Sức công phá của pháo phản lực "chỉ có ở VN" trên chiến trường
Thứ ba, 19/03/2013 07:28

Trong chiến tranh, Việt Nam đã cải tiến đưa vào sử dụng pháo phản lực mang vác làm quân địch bao phen “kinh hồn bạt vía”.

Pháo phản lực BM-14

Pháo phản lực BM-14 "nguyên bản" (xe và giàn phóng) của Việt Nam trong diễn tập bắn đạn thật. Nguồn: báo QĐND

* Bài viết có sử dụng tài liệu sách Biên niên Sự kiện Lịch sử ngành Kỹ thuật Pháo binh QĐNDVN (1945-1975) và Lịch sử Pháo binh.

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam những pháo phản lực có sức tấn công kinh hoàng. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện chiến trường, Việt Nam đã tự cải tiến thành những loại pháo phản lực có thể mang vác. Nó vừa mang tính cơ động cao nhưng vẫn đảm bảo sức hủy diệt mạnh.

Từ BM-14 đến A12

Đầu những năm 1960, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam pháo phản lực phóng loạt BM-14. Pháo dùng khung gầm cơ sở xe vận tải bánh lốp lắp giàn phóng 16-17 nòng cỡ đạn 140mm. Mỗi quả đạn rocket BM-14 nặng khoảng 40kg, đạt tầm bắn khoảng 10km.

Sự xuất hiện của pháo phản lực trong biên chế là một bước phát triển mới của Binh chủng Pháo binh Việt Nam. Tuy nhiên, với trọng lượng lớn và cồng kềnh thì BM-14 không thuận lợi trong tác chiến ở chiến trường miền Nam.

Thực tế chiến trường đòi hỏi một loại pháo có uy lực lớn, nhưng phải mang vác được bằng sức người. Bởi vậy, ngành kỹ thuật pháo binh đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu để cải tiến BM-14.

Sách Biên niên sự kiện lịch sử ngành kỹ thuật pháo binh QĐNDVN (1945-1975) viết: “Để tăng cường loại vũ khí có hỏa lực mạnh cho chiến trường, Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai nghiên cứu cải tiến pháo phản lực BM-14 (Liên Xô sản xuất) thành pháo phản lực mang vác”.

BM-14 sau cải tiến gồm ống phóng gắn trên một bệ bằng gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1,14m, mặt trong có đánh 4 đường sống tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Bệ bằng gỗ dày 2cm, rộng 25cm, dài 120cm. Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế. Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5kg.

Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin con thỏ 1,5 vol. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại.

Pháo phản lực mang vác A12 cải tiến từ BM-14 tại trường bắn Hòa Lạc, năm 1966.

Pháo BM-14 sau khi cải tiến có tầm bắn khoảng 8.000 m (giảm so với nguyên bản) nhưng độ chính xác cao hơn. Mặt khác, BM-14 chỉ phóng lần lượt từng quả một, còn pháo cải tiến có thể phóng cùng lúc 12 quả đạn nhờ 1 hệ thống điện điểm hỏa. Bởi vậy nó được gọi là A12.

Sau khi cải tiến thành công, từ dàn phóng 17 nòng, A12 được biên chế cho mỗi tiểu đội 12 khẩu. Với trọng lượng rất nhẹ, A12 rất tiện lợi cơ động để thực hiện những đòn tập kích hỏa lực luồn sâu đánh hiểm vào đối phương.

Ngày 28/2/1967, Tiểu đoàn 99 lần đầu sử dụng pháo phản lực “made in Vietnam” A12 trên chiến trường. Tiểu đoàn đã bắn 15 loạt với 140 viên đạn vào các mục tiêu trong sân bay Đà Nẵng. Trận tập kích bất ngờ này đã phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự các loại cùng hàng trăm tên địch.

Tổ điệp báo trong thành phố sau này gửi thư ra miêu tả trận đánh: “Tỉnh dậy là thấy tiếng ào ào xé không khí như hàng chục chiếc máy bay phản lực cất cánh. Nhiều tiếng nổ làm rung chuyển cả thành phố. Lửa bùng lên dữ dội trong sân bay. Nhiều người tưởng là máy bay từ miền Bắc vào ném bom đã rủ nhau lên mái nhà xem máy bay Mỹ cháy”.

ĐKB và bão lửa Biên Hòa

Cùng với BM-14, sau này Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam loại pháo phản lực mới nhất khi đó, BM-21 Grad. Pháo dùng khung gầm cơ sở xe bánh lốp lắp giàn phóng 40 nòng cỡ 122mm, bắn những viên đạn rocket đi xa 20km.

Một khẩu đội gồm 3-4 người có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài 64m.

Pháo phản lực BM-21 Grad của Quân đội Việt Nam hiện nay. Nguồn: báo QĐND

Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây trùm lên một khu vực rộng. Đây là vũ khí rất hữu hiệu để chống lại đội hình bộ binh và thiết giáp nhẹ, cũng như để phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố. Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn vào một mục tiêu nhỏ được định vị như lô cốt bê tông.

Cũng giống BM-14, BM-21 cồng kềnh không thích hợp cho tác chiến ở chiến trường miền Nam thời điểm đó. Vì thế, phía ta đã đề nghị phía Liên Xô cải tiến giúp BM-21 thành từng nòng riêng lẻ để tiện cơ động.

Theo Lịch sử Pháo Binh Việt Nam viết: “Dịp Tết năm 1966, BM-21 cải tiến đã được gửi sang Việt Nam. Ban đầu người ta gọi nó là DKZ-66, sau đó đổi thành ĐKB (loại ĐKZ chuyên dùng chiến đấu ở chiến trường B)”.

ĐKB vẫn sử dụng nòng và đạn cùng cỡ như BM-21 nhưng được tháo riêng thành 2 bộ phận là nòng và chân rất gọn nhẹ, tiện mang vác. Đạn ĐKB nặng 46kg, tầm bắn từ 2-10km.

Biến thể mang vác ĐKB cải tiến trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: sách Lịch sử Pháo binh

Trung đoàn 84A được thành lập để huấn luyện sử dụng ĐKB. Ngày 17/6/1966, Trung đoàn 84 cùng với Tiểu đoàn 99 đã bắn trình diễn vũ khí mới tại trường bắn Hòa Lạc (Hà Tây) cho Bác Hồ và các vị lãnh đạo cấp cao xem. Ngay trong năm 1966, Trung đoàn 84A với 54 khẩu ĐKB hành quân vào miền Nam.

Ngày 11/2/1967, pháo phản lực ĐKB lần đầu được sử dụng trên chiến trường. Trung đoàn 84A đã dùng 54 khẩu ĐKB tấn công sân bay Biên Hòa. Chỉ trong vòng 15 phút, toàn bộ sân bay đã ngập chìm trong khói lửa. Khoảng 150 máy bay cùng nhiều kho tàng đã bị phá hủy. Đòn tấn công này đã khiến quân địch hoang mang, hoảng sợ.

Những trận đánh vào sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa của A12 và ĐKB đã mở đầu cho chiến thuật sử dụng pháo mang vác luồn sâu đánh hiểm của pháo binh Việt Nam. Từ đó pháo mang vác được sử dụng rất phổ biến và đã trở thành một vũ khí lợi hại của pháo binh ta trong những trận pháo kích vào căn cứ địch.

Kiến Thức

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Pháo , Phản lực , Pháo nguyên bản , Quốc phòng Việt Nam , An ninh tổ quốc