Với các thông tin trên, bóng ma của vụ khủng bố năm 2005 lại hiện về. Ngay lập tức, người ta đặt câu hỏi: Liệu có khủng bố trong dịp Olympic London 2012 hay không
Theo các nhà phân tích, những vụ bắt giữ này không liên quan gì đến Olympic London 2012 dù một số nghi can có đến vài địa điểm sẽ tổ chức thi đấu. Việc tạm giữ các nghi can khủng bố vẫn diễn ra thường xuyên tại Vương quốc Anh (ngoài Bắc Ireland) hàng năm. Trong năm 2011, tổng cộng 167 người bị bắt để điều tra và đây là con số thấp nhất kể từ năm 2001.
Tuy nhiên, mới đây Bộ Quốc phòng Anh được yêu cầu sẵn sàng bổ sung thêm 3.500 binh lính để làm nhiệm vụ an ninh khi có thông tin cho rằng G4S, nhà thầu chính (tư nhân) về an ninh, không thể đạt được mục tiêu tuyển dụng và đào tạo nhân lực như đã ký trong hợp đồng (lên đến 13.200 người) để phục vụ cho 100 địa điểm.
Trước đó, đã có 13.500 lính được Bộ Quốc phòng Anh triển khai, tuy nhiên do tình hình an ninh có vẻ phức tạp nên quân số phải tăng thêm. Ngân sách dành cho an ninh của Olympic London 2012 lên đến 877 triệu USD và dự kiến sẽ có tổng cộng 40.000 người tham gia công tác đảm bảo an ninh tại đại hội.
Đối với cơ quan tình báo Anh MI5 thì tình hình không quá căng thẳng sau khi các thông tin tình báo mới nhất cho biết Olympic London 2012 không phải là mục tiêu của các tổ chức khủng bố lớn thế giới. Tuy nhiên MI5 cũng thừa nhận, đây là thời điểm đặc biệt không thể coi thường, nhất là cách đây 40 năm đã xảy ra vụ thảm sát tại Olympic 1972 diễn ra ở Tây Đức.
Một khía cạnh đang gây đau đầu cho các nhà tổ chức là tình hình giao thông có vẻ không thuận lợi khi tuyến đường cao tốc nối từ sân bay Heathrow về trung tâm thành phố vẫn chưa hoàn thiện công tác sửa chữa. Trong khi ở nội đô, hiện các nhà tổ chức đang lên phương án sử dụng hệ thống “tàu buýt” trên dòng sông Thames nổi tiếng để giải tỏa bớt áp lực. Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện chỉ dành cho giới “siêu giàu”.