Đánh giá đề thi môn Văn năm nay, nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
|
Đề thi môn văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
Như phần lớn thí sinh, các học sinh Trường THPT dân lập Thành Nhân vui mừng với đề thi văn năm nay, nhưng các thầy cô giáo cho rằng đề không hay - (Ảnh: Như Hùng)
Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM), nói: “Đề thi môn văn năm nay vừa sức với thí sinh nhưng nhiều người trong nghề gọi đó là “con đường thân quen chúng ta đã đi bao đời nay”. Cách ra đề như thế này, theo tôi, sẽ khó có tác động tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông”.
Có chút tiếc nuối!
Tỏ ra bức xúc với đề thi môn văn, một giáo viên ở Q.Tân Bình, TP. HCM, kể: Sau khi kết thúc giờ thi môn văn, tổ văn ở trường cô đã ngồi họp với nhau và rút ra kết luận: “Đề thi cứ lặp lại theo kiểu này, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu sự tìm tòi, đổi mới của giáo viên. Cứ như thế này giáo viên chỉ cần đọc cho học sinh chép và bắt các em làm những con vẹt là được điểm cao”.
Cô Ngô Lan Anh, giáo viên văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), nhận xét đề văn năm nay quay về truyền thống. Nếu năm trước, nhiều giáo viên văn thấy thích thú với hướng ra đề mở đầy sáng tạo của đề văn thì năm nay có chút tiếc nuối.
Thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên văn Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn - đánh giá đề thi môn văn năm nay không có gì đột phá, thậm chí quay về lối ra đề truyền thống như trước đây với các tác phẩm kinh điển, các yêu cầu quen thuộc. Điểm ghi nhận của đề thi năm nay đó là câu giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải nắm tinh thần của tác phẩm chứ không lý thuyết suông như trước đây. Các câu còn lại, cả nội dung và yêu cầu đề đều không mới. Câu nghị luận xã hội tưởng như mở nhưng không mở. Với dạng đề này, giáo viên chỉ cần dạy một đề mẫu là học sinh có thể làm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang - khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) - cho rằng học sinh của ta đã quen thi gì học nấy, nên nếu đề thi chỉ yêu cầu thuộc văn mẫu, học vẹt thì học trò cũng chỉ học như thế mà thôi. Thế thì có bắt họ phê phán thói dối trá thì họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá mà thôi!
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành phần thi môn văn tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 3, TP. HCM - (Ảnh: Minh Đức)
Phần dễ nhất trong đề thi
Cụ thể hơn, TS Giang phân tích: Đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay vẫn theo quy cách ra đề mọi năm: đề có ba phần, phần 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa, phần 2 nghị luận xã hội, phần 3 nghị luận văn học. Trong khuôn khổ chật hẹp và cũ kỹ ấy, nhóm ra đề đã cố gắng có sáng tạo, ra đề sát chương trình khiến học sinh dễ làm bài, vừa kiểm tra được phần nào trình độ học sinh vừa cố gắng thoát ra khỏi khuôn sáo, hướng thí sinh đến những vấn đề xã hội và đạo đức.
Đánh giá việc ra đề về vấn đề “thói dối trá” trong câu 2 thật sự có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời cũng báo động một vấn nạn của đất nước ta hiện nay và đánh động lương tri xã hội, tuy nhiên TS Giang cũng cho rằng những câu về văn học vẫn theo lối mòn từ mấy chục năm nay mà những người dạy văn đọc lên vừa thấy chán chường vừa thấy xấu hổ với người quen và học trò vì ra một đề bài thuộc loại “văn mẫu”. Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 2 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương, thế nhưng thực chất cả hai câu đều là những câu học thuộc bài.
Trong khi đó, nhiều thí sinh lại cảm thấy hào hứng với câu nghị luận trong đề thi văn. Thanh Hà, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM), nói phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “thói dối trá” là phần dễ nhất trong đề thi. “Nội dung trong câu hỏi này rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày và em rất dễ tìm dẫn chứng nên em làm rất nhanh” - Hà phấn khởi cho biết.
Bạn Hà Anh, học sinh Trường THPT Trưng Vương, cũng đồng ý rằng câu nghị luận là câu dễ làm nhất. Theo Hà Anh, nội dung này đã được thầy cô luyện nhiều lần nên khi thấy đề như vậy cứ theo đó mà làm.
Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP. HCM), cho biết cảm thấy khá thú vị với câu 2 vì được trình bày quan điểm riêng của bản thân mình. Hiếu nói: “Tôi viết trong bài làm của mình rằng nguyên nhân của thói dối trá chính là việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ đang bị xem nhẹ, giới trẻ bị ảnh hưởng bởi những thông tin không lành mạnh đang được đăng tải tràn lan trên mạng Internet”.
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?
- Hà Nội sắp có tuyến đường sắt trên cao đến sân bay Nội Bài
- Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng
- Khúc gỗ siêu quý hiếm ở Việt Nam có giá 10 tỷ, niên đại 5.000 năm tuổi, tỷ phú đô la cũng chưa chắc mua được