Thanh Hóa: Trắng đêm xua cát tặc
Thứ hai, 02/04/2012 14:26

Tại xóm Bình, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa chuyện sạt lở bờ sông đang là vấn đề nóng trong suốt thời gian qua.

Hằng đêm, thay vì nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc, cả làng đánh kẻng, hò hét, ném đá xua cát tặc…

Trăm nỗi khổ, đổ đầu dân

Anh Hoàng Đạt Dũng chỉ chỗ mới sạt lở, cách bờ đê khoảng 4-5m. (Ảnh: TG)

Giao cho công an xử lý cát tặc

Trước phản ánh và kiến nghị của người dân xóm Bình, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 1509/UBND-TD giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Vĩnh Lộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác cát trái phép tại xã Vĩnh Hùng, đề xuất báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Hy vọng sau công văn này, nạn cát tặc sẽ được xử lý một cách cương quyết, đem lại cuộc sống yên bình cho bà con.

Nhưng xem ra mọi cố gắng của người dân như “đá ném ao bèo”.Với chiều dài khoảng 2km nằm dọc bờ sông Mã (đoạn chảy qua xóm Bình, xã Vĩnh Hùng) nhiều đoạn đã sạt lở nghiêm trọng, có chỗ dòng nước ăn sâu chỉ cách bờ đê được kè bằng đá khoảng gần 10m. Nhìn những ngôi nhà, những cánh đồng ngô xanh mơn mởn nằm kế bên những chỗ sạt, lún trên bờ đê, chúng tôi không khỏi rùng mình. Tất cả đang đứng trước nguy cơ bị dòng sông nuốt gọn. Nhiều hộ dân đang hằng ngày sống trong thấp thỏm, lo âu, không biết ngày nào nhà mình sẽ bị dòng nước cuốn trôi. “Biết là nguy hiểm nhưng người dân chúng tôi cũng chẳng có giải pháp nào khác là chấp nhận sống chung với nó. Thôi thì tài sản, tính mạng của 120 hộ dân với 450 nhân khẩu của xóm Bình đành phó mặc cho ông trời”, một người dân ngậm ngùi.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lở bờ sông xuất phát từ việc khai thác cát trái phép của một số người. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc nhưng tất cả chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, tình hình khai thác cát bừa bãi vẫn xảy ra, dưới mọi hình thức. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2012, việc khai thác cát ồ ạt xuất hiện và khá công khai. Để xua đuổi cát tặc, nhiều người dân địa phương đã thay phiên nhau trực đêm, thậm chí họ ném đá vào cát tặc, nhưng tình trạng cũng chẳng cải thiện là bao.

Từng đoàn thuyền với tải trọng lớn vẫn đua nhau hút cát khiến cho bờ đê mới được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Ngày trước bờ sông bên này chủ yếu là phù sa bồi đắp, thời gian vừa qua rất nhiều thuyền tập trung đến đây khai thác, gây nên tình trạng sạt lở. Trước kia, họ khai thác cả ngày còn bây giờ chủ yếu vào ban đêm, từ 19h đến 5h sáng hôm sau. Khoảng 40 – 50 chiếc thuyền với tải trọng hàng trăm tấn chờ thủy triều nước dâng lên họ ồ ạt tấn công, chỉ cách bờ đê khoảng 10m để hút cát. Xóm chúng tôi hàng đêm cứ thấy thuyền vào là đánh kẻng báo động, người dân đổ xô ra hò hét, ném đá xua thuyền đi, ngày trước đuổi thì họ ra giữa sông, còn bây giờ ném đá xuống thuyền thì họ ném lại. Tiếng máy nổ hút cát ầm ầm tra tấn cả đêm, khiến chúng tôi không thể chợp mắt, nếu muốn ngủ thì phải nhét bông vào tai, khổ nhất là trẻ em với người già. Cuộc chiến cát tặc kéo dài suốt thời gian qua, khiến chúng tôi rất mệt mỏi, lo lắng. Chúng tôi không rõ các thuyền từ đâu đến, bà con đã lên xã, huyện, thậm chí xuống tận tỉnh kêu cứu nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến gì”, anh Hoàng Đạt Dũng, nhà gần bờ đê bức xúc nói.

Cuộc chiến dai dẳng

Đi dọc bờ đê, chúng tôi được chứng kiến nhiều điểm sạt lở vừa mới xảy ra, trong đó nguy hiểm nhất là đoạn cuối xóm Bình, sạt lở tạo thành hình chữ U, ăn sát chân đê, chỉ còn cách khoảng 4-5m. Hiện nhiều điểm sạt lở vẫn đang tiếp tục ăn sâu vào trong, bởi cát được hút ra tạo thành hàm ếch, bọt liên tục sủi mạnh ở bên dưới.

Thấy chúng tôi, nhiều người dân đang làm đồng gần đấy ùa ra, họ bức xúc kể lại việc cát tặc gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của họ, nhưng chính quyền địa phương đã không có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Chị Nguyễn Thị Huân (xóm Bình) cho hay: “Các thuyền tập kết bên kia bờ sông, nằm rải rác dưới xã Vĩnh Minh, cứ đêm xuống là máy nổ ầm ầm cả một đoạn sông dài. Cán bộ xã, huyện xuống giải quyết nhưng không có thuyền để ra nên đành chịu. Từ nhà tôi ra đến bờ sông khoảng 50m, nếu tình trạng hút cát không sớm được ngăn chặn thì khi mùa mưa bão đến, toàn bộ con đê mới làm cùng nhà cửa kiểu gì cũng bị cuốn trôi”.

Cùng chung tâm trạng này, một người dân khác là chị Trịnh Thị Thiện ngao ngán: “Cát ở gần bờ chất lượng tốt hơn nên những chiếc thuyền to như những ngôi nhà 3 gian cứ thế ùa kéo vào. Giếng khoan của chúng tôi ngày trước nước dùng không hết, còn bây giờ chỉ khi nào thủy triều lên bơm được vài phút là hết nước. Sinh hoạt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả trên mặt đê đã xuất hiện nhiều điểm lún sâu…”.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin được trích tâm tư của cụ ông Hà Văn Huấn: “Tiếng kẻng báo động chúng tôi chỉ sử dụng trong thời chiến, không ngờ bây giờ giữa thời bình mà hằng đêm tiếng kẻng vẫn vang lên. Chúng tôi đã cố gắng xua đuổi cát tặc để giữ bờ sông Mã, giữ cuộc sống của chính chúng tôi, nhưng sức người không thể cản nổi máy móc. Xã, huyện đã vào cuộc cũng chẳng làm gì được. Phải chăng đằng sau đội quân cát tặc này còn có những thế lực lớn hơn bảo kê? Nếu chính quyền làm một cách quyết liệt thì tôi tin sẽ dẹp được!”.

GiadinhNet
Tag: Cát tặc , Khai thác cát trái phép , Pháp luật , Thanh Hóa