Bà Ốc không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu, bố mẹ, anh em tên là gì, ai còn ai mất. Bao nhiêu năm nay, bà sống ở nhà lô cùng với các nữ phạm nhân ngay đằng sau phân trại K4, Trại giam số 5 (Thanh Hóa).
|
Rất nhiều người hết án đã chia tay bà Ốc để về với gia đình, riêng bà vẫn ở lại. Bà không còn là phạm nhân, nhưng bà xin được ở lại đất trại, tính đến nay dễ cũng đến hơn ba chục năm rồi. Và câu chuyện về bà Ốc có lẽ là một câu chuyện hy hữu ở một nơi mà sau thời gian chấp hành án phạt, người ta chỉ mong không bao giờ phải quay lại.
“Cháu ở đây từ ngày bà Can chưa lên “ban””
Tên đầy đủ của bà là Nguyễn Thị Ốc, nhưng hỏi năm sinh bà lắc đầu không nhớ, hỏi quê, bà nói quê mình ở Nam Định, hoặc một vùng đất thuộc Hà Nam Ninh cũ, ví như Hà Nam gì đó, nhưng không nhớ cụ thể là xã nào, huyện nào. Bà kể rằng bố mẹ bà chết hết rồi, chồng con không có, anh trai cũng chết rồi. Thế nên, những người bà Ốc yêu quý nhất, nhớ nhất bây giờ là các “ban” và các nữ phạm nhân ngày nào cũng ra khu vườn này lao động, trồng cây, nuôi lợn. Bà Ốc gọi các cán bộ trại là “ban”, như cách gọi của đa số phạm nhân nơi đây. Bà vui tính, thấy khách lạ đến thăm nhà, bà cứ như đứa trẻ nông thôn lần đầu được nhìn thấy ô tô, nhí nha nhí nhảnh với dáng đi tung tăng rất ngộ. Răng bà Ốc rụng gần hết, chỉ còn đúng 1 chiếc. Nhìn bà móm mém cười, gương mặt già nua, nhăn nheo, tôi đoán có lẽ năm nay bà phải gần 80 tuổi. Hỏi bà ở đây từ bao giờ, bà cười híp mí: “Cháu ở đây từ hồi bà Can chưa lên “ban””. Bà vẫn quen dùng danh xưng “cháu” với cán bộ, như cách giao tiếp khiêm tốn của những người đàn bà nông thôn, nghe thương muốn chảy nước mắt.
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Can, Phó giám thị, phụ trách phân trại K4 Trại giam số 5 thì chị về công tác tại Trại giam từ năm 1977, với nhiệm vụ ban đầu là Cảnh sát bảo vệ. Chị cũng không nhớ bà Ốc nhập trại từ năm nào, nhưng khoảng năm 1982 thì chị thấy bà Ốc hay đi chăn trâu cùng một phạm nhân khác có tên là Hồng “khoèo”. Thời đó, giám thị là đồng chí Ninh (bây giờ đã nghỉ hưu). Còn Thượng úy Ngô Thị Hiền - cán bộ giáo dục Phân trại K4 thì kể, từ khi cô còn là học sinh cấp hai, mỗi lần đi học về qua khu đất trồng trọt của trại, đã nhìn thấy bà Ốc với dáng người bé nhỏ, vừa đi vừa chạy, tất bật chăm sóc vườn rau. Khi ấy, cô băn khoăn tự hỏi, tại sao “phạm nhân” này lại không mặc quần áo kẻ sọc như những người khác. Sau này, khi về công tác tại trại giam, Hiền hiểu rằng, chính những tình cảm vun đắp mỗi ngày một dày lên với mảnh đất này, khiến bà Ốc không thể nào bỏ đi được.
Ảnh minh hoạ.
Hết hạn 3 năm cải tạo lao động (hình như bà Ốc đi lang thang trộm cắp và bị bắt vào trại tập trung cải tạo), bà Ốc được trả về địa phương, nhưng bà không về mà cứ loanh quanh ở khu vực cổng trại, gặp cán bộ nào cũng đòi xin được ở lại. (Có lẽ, trong lịch sử các trại giam ở Việt Nam, chưa có một trường hợp nào xin được “vào tù” như bà Ốc). Các cán bộ Trại giam số 5 lúc đó đã nhiều lần về tận quê bà Ốc xác minh nhưng quả thật, ở quê nhà, bà Ốc không còn ai thân thích, anh em phiêu bạt tứ tán mỗi người một nơi, nhiều cuộc họp bàn về trường hợp bà Ốc diễn ra, có ý kiến không đồng ý cho bà ở lại, bởi bà không còn là phạm nhân, bà đã thành công dân tự do, có ý kiến lại đưa ra, nếu bà Ốc không còn người thân, không còn nhà cửa, không biết nương tựa vào đâu, trong khi mong muốn của bà Ốc là muốn được ở lại trại, thì có thể tạo điều kiện cho bà Ốc ở lại trong thời gian nhất định, rồi tháo gỡ dần.
Và, kết luận cuối cùng được đưa ra, bà Ốc được ra nhà lô ở (dù sao thì nhà lô, về mặt cảm giác, những người sống trong đó dường như được tự do hơn những phạm nhân bị giam phía trong bốn bức tường cao ngất). Từ đó đến nay, rất nhiều đời giám thị đã về hưu, rất nhiều cuộc chia tay giữa các phạm nhân sống ở nhà lô với bà Ốc đã diễn ra khi họ đã trả xong án phạt tù, nhưng bà Ốc vẫn ở lại, chứng kiến sự đổi thay hàng ngày trên đất trại này. Bà Ốc mỗi ngày một già đi, người đời thường nói “lá rụng về cội”, nhưng chưa ai nghe thấy bà nói muốn được một lần về quê, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, bởi đơn giản, bà đã coi đất trại này là quê hương của mình, nơi gắn bó với bà nhiều kỉ niệm. Đặc biệt là bà đã tìm thấy được ở nơi đây sự ấm áp tình người, giữa bà với các cán bộ trại cũng như với các phạm nhân - tình cảm mà bà chưa bao giờ có được.
Biết ơn “ban” lắm, đến chết thì thôi!
Theo quy định thì bà Ốc không còn thuộc diện “biên chế” của Trại, nhưng nhiều năm qua, đều đặn mỗi tháng, bà vẫn được Trại cấp 17 kg gạo, rau cỏ thì bà tự trồng trên mảnh đất vườn trước nhà, gà lợn bà nuôi trong chuồng, bà còn nuôi những ba con chó để trông trộm. “Ngày Tết, “cháu” được Ban cho ba cái bánh chưng, ăn mãi không hết, cả bánh kẹo nữa, lại còn được Ban mừng tuổi” - bà Ốc vừa cười vừa kể bằng cái giọng ngọng nghịu như trẻ con đang tập nói. Dáng người bà Ốc nhỏ bé nhưng đi lại rất nhanh nhẹn, thậm chí không ai thấy bà đi bao giờ mà chỉ thấy bà chạy. Bà kéo tay tôi vào tận giường nằm, khoe hơn chục chiếc hòm đựng đồ cá nhân được xếp ngay ngắn, hòm nào cũng được khóa cẩn thận, mà các phạm nhân sau khi hết án đã để lại tặng bà. Bên trong đó, bà Ốc bảo, là quần áo và đồ dùng các phạm nhân để lại cho bà, nhưng bà dùng không hết nên cứ khóa lại cho... mới. Bà còn ríu rít khoe chiếc tivi màu mà các phạm nhân sau khi hết hạn tù cũng để lại cho bà: “Nhiều phim hay lắm, “nhà cháu” xem không biết chán, thích nhất là phim Bao Công”. Thực ra, khi bà Ốc nói, Thượng úy Ngô Thị Hiền toàn dịch lại cho tôi chứ tôi không hiểu bà nói gì. Hiền bảo: “Sống lâu với bà Ốc thì nghe mới hiểu, chứ người lạ không dịch được đâu”.
Không có chồng con, không gia đình, nhưng bà Ốc lại được nhiều phạm nhân nữ gọi là “mẹ”. Nữ phạm nhân Lê Thị Bàn, án phạt 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, ở cùng nhà lô với bà Ốc kể: ““Mẹ” còn khỏe lắm, ăn tốt, ngủ tốt, đêm nào cũng tranh phần ra chuồng lợn kiểm tra xem có thiếu con nào không. “Mẹ” còn dặn, nếu thấy “mẹ” ra lâu mà không vào thì phải ra tìm nhé”. Tiếng gọi “mẹ” dường như cũng làm cho ngôi nhà lô ấm áp hơn, khiến người ta có cảm giác đó là một gia đình thực sự - thứ tình cảm mà hầu hết các phạm nhân đều rất thèm muốn. Những nữ phạm nhân trồng rau gần đó khi nghỉ tay vào uống nước cũng gọi bà Ốc là “mẹ”, điều ấy khiến bà Ốc vui lắm. Bà cứ ngúng nguẩy cánh tay chỉ vào các nữ phạm nhân áo sọc khoe: “Con “cháu” đấy!” và cười nắc nỏm.
Ảnh minh hoạ.
Đêm xuống, khi chỉ còn hai “mẹ con”, hai người đàn bà xa lạ, vì số phận đã gắn kết với nhau trong một ngôi nhà đặc biệt, lại rủ rỉ những câu chuyện không đầu không cuối. Một người chỉ mong những ngày ở nơi đây trôi đi thật nhanh, dù khi rời khỏi nơi này, chị cũng không thể nào quên được người “bạn” đặc biệt của mình, thậm chí rất nhớ, rất thương, còn một người lại vẫn hồn nhiên, ngây thơ, không biết điều gì đang đợi chờ mình ở phía trước, bởi cả cuộc đời đã qua của bà không vướng bận, không bon chen, nếu không muốn nói là vô cùng thanh thản khi nhận được tình cảm đầy ắp, ấm áp của cán bộ trại cũng như của các nữ phạm nhân. Hồn nhiên là thế, nhưng bà Ốc cũng đã chuẩn bị cho những ngày cuối cùng của một kiếp “không gia đình”, những đồng tiền “ban” cho và thỉnh thoảng có khách của “ban” tới thăm, cho tiền, bà đều cất giữ cẩn thận.
Chị Lê Thị Bàn kể rằng, mọi người ra đây lao động, ai cũng thương bà Ốc. Gia đình họ gửi lên đồ ăn gì, họ cũng chia sẻ cho bà. Các “ban” cũng vậy, thỉnh thoảng lại cho bà Ốc tiền. Bà không tiêu mà dành dụm đề phòng ốm đau. “Mấy hôm trước “cháu” phải đi viện, “ban” Thi vào thăm cho quà đấy” - bà Ốc lại cười móm mém, khoe chiếc răng duy nhất còn lại. Tôi hỏi bà Ốc: “Bây giờ cho bà về quê, bà có về không?”. “Cháu không về đâu” - bà Ốc ngọng nghịu đáp. “Tại sao?”. “Vì cháu nhớ các “ban” lắm”. “Ở đây thì bà quý “ban” nào nhất?”. “Ban nào cháu cũng quý. Cháu biết ơn “ban” lắm, đến chết thì thôi”. Tôi trêu bà: “Bà phải về quê để còn lấy chồng nữa chứ!”, bà Ốc cười xấu hổ, đôi má bỗng đỏ bừng như cô gái mười tám, giọng bà bỗng vút cao lóe chóe: “Không, cháu không lấy chồng đâu, “ban” cứ đùa cháu”. Nhìn vẻ ngượng nghịu, nhí nhảnh của bà, chợt thấy nhẹ nhõm với suy nghĩ, con người ta, ai cũng có hai lần trẻ con, bà Ốc đang sống lại quãng đời thơ ấu, trước chuyến khởi hành cuối cùng và duy nhất của cuộc đời.
Sự gắn bó của bà Nguyễn Thị Ốc với mảnh đất Trại giam số 5 là một câu chuyện đặc biệt mang tính lịch sử không thể thay đổi. Điều quan trọng là không ai còn nhớ bà phạm tội gì, vì sao bị đưa vào đây. Người viết bài chỉ muốn độc giả hiểu rằng, bà Ốc luôn nhận được tình thương yêu của các cán bộ Trại giam số 5 - truyền thống tốt đẹp mà lớp cán bộ hiện tại được kế thừa từ những người lãnh đạo tiền nhiệm - luôn giáo dục, hướng thiện cho các mảnh đời lầm lỡ bằng tình cảm chân thành. Bà Ốc đang được sống rất vui vẻ, hồn nhiên trong tình cảm thương mến của tất cả mọi người nơi đây - âu cũng là sự bù đắp mà cuộc đời dành cho một thân phận “không gia đình” như bà. Muốn nói với bà Ốc rằng, bà không hề cô đơn!
- Việt Nam có 'miền gái đẹp' nức tiếng, đàn ông đến đây chẳng muốn quay về
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Quy định độ tuổi tối thiểu và tối đa được phép lái xe theo Luật mới từ ngày 1/1/2025
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar