc nâng cao chiếc Cúp ở một cuộc đấu danh giá bậc nhất, sự xuất hiện trực tiếp trên các hãng truyền hình quốc tế hàng đầu, hay đơn giản là hình ảnh giống như một quý ông lịch lãm trong bộ vest bên cạnh các ngôi sao lừng lẫy…

Sự kiện Hoàng Nam càng có sức hút hiếm có bởi nó được cộng hưởng với hành trình chinh phục “đỉnh” thế giới của một cậu bé mà cách đây 12 năm vẫn còn ra sân để nhặt bóng cho mẹ, rồi mỗi ngày lặn lội 60 cây số đi về để nuôi mộng tennis. Nhất là Nam vượt lên từ một mặt bằng chung của tennis Việt Nam đang ở “đáy” của “vùng trũng” Đông Nam Á.

Hoàng Nam đã góp phần nâng tầm tennis Việt, chính xác, đây mới là lần đầu làng banh nỉ thế giới phải nhắc tới Việt Nam trong sự ngạc nhiên đầy thú vị. Nhà vô địch Wimbledon trẻ cũng mang đến một “cú hích” cho cả phong trào rèn tập, và phần nào đó làm thức tỉnh cả một môn đã tụt hậu, bế tắc quá lâu. Xét trên phương diện thế giới, thậm chí, tầm vóc của hiện tượng Hoàng Nam còn vượt xa Ánh Viên.

Một mẫu hình thành công, hai cách làm khác biệt

Rõ ràng, siêu kình ngư Ánh Viên và nhà vô địch Grand Slam trẻ Hoàng Nam chính là hai thành quả sáng giá bậc nhất mà TTVN từng có được, với chung một mẫu hình thành công. Họ đều là hai gương mặt hội đủ các yếu tố đã được phát hiện kịp thời để đưa vào một quy trình đào tạo bài bản, hiện đại, theo đúng chuẩn của thể thao thành tích cao.

Nhờ thế, tài năng của Viên và Nam đã, đang được phát huy cao nhất, có thể nói vượt xa tầm quốc nội, vươn ra các mục tiêu quốc tế tầm cao. Với Viên là tấm HCV ASIAD hay huy chương Olympic, còn Nam nhắm tới đích trở thành tay vợt chuyên nghiệp, có thể lọt vào Top 300, thậm chí 200 ATP trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, giữa Ánh Viên và Hoàng Nam lại có sự khác biệt hoàn toàn về cách làm, gắn với câu chuyện lớn về đầu tư của TTVN.

Kể từ 2013, Viên đã nhận được đầu tư tối thiểu 2 tỷ đồng/năm để tập huấn dài hạn tại Mỹ, dưới sự dẫn dắt của 2 chuyên gia ngoại chất lượng cao, cùng chế độ dinh dưỡng, thuốc men chuyên biệt. Dù chí phí của Viên do ngành thể thao và đơn vị chủ quản mỗi bên lo một nửa, nhưng suy cho cùng đều từ nguồn nhà nước bao cấp.

Trong khi đó, cũng bắt đầu từ 2013, Nam mới có thể tăng tốc với việc tham dự rất nhiều các giải đấu trẻ thuộc hệ thống ITF, với kinh phí cao dàn đều, trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tất cả chi phí của Nam, nói rộng ra, cả hành trình kéo dài, gian khó và tốn kém của Nam, đều do Công ty Cổ phần Thể thao Becamex Bình Dương tự quyết định và đảm bảo.

Ngành thể thao ở đâu?

Có thể coi Hoàng Nam như một “sản phẩm” hoàn hảo của “lò” tennis đất Thủ - một mô hình xã hội hóa tiên phong. Bước tiến ngoạn mục của Nam cũng đúng chuẩn của hàng loạt tay vợt quốc tế, có nghĩa là được phát hiện và thành tài nhờ tiền túi của gia đình, hay có một doanh nghiệp đứng sau thông qua các CLB, trung tâm đào tạo. Thực tế, nó khả thi và hiệu quả hơn nhiều nếu như trông chờ vào bao cấp của nhà nước. Cụ thể, với TTVN, đó gần như là phương thức gần như duy nhất để một tài năng trẻ tennis có thể hy vọng đi theo con đường chuyên nghiệp.

Vấn đề đặt ra từ đây, cả Hoàng Nam lẫn “lò” Becamex Bình Dương đều chỉ là ngoại lệ, với xuất phát điểm tự thân, đơn lẻ. Tennis Việt Nam sẽ không thể mong bỗng dưng mọc lên một trung tâm, cũng như một Hoàng Nam thứ 2 như thế, mà không có bất cứ dấu ấn nào của sự định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ.

Đáng nói hơn, ngay cả khi nơi này đã khẳng định được mình với hàng loạt nhân tố trẻ tài năng, rồi Hoàng Nam đã nổi lên với tư cách tài năng số 1, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn Liên đoàn Tennis Việt Nam vẫn cứ… đứng ngoài.

Những người có trách nhiệm viện dẫn đủ lý do mà suy cho cùng vẫn là điệp khúc thiếu tiền, chưa kể còn bó buộc Hoàng Nam một cách chủ quan, duy ý chí của lối mòn cũ mèm trong cách tập huấn, thi đấu của ĐTQG.

Phải mãi tới lúc Hoàng Nam đã gây chấn động tại Wimbledon trẻ, ngành thể thao mới vội vàng quyết định sẽ hỗ trợ 10.000 USD mỗi năm cho nhà vô địch này. Chỉ có điều, chưa chắc đơn vị chủ quản đã nhận bởi bao năm nay không có khoản hỗ trợ đó, họ vẫn đầu tư cho Nam đến nơi đến chốn. Và có lẽ, đó cũng là một cách để biểu hiện thái độ.

Thethaovanhoa.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Lý Hoàng Nam , tay vợt Lý Hoàng Nam , Lý Hoàng Nam giành chức vô địch.