Syria bắt đầu sụp đổ?
Thứ hai, 25/06/2012 08:12

Bạo lực ở Syria lại leo thang với những cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội và phe đối lập tại nhiều thành phố, chưa kể các cuộc tàn sát đẫm máu ở ít nhất 2 làng của người Sunni.

Bạo lực ở Syria vượt ngoài tầm kiểm soát đến nỗi Liên Hiệp Quốc không còn cách nào khác phải đình chỉ các hoạt động giám sát tại nước này sau khi một thành viên giám sát bị tấn công khi đang tuần tra. Thiếu tướng Robert Mood, Trưởng phái bộ UNSMIS lý giải động thái này là nhằm đảm bảo an toàn cho 300 quan sát viên đang có mặt tại Syria và để phản đối việc "các bên thiếu thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho Syria.

Sự lột xác bất ngờ của FSA

Trong những tháng gần đây, Quân đội tự do Syria (FSA) chứng minh khả năng tấn công chống lại quân đội trung thành với chế độ Assad trong các cuộc đụng độ tại thành phố Homs, Idlib và Deraa.

Đặc biệt vào tuần trước, quân nổi dậy chứng minh sự lớn mạnh rõ rệt về cả số lượng lẫn chất lượng khi thể hiện bản lĩnh chiến đấu rất dẻo dai, bền bỉ và ngoan cường. Sự lột xác bất ngờ của FSA đến từ một số lý do dưới đây.

Syria bắt đầu sụp đổ?

Quân đội tự do Syria (FSA) lớn mạnh.

Đầu tiên là những người Syria bất mãn với chế độ Assad và binh sĩ đào ngũ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và được tiếp nhận các khóa đào tạo, huấn luyện rất bài bản, chuyên sâu từ các sĩ quan Syria lẫn các chuyên gia của NATO.

Thứ 2, việc chế độ Assad mạnh tay đàn áp gây nên sự phẫn nộ trong đội ngũ binh sĩ người Sunni, thúc giục họ đào ngũ, đứng về phái phe đối lập.

Thứ 3, các vụ thảm sát gần đây ở Houla và Mazraat al-Qubair rõ ràng làm gia tăng đáng kể sự phẫn nộ trong lòng người dân Syria đối với chế độ Assad, đẩy xung đột giáo phái, sắc tộc lên cao hơn, khuyến khích trai tráng người Sunni cầm vũ khí đứng lên chống lại chính phủ.

Thứ 4, các bộ tộc người Sunni ở Iraq nhiệt tình ủng hộ vũ khí cho công cuộc chống chế độ Alawite bên trong Syria.

Ngoài ra, Washington đang bí mật cung cấp cho quân nổi dậy các gói vũ khí không hề nhỏ, giúp họ lật đổ chế độ Syria chứ không đơn thuần chỉ lên án, chỉ trích suông hay gây sức ép ngoại giao để buộc Tổng thống Assad phải từ chức.

Các kịch bản cho Syria

Bất chấp sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, theo Asia Times, quân nổi dậy Syria hiện vẫn chưa hội tụ đủ sức mạnh cần thiết để có thể lật đổ chế độ Assad. Hiện có thể dự đoán một số kịch bản khả quan hơn cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đầu tiên là, chế độ Assad, nếu tiếp tục đẩy mạnh các cuộc đàn áp như cách đây vài tuần, gây ra thương vong nặng nề cho phe nổi dậy, thì khả năng phong trào nổi dậy tại Syria sẽ bị đè bẹp.

Thứ 2 là, cuộc đảo chính có thể xảy ra với hệ quả là, Tổng thống Assad sẽ ra đi, sống lưu vong ở nước ngoài nhưng chế độ Syria sẽ được giữ lại. Tuy nhiên, các sự kiện đang diễn ra ở Yemen và Ai Cập, nơi các Tổng thống độc tài bị lật đổ nhưng những cộng sự hoặc thân tín của họ trụ lại được và leo lên nấc thang quyền lực cao nhất có khả năng khiến phe nổi dậy Syria không bao giờ chấp nhận để kịch bản này xảy ra.

Một kịch bản thứ 3, chính là sự tan rã của chế độ Assad và đặt ra vấn đề toàn vẹn lãnh thổ cho Syria trong các vấn đề chung của thế giới. Cộng đồng người Kurd ở phía Đông Bắc Syria có thể lợi dụng cơ hội khủng hoảng và hỗn loạn để sát nhập vào cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq, khu vực gần như không chịu lệ thuộc vào chính phủ ở Baghdad.

Kịch bản thứ 4, Tổng thống Assad có thể cố thủ tại khu vực dọc bờ biển Địa Trung Hải, nơi các bộ tộc người Alawite và Shiite tập trung đông đảo. Kịch bản này có thể nhận được sự hỗ trợ từ Nga, vốn ủng hộ chế độ Assad để bảo vệ căn cứ hải quân Tartus – căn cứ quân sự duy nhất từ thời Xô Viết còn sót lại trong khu vực của Nga. Các cuộc tàn sát tại các làng ven biển Địa Trung Hải của người Sunni thời gian gần đây có thể là bước thanh lọc sắc tộc để chuẩn bị cho kịch bản cố thủ này của chế độ Assad.

Israel có thể đắc lợi từ viễn cảnh Syria - một trong những láng giềng mạnh nhất của họ bị “xé toạc” thành từng phần bởi các giáo phái đối kháng lẫn nhau. Trên thực tế, Syria vốn bị xem là kẻ thù của Israel. Đầu những năm 1980, Israel tiêu diệt gần như toàn bộ không quân Syria trong các cuộc đọ sức trên không. Chưa dừng lại ở đó, gần đây, Israel chứng minh khả năng phá vỡ hàng rào phòng không của Syria khi tiến hành vụ không kích phá hủy một cơ sở hạt nhân đáng ngờ tại Syria vào năm 2007. Và kịch bản một Syria bị “chia năm xẻ bảy” trong thù địch giáo phái mãi mãi có thể làm giảm mối quan ngại an ninh của họ.

Mức độ ảnh hưởng của ngoại quốc tại Syria

Nga và Iran không dễ bỏ rơi đồng minh Syria. Sẽ không có khả năng can thiệp quân sự vào Syria song họ sẽ hỗ trợ vũ khí, cung cấp các loại viện trợ bao gồm tiền mặt; đồng thời ủng hộ đồng minh trên phương diện ngoại giao.

Syria bắt đầu sụp đổ?

Nga và Iran sẽ không bao giờ bỏ rơi đồng minh ruột Syria.

Có tin là Moscow vừa triển khai 2 tàu chiến Nikolai Filchenkov và Caesar Kunikov đến căn cứ hải quân Tartus ở Syria để bảo vệ công dân nước này.

Cũng theo nguồn tin trên, 2 tàu này sẽ mang theo một “lượng lớn” thủy quân lục chiến. Tàu đổ bộ Caesar Kunikov có thể chở theo 150 lính thủy đánh bộ và nhiều vũ khí khác như xe tăng, trong khi tàu Nikolai Filchenkov có thể chở được tới 1.500 tấn hàng hóa và thiết bị. Tối đa 2 tàu có thể chuyên chở khoảng 600 binh sĩ và 24 xe tăng.

Trong khi đó, ngoài khơi Scotland, Anh cũng vừa chặn tàu Nga MV Alaed bị nghi là chở trực thăng và tên lửa đến Syria. Cụ thể, Telegraph đưa tin tàu MV Alaed mang theo các máy bay trực thăng Mi25 - vốn được mệnh danh là “xe tăng bay” - từ một cảng ở Kaliningrad (Nga) băng qua Biển Bắc, quá cảng ở Anh trên chuyến hành trình đến Địa Trung Hải và nhiều khả năng sẽ cập cảng Tartus (Syria).

Ngược lại, xuất phát từ các lợi ích riêng, nhiều quốc gia gặp nhau ở tham vọng muốn loại bỏ Tổng thống Assad. Đầu tiên là Saudi Arabia. Một năm trước, Saudi Arabia từng thương lượng với Tổng thống Assad để “mua chuộc” Syria đứng về cùng một chiến tuyến chống Iran với họ. Tuy nhiên, Tổng thống Assad cự tuyệt thỏa thuận này. Saudi Arabia và các đồng minh Sunni của họ liền muốn thay thế ông bằng một lãnh đạo mới có cùng tư tưởng chống Iran.

Các quốc gia mà dòng Sunni nắm giữ quyền lực tối cao có thể tạm bằng lòng với một cuộc nội chiến dai dẳng bên trong Syria. Sự thất thế của chế độ Assad sẽ làm suy yếu Iran. Các quốc gia này quan tâm đến số phận của Cộng hòa Hồi giáo nhiều hơn hẳn so với số phận của Syria.

Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu muốn Tổng thống Assad ra đi và thiết lập một nền dân chủ ổn định tại Syria bất chấp sự chia rẽ của các của các phong trào của cộng đồng hải ngoại Syria và các sự kiện thời hậu Gaddafi ở Libya không được thúc đẩy theo hướng này.

Song, trong vòng xoáy của các sự kiện nổ ra ở Trung Đông hơn một năm rưỡi qua, các cường quốc nước ngoài không nên tin rằng họ có khả năng kiểm soát các sự kiện ở Syria. Trên thực tế, khủng hoảng Syria nói riêng và mùa xuân Arab vượt ra khỏi vòng kiểm soát của họ.

Infonet
Tag: Syria , Bạo lực , Bạo lực ở Syria , Phe đối lập , Nội chiến , Người Sunni