Kim bảo, ngọc tỷ được xem là vật thể hiện quyền lực cao nhất của đấng Vua chúa.
Chiếc Ấn Bảo Đại thần hàn, quai hình rồng bay, đầu ngẩng, há miệng, lưng cong vồng, đuôi xòe 5 dải hình ngọn lửa. |
Trong quá trình cất giữ, đã xảy ra hai vụ trộm và nhờ vào một tờ giấy đi vệ sinh mà tìm ra thủ phạm. Hiện nay, những quốc bảo này được cất giữ cẩn mật trong những căn phòng nghiêm ngặt có thể sánh bằng ngân hàng của Mỹ, Thụy Sĩ.
Thể hiện thế lực vua chúa
Trong thời quân chủ chuyên chế, kim bảo, ngọc tỷ là biểu tượng quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu đất nước. Do đó, chúng không chỉ được làm bằng những kim loại quý nhất mà còn là sự kết tinh trí tuệ, tài hoa của con người đất nước ấy. Ở Việt Nam hiện còn còn lưu giữ tổng cộng 93 kim bảo, ngọc tỷ, trong đó, bảo tàng cổ vật Cung đình Huế có 8 chiếc và bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 85 chiếc. Mặc dù nước ta trải qua nhiều triều đại phong kiến, nhưng tất cả kim bảo, ngọc tỷ còn giữ lại được đều là của triều Nguyễn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về cổ vật đang công tác ở bảo tàng cổ vật Cung đình Huế cho biết, trong 13 vị vua triều Nguyễn, có ba đời là vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Duy Tân là không có kim bảo, ngọc tỷ riêng. Riêng thời Minh Mạng, Thiệu Trị có nhiều kim bảo, ngọc tỷ nhất là 15 chiếc. Tiếp đó là triều vua Gia Long, Khải Định có 12 chiếc. Đặc biệt, thời các chúa có hai chiếc, đều đúc vào năm 1709 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Tất cả kim bảo, ngọc tỷ đều có hai phần là thân ấn và quai ấn. Trong các triều vua đầu, thân ấn có khối vuông. Từ thời Minh Mạng bắt đầu có ấn hình tròn. Đặc biệt, từ thời Đồng Khánh, thân ấn có thêm hai hình là bát giác và elip. Hai ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu, quai đều có hình kỳ lân. Tất cả ấn của vua đều có quai là hình rồng, hoặc biến thể của rồng nên thể hiện khá rõ sự thay đổi về phong cách của hình tượng linh vật này. Ngoài ra, quai ấn của thái tử có hình kỳ lân, của thái hậu có hình qui…
Chiếc hoàng đế tôn thát chi bảo, kim bảo lớn nhất thời Minh Mạng được chế tác từ 234 lượng vàng.
Kim bảo, ngọc tỷ đều được khắc nổi chữ Hán. Riêng chiếc triều đình lập tín do Pháp tặng vua Đồng Khánh năm 1887, ngoài chữ Hán còn có thêm dòng chữ “Le Governement de la Republique Francaise A S. Dong Khanh Roi D’ Annam” (Nghĩa: chính phủ Pháp tặng ngài Đồng Khánh, vua nước An Nam). Chiếc Hoàng đế chi bảo có trọng lượng lớn nhất 280 lượng vàng. Chiếc sắc lệnh chi bảo có mặt ấn lớn nhất là 14 cm x 14 cm dù trọng lượng khiêm tốn hơn là 223 lượng vàng. Riêng các ngọc tỷ thì mặt ấn lớn nhất cũng không quá 10,5 cm x 10,5 cm.
Mỗi kim bảo, ngọc tỷ đều có chức năng riêng. Qúy nhất là chiếc Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo được dùng như báu vật lưu truyền từ đời vua này sang đời vua khác. Hai chiếc phong tặng chi bảo và sắc mệnh chi bảo dùng đóng các bản sắc, cáo phong tặng quan lại văn võ, thần kỳ trong nước. Chiếc khâm văn chi tỷ chỉ đóng trên các văn kiện về văn hóa như cầu hiền, mở khoa thi… Chiếc hoàng đế chi bảo chỉ đóng trên các văn kiện đối nội, đối ngoại. Chiếc trị lịch minh thời chỉ dùng đóng trên các bản lịch. Một số ngọc, ngọc tỷ khác các vua dùng để đóng lên các tác phẩm thi hứng, tranh họa của chính mình sáng tác.
Những vụ trộm hy hữu
Vào tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị giao nộp cho chính quyền cách mạng kho báu vật triều đình Nguyễn. Được biết, lúc này ngân khố thiếu hụt trầm trọng, nhiều vị cho rằng nên phá các kim bảo, ngọc tỷ để lấy vàng chi vào các việc quốc gia đại sự, đồng thời phá bỏ dấu ấn của phong kiến. Tuy nhiên, Bác Hồ không đồng ý, nhất quyết giữ lại, vì cho rằng, đó là báu vật của quốc gia… Sau khi tiếp nhận, đến năm 1959, chính quyền bàn giao lại cho bảo tàng lịch sử Việt Nam lưu giữ.
Trong hai năm liên tiếp 1961 và 1962, Bảo tàng qua kiểm kê phát hiện hai vụ trộm bảo vật liên tiếp. Trong đó, năm 1961 mất chiếc ấn vàng hoàng hậu chi bảo của Nam Phương hoàng hậu nặng 4,9 kg vàng và một âu đựng trầu cũng bằng vàng, nặng nửa kg tại phòng trưng bày. Năm 1962 mất chiếc ấn bạc mạ vàng cao đức Thái Hoàng thái hậu và hai quyển kim sách làm bằng bạc mạ vàng.
Chiếc Ấn thánh tổ nhân hoàng đế chi bảo được đúc vào niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất.
Lúc đó, thông tin này “rơi” ra ngoài gây chấn động dư luận. Ngay lập tức, Bộ trưởng bộ công an lúc đó là ông Trần Quốc Hoàng thành lập chuyên án, chỉ đạo nhất định phải tìm được kẻ gian, lấy lại báu vật quốc gia. Nhiều tháng trôi qua, vụ án vẫn rơi vào im lặng vì dấu vết kẻ trộm để lại rất ít. Ở vụ án thứ hai, hiện trường có một số dấu vân tay trên tủ kính trưng bày nhưng không xác định được trong tàng thư.
Đặc biệt, trong góc kín của một căn phòng có tờ giấy ai đó đi vệ sinh để lại, bị xé thành nhiều mảnh. Khi ghép các mảnh rách lại với nhau thì đó là một bức thư của người tên là Đỗ Mộng Dần gửi cho người tên Sửu. Bên cạnh đó, trong thư còn nhắc đến một số tên khác như Giáp, Mão, Ất… Tuy nhiên, không thể xác định được bức thư này là của ai, vì có thể đó là của bất kì du khách nào đến tham quan lúc “bí quá” đã đi vệ sinh và để lại.
Nhưng, bức thư này là thứ duy nhất để lại tại hiện trường nên công an quyết định xác minh. Chỉ trong thời gian ngắn, rà soát trên khắp cả nước, cơ quan điều tra xác định được Đỗ Mộng Dần có em là Giáp, Ất hiện đang sống tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Qua xác minh, bức thư này đúng là của Dần gửi cho ông Sửu ở Hà Nội. Đáng chú ý nhất, trong khoảng thời gian này, có đối tượng Nguyễn Văn Thợi mang trên mình 17 tiền án trộm cắp tài sản thường lui tới nhà ông Sửu.
Ngay lập tức, Thợi được đưa về cơ quan điều tra. Dấu vân tay của gã phù hợp với dấu vân tay để lại tại hiện trường. Không còn gì để chối cãi, Thợi đã cúi đầu nhận tội, mình là thủ phạm hai vụ trộm quốc bảo. Theo lời Thợi, gã đóng giả làm khách tham quan, rồi tìm chỗ kín, ẩn náu chờ đêm xuống mới ra tay. Trong vụ thứ hai, gã lấy bức thư tại nhà ông Sửu gói ô mai bỏ vào túi lấy ăn trong lúc chờ thời cơ thuận lợi. Do đứng quá lâu, “bí quá”, gã phóng uế ngay tại chỗ nấp và dùng bức thư này làm giấy vệ sinh.
Trong vụ án này, ấn cao đức Thái hoàng thái hậu được thu hồi vẫn còn nguyên vẹn. Riêng chiếc ấn hoàng hậu chi bảo của hoàng hậu Nam Phương đã bị Thợi rã ra đem bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Khi công an khám xét chỉ thu lại được nhiều mảnh nhỏ. Sau đó, Thợi dùng 19 bị cáo khác bị TAND Hà Nội phán xử. Trong đó, Thợi bị tù chung thân, các bị cáo khác cũng bị mức án nặng.
Được lưu giữ như ngân hàng Mỹ
Ngay sau khi hai vụ trộm xảy ra, tất cả kim bảo, ngọc tỷ đều được đưa đi nơi khác để cất giấu. Việc giữ báu vật quốc gia tránh khỏi tai mắt của kẻ trộm luôn là sự lưu tâm lớn của cơ quan chức năng. Đến năm 2007, Bảo tàng lịch sử Việt Nam được xây dựng hoàn thành, đầy đủ cơ sở, vật chất nên chính quyền đã giao lại 85 kim bảo, ngọc tỷ để cất giữ. Riêng 8 chiếc khác được giao cho bảo tàng cổ vật Cung đình Huế cất giữ.
Qua trao đổi, nhiều cán bộ làm việc tại hai bảo tàng này cho biết, mặc dù công tác trong khoảng thời gian dài, cũng có nghe đến số lượng kim bảo, ngọc tỉ được lưu giữ nhưng hiếm khi được nhìn thấy trong những dịp lễ trọng đại. Tuy nhiên, chỉ được đứng xa “sờ bằng mắt”. Bên cạnh đó, không hiếm trường hợp là cán bộ của hai bảo tàng này nhưng chưa bao giờ được “nghía” các bảo vật, chỉ được nhìn thông qua sách ảnh.
Tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, 8 chiếc kim bảo, ngọc tỉ luôn được đặt trong một phòng kín và có bảo vệ túc trực thường xuyên. Mỗi năm, chỉ có vài người có chức vụ cao được vào trong căn phòng này để xem xét, lau dọn sạch sẽ. Chính vì điều này, tại đất cố đô, có rất nhiều truyền thuyết về những chiếc ấn này khiến người dân rất tò mò và mong muốn một lần được tận mắt sở thị báu vật quốc gia. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là mơ ước khó thành hiện thực.
Trong khi đó, tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, từ khi tiếp nhận 85 chiếc kim bảo, ngọc tỷ luôn được đặt trong căn phòng kín được bảo vệ nghiêm ngặt. Cán bộ ở đây cho biết, căn phòng cất giữ những báu vật này luôn đặt trong tình trạng “nóng”. Được biết, căn phòng bí mật rộng chừng 200 m2 nằm dưới lòng đất, được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng bê tông khối đặc biệt. Mỗi bức tường dày 1 mét. Cửa ra vào được làm bằng thép khối, đóng, mở bằng công nghệ điện tử, tự động giống như các ngân hàng của Mỹ và Thụy Sĩ. Vòng trong căn phòng bí mật luôn có một trung đội cảnh sát cơ động túc trực thường xuyên và vòng ngoài là hàng chục chiến sĩ thường xuyên tuần tra.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%