Truyền thống biến bé gái thành bé trai ở Afghanistan
Thứ năm, 29/03/2012 07:44

Vì những lý do kinh tế và xã hội, nhiều đôi vợ chồng Afghanistan thèm khát có con trai. Mong muốn này khiến một số cặp cha mẹ bắt con gái ăn mặc và sinh hoạt như con trai, theo một truyền thống lâu đời có tên Bacha Posh.

Khi Azita Rafhat, từng là thành viên của quốc hội Afghanistan, chuẩn bị đưa các con gái đến trường, cô cho một "công chúa" của mình ăn mặc hoàn toàn khác biệt. Trong khi 3 cô con gái đầu của Rafhat mặc quần áo và đầu đội khăn trắng, đứa con gái thứ 4, Mehrnoush, lại mặc com-lê và đeo cà vạt. Khi ra khỏi nhà, Mehrnoush không còn là một cô bé mà là một cậu bé có tên Mehran.

Azita Rafhat không có con trai, và để khỏa lấp mong ước cũng như tránh sự cười nhạo của người dân, cô đành phải thực hiện biện pháp mang tính cực đoan trên. Chỉ cần cắt tóc và vài bộ quần áo, cô đã có một cậu con trai như mong muốn. Thậm chí, việc biến con gái thành con trai còn được xem là một truyến thống lâu đời có tên Bacha Posh ở Afghanistan.

Cô bé Mehrnoush đang sống dưới hình hài của một cậu bé.

“Khi bạn có địa vị cao và khá giả ở Afghanistan, mọi người nhìn bạn với con mắt khác. Họ nói rằng cuộc sống của bạn sẽ trở nên hoàn hảo nếu bạn có một cậu con trai”, cô Rafhat chia sẻ. Không có gì bất ngờ khi thậm chí cả mẹ của Mehran cũng từng sống như một cậu bé, và nhờ thế, cô mới thành công trong sự nghiệp.

Ở Afghanistan, người dân luôn mong muốn có con trai vì những lý do khác nhau về kinh tế và xã hội. Chồng của Rahfhat là Ezatullah Rafhat, nghĩ rằng việc có một "hoàng tử" là tượng trưng cho vị thế và danh dự.

“Bất kỳ ai đến nhà tôi cũng sẽ nói: ‘Ồ, chúng tôi rất tiếc vì anh không có con trai’, nên chúng tôi nghĩ cần phải biến con gái mình thành một cậu bé và con bé cũng muốn như vậy”.

Trong phong trào biến con gái thành con trai, Azita Rafhat không phải là bà mẹ duy nhất làm như vậy. Nhiều bé gái dưới hình hài cậu bé xuất hiện nhiều ở các khu chợ Afghanistan. Một số gia đình biến hóa con gái mình để họ có thể thoải mái làm việc trên đường phố và nuôi sống gia đình. Những bé gái đó luôn tự giới thiệu mình là con trai và bán mọi thứ như nước, kẹo cao su…Những đứa trẻ này khoảng từ 5 đến 12 tuổi và không đứa nào thích nói về cuộc sống khác giới của chúng.

Những bé gái lớn lên như con trai không thích sống mãi theo cách đó. Khi 17 hay 18 tuổi, chúng sẽ lại trở thành phụ nữ, nhưng việc làm này không hề đơn giản.

Elaha sống ở Mazar-e Sharif, phía bắc Afghanistan. Cô đóng giả làm con trai khoảng 20 năm vì gia đình cô không có con trai. Elaha chỉ vừa trở lại đúng giới tính của mình 2 năm trước, khi cô phải vào đại học. Tuy nhiên, cô giờ đây không còn cảm giác mình là một cô gái thực sự. Elaha nói rằng mình không hoàn toàn nữ tính và cũng không muốn lấy chồng.

“Khi tôi là một đứa trẻ, bố mẹ biến tôi thành con trai vì tôi không có anh em trai. Mới đây khi còn là một chàng trai, tôi có thể chơi đùa thỏa thích với những bạn trai khác và cảm thấy tự do hơn”, Elaha nói. Cô gái này vừa bất đắc dĩ trở lại giới tính thực sự của mình, và chỉ làm vậy vì truyền thống xã hội. “Nếu bố mẹ bắt tôi kết hôn, tôi sẽ trả thù cho sự đau khổ của người phụ nữ Afghanistan bằng cách đánh chồng tôi thật đau, đến mức anh ta phải lôi tôi ra tòa mỗi ngày”.

Atiqullah Ansari, người đứng đầu một nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng ở Mazar-e Sharif, nói rằng nhiều gia đình muốn biến con gái thành con trai nhằm lấy may, để cầu xin thần thánh ban cho họ một người con trai thực sự. Các bà mẹ không có con trai thường đến ngôi đền Hazrat-e Ali và cầu xin ông ban phước cho họ sinh được quý tử. Atiqullah Ansari cho biết, theo luật Hồi giáo, những cô gái sống dưới hình hài con trai cũng phải trùm đầu khi họ đến tuổi quy định.

Ở Afghanistan, những câu chuyện như vậy ngày càng trở nên phổ biến, và hầu hết người dân đều có người thân hay hàng xóm làm việc đó. Fariba Majid, người đứng đầu cơ quan nhân quyền phụ nữ ở tỉnh phía Bắc Balkh, từng có cái tên con trai là Wahid. “Tôi là con gái thứ 3 và khi được sinh ra, bố mẹ tôi quyết định biến tôi thành con trai. Tôi làm việc với bố mẹ tại cửa hàng và thậm chí đến tận thủ đô Kabul để lấy hàng hóa ở đó”, cô chia sẻ. Majid nghĩ rằng, trải nghiệm làm con trai chính là yếu tố giúp cô tự tin và đạt được vị thế như hiện tại.

Khi bị biến thành bé trai, nhiều bé gái có thể tự do ra đường và bán hàng phụ giúp gia đình.

Truyền thống biến bé gái thành bé trai đã xuất hiện ở Afghanistan từ nhiều thế kỷ qua. Theo Daud Rawish, một nhà xã hội học ở Kabul, truyền thống này xuất hiện khi người Afghanistan chống lại quân xâm lược và người phụ nữ lúc đó cần cải trang thành nam giới.

Nhưng Qazi Sayed Mohammad Sami, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền Balkh, lại gọi đó là sự vi phạm quyền con người. “Chúng ta không thể thay đổi giới tính của ai đó. Bạn không thể biến một bé gái thành bé trai trong giai đoạn ngắn, vì việc đó vi phạm quyền con người”, ông này nói.

Theo BBC, truyền thống Bacha Posh đã tác động xấu đến cuộc sống của một số cô gái, những người cảm thấy họ bị lỡ mất thời thơ ấu đáng lẽ mình được hưởng, cũng như đánh mất sự nữ tính của họ. Với một số cô gái khác bị ép thay đổi giới tính, họ lại cảm thấy hài lòng với sự tự do mà nếu là một bé gái, họ sẽ không bao giờ có được.

Nhưng với nhiều người, câu hỏi chính được đặt ra là: liệu có một ngày các bé gái Afghanistan nhận được tự do và tôn trọng như một bé trai?

Zing/Infonet
Tag: Phân biệt giới tính , Afghanistan , Quốc tế , Phong tục , Văn hóa