Tổng lực cho an toàn giao thông

Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động Chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ, phát động giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ nhất năm 2013.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, số vụ, số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) giảm nhưng số người chết lại tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người chết do TNGT tăng là vì số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng cao so với năm 2012. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.

Do đó, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động Chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ, phát động giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ nhất năm 2013 nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.  Chiến dịch diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2013.

Một trong những công cụ được các cơ quan chức năng sử dụng đó là thiết bị giám sát hành trình hay còn gọi là “hộp đen” lắp đặt trên các xe ôtô. Thiết bị quản lý được 6 tiêu chí chính theo yêu cầu, đó là thông tin về xe và lái xe, hành trình xe, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng - mở cửa xe, thời gian lái xe. Trường hợp lái xe tắt “hộp đen” hoặc không lắp “hộp đen”, lực lượng tuần tra, kiểm soát sẽ xử phạt theo Nghị định 71 của Chính phủ.

Hiện nay Ủy ban ATGT quốc gia và Tổng cục đường bộ đã sử dụng phần mềm tích hợp dữ liệu của 20.000 xe trong tổng số hơn 48.000 xe bắt buộc phải lắp đặt hộp đen. Đến ngày 15/7 sẽ tích hợp dữ liệu toàn bộ hơn 48.000 xe để theo dõi, thống kê các trường hợp vi phạm. Trước mắt sẽ tập trung xử lý vi phạm tốc độ. Từ ngày 15 – 30/7 là thời gian để doanh nghiệp rà soát, chỉnh sửa hộp đen. Từ ngày 1/8 sẽ áp dụng xử phạt theo Nghị định 93 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Như vậy là Ủy ban ATGT quốc gia đã dùng tổng lực, kết hợp nhiều biện pháp, phương pháp để thay đổi tình trạng mất ATGT hiện nay, buộc các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia giao thông phải tuân thủ luật lệ.

Trong chiến dịch này, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đóng vai trò quan trọng. Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng, tăng cường phương tiện kỹ thuật, xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm tốc độ và các vi phạm khác trong chiến dịch…

Ở góc độ khác có thể nói, đây cũng là lực lượng cần quan tâm đặc biệt, bằng cách có khen thưởng kịp thời, thích đáng những đơn vị, cá nhân có thành tích nhưng phải giám sát, ngăn chặn bằng được những tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng này. Chừng nào vẫn còn “mãi lộ”, vẫn còn tình trạng người vi phạm giao thông được “gọi điện cho người thân” hay ăn chia 50/50 tiền phạt với lực lượng chức năng như lâu nay đã diễn ra, thì tổng lực sẽ yếu đi rất nhiều.

Bộ Công an đã xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật. Cũng trong 6 tháng CSGT cũng lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền cho cảnh sát. Mặc dù, mọi trường hợp có đơn tố cáo đều được cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng có lẽ đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Vì thế, CSGT cũng cần có thứ “hộp đen” giám sát, bên cạnh sự giám sát của nhân dân thì ngoài ngành Cảnh sát thì không ai có thể xử lý được.