Số phận 'luân lạc' của đại hồng chung ngàn tuổi bên dòng Đồng Đen
Thứ ba, 27/05/2014 10:09

Cổ tự Vạn Thiện có hàng trăm năm tuổi. Ít ai biết rằng, số phận “luân lạc” kỳ lạ của quả chuông báu ngàn năm lại làm nên huyền thoại của con sông Đồng Đen nơi đây.

Chuông báu ngàn năm linh thiêng (ảnh minh họa)

Chuông báu ngàn năm linh thiêng (ảnh minh họa)

Người ta tin rằng, báu vật chuông đồng vẫn nằm đâu đó dưới lòng sông và đêm đêm người dân vẫn nghe thấy tiếng chuông vọng về trong không gian...

Chuông báu ngàn năm

Theo lời sư trụ trì Thích Trừng Thông, tiền thân của chùa Vạn Thiện có tên là Phụng Thùy Sơn do ngài tổ sư Thượng Ân Hạ Tùy khai lập. Thuở ban sơ, chùa được khai dựng ở Suối Đổ, bên triền một ngọn núi thuộc dãy Hoàng Ngưu Sơn, thuộc địa phận thôn Phước Trạch. Vị sư tổ vốn là người miền Bắc, khi đi ngang nơi đây, ham yêu vẻ đẹp kỳ vĩ của sơn thủy hữu tình nên đã “dừng chân” lập am tu hành.

Tương truyền, sau khi vị sư tổ tu hành đắc đạo thì ở khắp nơi xung quanh ngài đều có những cánh chim phượng hoàng bay lượn trong ánh hào quang rực rỡ. Rừng núi bỗng trở nên đẹp như tiên cảnh bồng lai. Những cánh chim từ xứ sở thần tiên đến để đưa ngài về với “cõi Phật”, nhưng ngài nhất định từ chối và ở lại lập am thất để tu hành. Tên chùa được đặt là Phụng Thùy Sơn, theo nghĩa những cánh chim phượng hoàng lượn bay trên đỉnh núi.

Khi tu hành đắc đạo, ngài Thượng Ân Hạ Tỳ còn được ban tặng một chiếc đại hồng chung rất quý làm bằng đồng đen. Mỗi khi ngài gióng tiếng chuông lên là lập tức những cánh chim phượng hoàng bay đến để bầu bạn. Ngọn núi nơi ngài tu luyện được đổi tên thành Hòn Chùa. Kế thừa y bát của tổ sư là đại đệ tử đạo hiệu là Linh Phù. Sau khi làm lễ mai táng cho ân sư, tân trụ trì dời chuyển chùa và chiếc đại hồng chung về thôn An Ninh (huyện Diên An, tỉnh Khánh Hòa) để khai lập một ngôi chùa mới với tên gọi: Vạn Thiện.

Lúc này, chiếc chuông quý báu được thành kính đặt lên tháp chuông phía chính diện ngôi chùa để thờ tự. Bản thân sư trụ trì trẻ tuổi trước đó vốn được sư phụ truyền thụ Phật pháp vi diệu, nên cũng gióng được những tiếng chuông gọi bầy chim Phượng Hoàng từ trên “tiên cảnh” bay về. Về sau, khi ngài hỏa thiêu, rũ bỏ trần thế về trời thì không còn ai có thể gióng chuông để gọi những cánh chim từ thế giới bồng lai đến nữa. Tuy thế, những đời trụ trì sau này luôn coi đó là vật báu linh thiêng vô giá của nhà chùa và ra sức canh giữ nghiêm ngặt.

Cứ mỗi chiều, những hồi chuông lại vang vọng gieo cảm giác bình an cho dân làng xung quanh được đắm mình trong cõi thiền tịnh. Mỗi lần trong làng có người mất đi thì người thân trong gia đình tìm đến cửa chùa để gióng tiếng chuông tiễn biệt người đã khuất về với cõi “bồng lai”. Dần dần, tiếng chuông trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống của dân làng trong vùng, và người dân địa phương luôn coi đó là một bảo vật linh thiêng của làng. Họ ra sức cùng nhau canh giữ khỏi kẻ xấu trộm cắp.

“Thế nhưng tiếng đồn về chiếc chuông quý vang xa đến khắp nơi, nhiều người đổ xô về để tận mắt nhìn thấy chiếc chuông quý, trong đó cũng lắm kẻ bất nhân nuôi thâm ý muốn chiếm làm của riêng. Giữa lúc binh đao loạn lạc, nhiều kẻ xấu nhân dòm ngó nên sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, nhà chùa thống nhất giao báu cho dân làng cất giữ để tránh bọn xấu”, thầy Thích Trừng Thông chia sẻ.

chuong-bau-ngan-nam-271

“Vật báu luân lạc” và huyền thoại một dòng sông

Vẫn lời sư trụ trì, số phận của chiếc đại hồng chung gắn bó mật thiết với huyền thoại về dòng sông Đồng Đen thơ mộng. Thầy kể, ngày xưa nhánh sông chảy qua xã Diên An này có tên gọi “Sông Cạn”, là một nhánh của sông Cái. Nhưng bây giờ nếu khách hỏi về cái tên con Sông Cạn thì không mấy người biết đến nữa. Người dân địa phương lâu nay vẫn gọi sông này với cái tên sông Đồng Đen, bởi nó đã gắn liền với sự tích về chiếc “đại hồng chung” quý ở chùa Vạn Thiên.

Thuở đó, lợi dụng binh loạn, kẻ xấu nhiều lần đột nhập vào chùa để trộm chuông quý nhưng bất thành. Để bảo vệ chuông, người dân địa phương đem chôn ở bờ sông Cạn gần chùa. Vài hôm sau, trời bỗng nhiên nổi cơn mưa to, sấm chớp đì đùng, sợ chiếc chuông bị nước cuốn trôi nên dân trong vùng đã hò nhau lặn tìm, trục vớt chuông lên đem trở lại chùa. Nhưng sau một thời gian dài lặn tìm những vị trí đã được đánh giấu ở khúc sông Cạn vẫn không thấy chuông đâu, nhiều người hoảng sợ bỏ về.

Tưởng rằng chiếc chuông đồng đã bị nước lớn cuốn đi trong trận lũ lụt trước đó, nhưng cứ đêm đêm người dân địa phương vẫn nghe tiếng chuông vọng về từ phía bờ sông. Cùng thời điểm, một sự việc kì lạ khác lại xảy đến, khiến người dân không thể tin nổi vào mắt mình. Đó là trong vùng có xuất hiện hai con trâu đen to lớn thường tới cánh đồng dâu của họ ăn lá và dẫm nát những khu đất trồng. Khi người dân hò nhau đuổi tới khúc sông chôn vùi quả chuông quý, kỳ lạ chẳng thấy hai con trâu mộng kia đâu.

Người ta cho rằng, hai con trâu này nhảy xuống sông và biến mất không một dấu tích. Bởi thế, người dân càng tin vào sự linh thiêng của quả chuông đồng đen. Nhiều người thắp nhang khấn lễ và nhiều lần lặn tìm ở đoạn sông Cạn với hi vọng tìm thấy chiếc chuông quý để đem lên thờ tự, nhưng vẫn vô vọng. Đến triều đại vua Thành Thái (1889-1907), trong thôn Ninh An có người đi câu lại trông thấy quả hồng chung nổi lên trên mặt nước một cách kì lạ, liền tri hô những người dân ở gần đó đến xem.

Thấy chuông quý, dân địa phương hè nhau khiêng lên bờ thế nhưng như có phép lạ, có huy động bao nhiêu người đi nữa, vẫn chẳng thể nhấc chuông lên nổi. Quá đỗi kinh ngạc, người làng liền trình báo sự việc bất thường lên quan đầu tỉnh xin trợ giúp. Vị thượng quan liền sau quản tượng Hồ Ngọc Nhuận đem voi chiến đến kéo chuông. Sợ một voi không kéo nổi, viên quản tượng phải dùng đến hai thớt voi. Nhưng rút cuộc vẫn vô ích, suốt một ngày một đêm dùng cả sức người và sức voi nhưng “đại hồng chung” vẫn không mảy may xê dịch.

Nhận thấy vật thiêng nên hương lí đã thiết án hương cầu khẩn Thần Phật để cho mang được quả hồng chung lên. Cuối canh tư, trời bỗng nhiên nỗi sấm chớp đì đùng khắp tứ phía, mưa to gió lớn khiến cho nước sông dâng cao. Sợi dây thừng cỡ lớn buộc ở cổ voi dùng để kéo chuông bỗng nhiên đứt rời khiến cho nhiều người sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Sau khi mưa tạnh nước rút, nhiều người lặn xuống sông tìm quả chuông quý nhưng không còn thấy nữa. Đến giờ Ngọ hôm đó, nước sông Cạn bỗng sôi lên sùng sục, khi hết sôi thì nước sông bỗng chuyển sang màu đen ngòm như mực.

Cho rằng nước sông đổi màu là do chiếc chuông đồng đen tan ra, nên người dân nơi đây đổi tên dòng sông Cạn thành dòng Đồng Đen. Ngày nay, khách đến thăm chùa đi qua khúc sông Đồng Đen nhưng không thấy nước có màu đen ngòm như xưa nữa nhưng sự tích về con sông này vẫn được người dân địa phương truyền tụng từ đời này sang đời khác để nhắc nhớ về một vùng đất hiền hòa nhưng cũng không kém màu thi vị huyền bí.

Trên gác chuông chùa Vạn Thiện đã có một “đại hồng chung” mới thế chỗ chiếc “đại hồng chung” đã mất đi. Dưới những cây cầu thơ mộng bắc qua đôi bờ dòng sông huyền thoại bạt ngàn những cánh hoa bèo chen hoa súng hiền hòa. Trong tâm khảm của người địa phương, quả chuông báu vẫn còn nằm lại đâu đó nơi đáy sông, và tiếng chuông huyền thoại vẫn chưa khi nào dứt, đêm đêm vẫn vọng về ru giấc ngủ an lành, bình yên... cho mỗi phận người nơi đây.

Huy Trường – Minh Châu (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: chuong bau ngan nam , chuong co , co tu Van Thien , Khanh Hoa , bau vat chuong dong , ngoi chua co , tin , bao