Tình hình biển Đông sáng 23/9: TQ cải tạo Gạc Ma để nhòm ngó Biển Đông?
Thứ ba, 23/09/2014 08:00

Các chuyên gia khẳng định Trung Quốc cải tạo Gạc Ma để tấn công xung quanh cũng như kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Tình hình biển Đông sáng 23/9: TQ cải tạo Gạc Ma để nhòm ngó Biển Đông?

Tình hình biển Đông sáng 23/9: TQ cải tạo Gạc Ma để nhòm ngó Biển Đông?

Trung Quốc xây dựng rầm rộ ở Gạc Ma

Tạp chí Jane's Defence Weekly cho biết, đến đầu năm 2014, công trình xây dựng nhân tạo duy nhất ở bãi Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc trái phép thực hiện chỉ là một sàn bê tông nhỏ. Trên sàn bê tông đó, đã có một cơ sở thông tin liên lạc, một đơn vị đồn trú và bến tàu hiện lên.

Tuy nhiên, thông qua hình ảnh vệ tinh mới đây thì sàn bê tông đó đã được xây bao quanh bởi một hòn đảo nhân tạo rộng xấp xỉ 400 mét tại hai điểm cách nhau xa nhất với diện tích khoảng 100.000 m2.

Ngoài ra, các công nhân của Trung Quốc còn xây hẳn một đoạn đê biển kiên cố bao quanh đảo, một bến cảng cơ động và một cầu tàu ở phía tây bắc đảo này. Trong khi đó, các khối móng được cho là để xây một tòa nhà lớn xuất hiện ở đằng tây nam.

Tờ Khán Hòa bình luận trước đó, “hòn đảo nhân tạo này” sẽ không chỉ tăng cường cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông mà còn giúp họ theo dõi “nhất cử nhất động” của Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển này.

Bãi Gạc Ma không phải là công trường xây dựng duy nhất của Trung Quốc trên Quần đảo Trường Sa này. Các hình ảnh ghi ngày 13/9 và được các phương tiện truyền thông công bố chỉ ra, một công trình xây dựng tương tự ở bãi Châu Viên với các nhà máy khử mùi, cần trục, máy khoan và các đống vật liệu xây dựng.

Dữ liệu theo dõi của con tàu AISLive do tạp chí quốc phòng Jane's công bố vào tháng 6/2014 cho thấy, tàu nạo vét Ting Jing Hao (chuyên phụ trách công tác cải tạo đất của Trung Quốc ở Trường Sa) đã tới bãi Châu Viên 3 lần kể từ tháng 9/2013.

Trong tháng 9, Rupert Anthony Wingfield-Hayes -phóng viên kỳ cựu của BBC làm việc ở Tokyo, đã thực hiện chuyến đi trên tàu cá của ngư dân Philippines đến Trường Sa với mục tiêu xác minh cáo buộc gần đây của quốc tế cho rằng Trung Quốc đang đào đắp, cải tạo thực địa ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông. Trong chuyến đi của mình, phóng viên Rupert Anthony Wingfield-Hayes đã tận mắt chứng kiến việc Trung Quốc đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma thành một công trường xây dựng khổng lồ.

Các chuyên gia vạch mưu đồ của Trung Quốc

Tạp chí IHS Jane’s đăng tải bài viết của 2 chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor. Theo 2 chuyên gia này, hình ảnh vệ tinh từ Tổ chức Quốc phòng và Không gian Airbus cho thấy tiến độ đáng kể trong việc xây dựng của Trung Quốc trên đá Gạc Ma ở Trường Sa.

xay-dung-gac-ma-1

Gạc Ma biến thành công trường xây dựng khổng lồ. 

Hai chuyên gia của IHS Jane’s cũng khẳng định, chương trình cải tạc Gạc Ma ở Trường Sa của Bắc Kinh phớt lờ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc ký với ASEAN, trong đó các nước có liên quan cam kết không làm phức tạp tình hình.
Các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa trong 12 tháng qua là thách thức lớn với hiện trạng Biển Đông khi họ tạo nên các cơ sở có năng lực hỗ trợ binh lính đồn trú ở các khu vực rất gần với các điểm mà các nước khác kiểm soát ở Trường Sa.

Qua theo dõi tiến độ xây dựng các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Gạc Ma và một số đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hai chuyên gia quốc phòng của IHS Jane's cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh dùng các điểm này làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu của các nước cùng có tranh chấp trong khu vực.

Cần lưu ý rằng, giáo sư Christopher Hughes, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) từng khẳng định các việc làm từ nhiều năm nay cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bắc Kinh, không ngừng lấn tới.

Theo ông Hughes phân tích, năm 2009 là điểm quan trọng trong bức tranh tổng thể tranh chấp ở Biển Đông, khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường chín đoạn trong tài liệu chính thức quốc tế, gửi lên Liên Hợp Quốc.

"Giai đoạn trước 2009 là thời kỳ Trung Quốc chờ đợi và che giấu năng lực. Từ 2009 đến 2013, Bắc Kinh ấp ủ các kế hoạch của mình và năm 2014 là thời điểm bùng phát các hoạt động thực tế trên Biển Đông", ông Christopher Hughes phát biểu tại một hội thảo mới đây ở Hà Nội, trước sự hiện diện của một số nhà ngoại giao, học giả và phóng viên.

Trao đổi với Kiến Thức, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng khẳng định mối lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt các hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma bao gồm xây đường băng và trạm radar nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông

"Từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Nếu hoàn thành thì sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của ta. Bởi vì nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không phải tiếp dầu ở trên không", Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định. 

"Trung Quốc có thể không chỉ lắp đặt một trạm radar, mà có thể là nhiều trạm radar khác. Mục đích của việc làm này là kiểm soát vùng không lưu. Nếu lắp đặt hệ thống radar, Trung Quốc có thể nắm được hoạt động của tàu ngầm Việt Nam và bộ đội của ta trên các đảo của Việt Nam.

Những hành động trái phép trên Gạc Ma thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế; phản ánh bản chất cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc; thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, mở đường ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương để thực hiện mưu đồ đế quốc biển", Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết thêm.

Phương thức đối phó của Việt Nam

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, trả lời câu hỏi về phương thức đối phó của Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho hay: "Việt Nam phải đấu tranh ngoại giao, làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại. Thời gian qua, Trung Quốc huy động bộ máy tuyên truyền đồ sộ để "biến không thành có" như việc Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc mà thực tế thì ngược lại, chính tàu họ đâm tàu Việt Nam. Tuy sự thật đã chứng minh, nhưng Trung Quốc nói nhiều, thế giới sẽ có nước tin.

Việt Nam cần thắt chặt khối đoàn kết toàn dân, quyết liệt trên con đường ngoại giao để Trung Quốc phải chùn chân trong hành trình thực hiện những âm mưu sai trái. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị các phương án khi thấy dấu hiệu nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Hiện, Bộ Quốc phòng đã có những biện pháp đấu tranh tích cực trên mặt trận ngoại giao và nhiều mặt trận khác. Tôi tin chúng ta sẽ làm Trung Quốc phải chùn bước tham vọng.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Kienthuc.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: bien dong , tinh hinh bien bien dong , gac ma , bai da gac ma , kiem soat bien dong , tin , bao