"Đều tò he" là biệt danh mà bạn bè cùng trường vẫn hay gọi Đặng Văn Đều. Từ năm thứ nhất, Đều đã đi làm thêm với thu nhập mà nhiều bạn sinh viên ao ước.
Nghề nặn tò he là nghề truyền thống lâu năm của làng nghề Xuân La |
Kiếm tiền triệu từ tò he
Sinh ra ở làng nghề truyền thống Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội), là nơi nặn tò he lâu đời, Đặng Văn Đều đã được anh trai dạy cho cách làm món đồ chơi này từ rất sớm. Với sự thông minh, tinh ý, Đều đã thổi hồn vào những viên bột vô hình để làm ra những con tò he đủ màu sắc và hình dáng.
Với một chiếc tráp bằng gỗ, vài hũ bột gạo dẻo hấp chín, trộn sẵn phẩm màu, ít que tre và chiếc ghế nhựa cũ kỹ. Tất cả được chằng buộc cẩn thận trên một chiếc xe đạp. Cứ thế, mỗi lúc rảnh rỗi hay vào các ngày lễ lớn, Đều lại lang thang qua các góc phố, công viên, cổng chợ với công việc nặn tò he cho đến khi tối mịt mới về.
Đều chia sẻ: "Vốn liếng cho việc này chẳng đáng là bao, chỉ mất công thôi. Mỗi que tò he, mình bán 10.000 đồng. Những ngày lễ hội lớn như dịp Tết Thiếu nhi vừa rồi, mình bán hơn 200 que, nặn mỏi tay mà thấy rất vui. Bán tò he cũng tùy người, tùy lúc, có lúc sắp hết hàng mà gặp em bé thích mua thì 5.000 đồng mình cũng bán".
Những hình hài con vật ngộ nghĩnh được nặn từ bột
Lục lọi trên Internet, Đều còn tìm kiếm được những hình ảnh ngộ và lạ để làm. Cũng chính vì sự sáng tạo đó nên ngoài những con vật truyền thống như 12 con giáp, Tôn Ngộ Không..., Đều có thể nặn được những con vật lạ như sóc, ngựa hay picachu, siêu nhân biến tấu, đầy màu sắc.
"Mỗi ngày, mình chỉ thu được vài trăm nghìn đồng nhưng nếu là ngày lễ thì có thể lên đến 2 triệu đồng. Mình chỉ tranh thủ đi bán trong những ngày được nghỉ học và ngày lễ thôi. Ngày nọ bù ngày kia, trừ vốn, trung bình, tháng nào mình cũng kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng, đủ tiền ăn học".
Có bột mới gột nên... tò he
Đều cho biết: "Trước khi làm tò he phải chuẩn bị bột. Làm bột nặn tò he cũng chẳng khác gì làm đồ ăn, gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp, xay nhiều lần cho nhuyễn, mịn, té nước rồi phơi khô từ hôm trước. Mỗi sáng, hòa bột ấy với nước màu rồi đem đồ chín thành bột nặn. Nước màu chế từ các lá cây ăn được: Ngoài lá dứa, lá củ dền, gấc đỏ, còn có củ nghệ, lá khúc, lá bắp cải, su hào... Vì có rất nhiều công đoạn nên ai muốn làm tò he, đều phải rất kiên trì".
Để làm ra những con tò he bé bé, người nặn cần chuẩn bị khá nhiều thứ
Mặc dù công việc nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng để kiếm được khoản tiền như vậy, Đều phải dậy thật sớm, hấp bột và chuẩn bị đồ đạc, ngồi bán từ sớm đến tối. Có hôm, gặp trời mưa, không kịp trú khiến bột nhão nhoét hết, lại phải bỏ đi. "Đi nặn tò he buồn nhất là những ngày Tết, đã năm năm nay mình không được đi chơi Tết với bạn bè. Vì dịp Tết là những ngày bán được nhiều nhất, hầu như gần đến Giao thừa mình mới về tới nhà".
Nhắc đến tên "Đều tò he", khoa Công tác Xã hội, trường ĐH KHXH& NV, không ai là không biết. Bởi anh bạn này, ngay từ năm thứ nhất, đã nổi tiếng là học giỏi và kiếm tiền "siêu". Ba năm học vừa qua, Đều đạt điểm loại giỏi, được học bổng. Ngoài việc nặn tò he kiếm tiền, Đều còn đi làm dự án. Mùa hè năm ngoái, Đều tham gia dự án "Khảo sát về người khuyết tật" ở Thái Bình và dự án "Đo lường truy cập Internet" ở Hà Nội.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?