Năm 2012, Việt Nam đặt kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây vẫn là một thách thức lớn khi thị trường lao động chưa ổn định.
|
Năm 2011, trong bối cảnh thị trường lao động thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính, công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan: đưa được 88.298 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 101,5% mục tiêu đặt ra.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính, công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan như vậy. Con số này có ý nghĩa như thế nào và ông có thể phân tích những nguyên nhân chúng ta đạt được kết quả đó?
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
Ông Đào Công Hải: Năm 2011, chúng ta đã đưa được 88.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 101,5% kế hoạch do Quốc hội giao. Đây là một kết quả rất đáng phấn khởi, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động thế giới còn rất trầm lắng, nhu cầu lao động giảm, đồng thời thị trường Libya là một thị trường quan trọng nhận nhiều lao động Việt Nam lại bị ảnh hưởng chính trị ta phải đưa một số lớn lao động về nước và không đưa được lao động mới đi.
Có thể đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của tất cả các cơ quan có liên quan, của cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Năm 2011, chúng ta đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu vẫn tăng mạnh ở một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc ta đưa đi được 15.214 lao động; MaLaysia 9.977 lao động, Đài Loan 38.796 lao động, Nhật Bản 6.985 lao động đều tăng so với năm trước.
PV: Đầu năm 2011, trước tình hình bất ổn chính trị tại Libya, Bộ LĐ-TBXH thực hiện thành công Chiến dịch sơ tán, đưa đón và hỗ trợ 10.000 lao động Việt Nam về nước. Đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Xin ông cho biết cho tới nay, việc hỗ trợ việc làm và cuộc sống của những lao động này có kết quả như thế nào?
Ông Đào Công Hải: Trước tình hình bất ổn chính trị tại Libya, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo nhanh chóng đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam về nước an toàn. Đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Người lao động về nước đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, trước hết là hỗ trợ về mặt tài chính để giảm bớt thiệt hại cho người lao động, thứ hai là được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Hiện nay, phần lớn những người lao động này đã tìm được việc làm mới tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc một số đã đi làm việc tại nước ngoài. Đến thời điểm này phần lớn lao động Việt Nam từ Libya về nước đã ổn định cuộc sống.
Nguyên Bộ trưởng LĐ- TBXH ra sân bay đón lao động từ Libya trở về (Ảnh: TP)
PV:Trước đây, khi vừa đón lao động từ Libya về nước, một số doanh nghiệp đã nói rằng sẵn sàng nhận những lao động này vào làm việc. Đặc biệt, Tập đoàn Khang Thông - chủ đầu tư dự án Happyland tại Long An đã đồng ý nhận toàn bộ 10.000 lao động Việt Nam vừa trở về từ Libya. Vậy, hiện nay việc tiếp nhận số lao động từ Libya đã được giải quyết như thế nào?
Ông Đào Công Hải: Đúng là thực tế có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận lao động vào làm việc, nhưng có những vướng mắc nên đã không thực hiện được như mong muốn. Thu nhập là một nguyên nhân, đi xa cũng là một nguyên nhân. Những lao động ở các tỉnh phía bắc thì không muốn vào làm việc tận Long An, vì quá xa gia đình. Thêm nữa, mức thu nhập tuy không quá thấp nhưng bù đắp cho chi phí sinh hoạt xa nhà thì không còn tích luỹ được bao nhiêu.
Phần lớn các lao động mong muốn được đi XKLĐ lại, mong muốn quay trở lại Libya khi tình hình ổn định, hoặc đi một thị trường khác. Cục cũng chủ trương chỉ đạo các doanh nghiệp dành ưu tiên cho những lao động này khi có cơ hội quay trở lại Libya hoặc những thị trường tương tự.
PV: Thưa ông, Hàn Quốc là một thị trường nóng, là đích đến mong ước của nhiều lao động. Chính vì thế mà đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, lừa đảo đối tượng đi XKLĐ. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục QLLĐ có những giải pháp nào để phòng chống những hiện tượng này?
Ông Đào Công Hải: Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng lừa đảo người lao động.
Thứ nhất là tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về quy trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc để người lao động nắm được thông tin, không để kẻ xấu lợi dụng. Chúng ta đã phát hành tờ rơi đến tận người lao động, đã phổ biến trên các trang thông tin điện tử của Bộ, của Cục và của Trung tâm lao động ngoài nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên phổ biến thông tin đến người lao động.
Thứ hai là thực hiện một quy trình công khai, minh bạch trong quá trình đăng ký kiểm tra, công bố kết quả kiểm tra và hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ dự tuyển cho người lao động.
Thứ ba là thực hiện nghiêm túc quy chế kiểm tra, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực và gian lận trong kiểm tra tiếng Hàn. Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Công an phối hợp ngăn ngừa gian lận trong quá trình kiểm tra, đã phối hợp với các tỉnh nơi tổ chức kiểm tra chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm đợt kiểm tra được trật tự, an toàn và minh bạch.
"Cần tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam..."
PV: Năm 2012, ngành đặt ra mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, ngành có lường trước được có những thách thức gì và biện pháp để thực hiện được mục tiêu này?
Ông Đào Công Hải: Năm 2012, chúng ta đã đặt kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù chỉ tiêu không tăng nhiều so với năm 2011 nhưng cũng đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của tất cả các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn cố gắng để vượt qua khỏi khủng hoảng, các đầu tàu kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn. Vì vậy, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan.
Để thực hiện được kế hoạch đưa lao động đi trong năm 2012, chúng ta phải thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp sau đây:
Thứ nhất là thực hiện các biện pháp để giữ vững và tăng cường thị phần lao động trong các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Đối với thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, phải triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Đối với thị trường Malaysia, chúng ta phải lựa chọn các hợp đồng tốt, tuyên truyền tư vấn để người lao động nắm được thông tin thị trường, từ đó sẵn sàng tham gia.
Đối với thị trường Nhật Bản, cần tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam, đồng thời chuẩn bị để triển khai chương trình đưa y tá và hộ lý sang làm việc theo theo thỏa thuận giữa 2 Chính phủ. Chúng ta cần chuẩn bị các điều kiện và đàm phán với các đối tác để tiếp tục đưa lao động sang làm việc tại Libya khi tình hình trở lại ổn định.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục tìm và mở các thị trường lao động mới, vận động để ký kết các thỏa thuận với các nước để hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam và quản lý, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động.
Thứ hai là phải chuẩn bị tốt nguồn lao động để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động thế giới. Tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như Đề án hỗ trợ các huyện nghèo để đi xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Đồng thời, chúng ta sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình đặt hàng đào tạo để đào tạo lao động xuất khẩu.
Thứ ba là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Trong năm 2012, sẽ tập trung thực hiện biện pháp chấn chỉnh việc đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan nhằm giảm chi phí cho người lao động.
**Xin cảm ơn ông!
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?