Những kỳ Olympic trước, dù quân số ít hơn nhưng thể thao Việt Nam vẫn có cái để kỳ vọng và kết quả là thu hoạch được HCB của võ sĩ Trần Hiếu Ngân (Olympic Sydney 2000) và HCB của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (Olympic Bắc Kinh 2008).
Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra nhưng có nguyên nhân thấy rất rõ là lần xuất quân này, thể thao Việt Nam đã không mang quyết tâm cao, không có sự chuẩn bị cho tư thế đoạt huy chương.
Có thể vì những nhà lãnh đạo thể thao biết khả năng của VĐV mình nên chỉ dám hy vọng vào sự đột biến về thành tích. Bên cạnh đó tâm lý phấn đấu để đạt chuẩn và đi dự cho đông mang nặng hơn là tâm lý chúng ta đến với Olympic để đoạt huy chương. Từ đó đã không có sự chuẩn bị kỹ cho các VĐV nhà.
Diệu Linh hốt hoảng nhìn bảng điểm và mong trận đấu sớm kết thúc
Có thể lấy trường hợp của Trần Lê Quốc Toàn làm dẫn chứng. Chỉ sau chiếc HCV SEA Games 25 (tháng 12-2011), Quốc Toàn mới được những người có trách nhiệm ngắm nghía đưa vào diện “trọng điểm”. Và dù là VĐV được kỳ vọng nhất nhưng Toàn cũng chỉ có tròm trèm ba tháng tập huấn tại Bulgaria để nâng tầm. Với thời gian ít ỏi trên, việc Quốc Toàn nâng tổng thành tích 280 kg ở SEA Games 26 lên thêm 4 kg thành 284 kg tại Olympic London đã là nỗ lực vượt bậc.
Nhiều người cứ đổ tội và cứ tiếc cho tính toán sai nhưng không ai đổ cho việc nếu đầu tư tốt hơn và sớm hơn thì đã có thu hoạch tốt hơn.
Đầu tư VĐV trọng điểm vốn đã ít, sự chuẩn bị cho mục tiêu càng thê thảm hơn khi Hà Thanh (thể dục), Nguyễn Thị Lụa (vật) bốn tháng ròng tập chay không có chuyên gia ngoại. “Trọng điểm” theo kiểu hai VĐV Taekwondo cũng thật hổ thẹn khi mà tháng 8 lên sàn thi đấu nhưng mãi đến tháng 5 Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh mới được làm quen với áo giáp đấu điện tử - việc mà trước đó các đối thủ đã được thử lửa hơn một năm.
Đã đến lúc TTVN cần định hướng rõ ràng huy chương Olympic hay chỉ quanh quẩn mục tiêu đua vào tốp đầu khu vực!