Gần 8 năm miệt mài, đầu tư rất nhiều công sức, tiền của, đến nay chặng đường nghiên cứu, sản xuất vaccine cúm A/H5N1 của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế đã đi tới giai đoạn cuối.
|
Một loại “vũ khí” mới có thể tiêu diệt, khống chế hiệu quả virus cúm A/H5N1 nguy hiểm, sắp thành hiện thực. Công trình này được tôn vinh là 1 trong 15 thành tựu khoa học kỹ thuật y tế nổi bật trong 10 năm qua.
Quyết định táo bạo
Tầng 2 khu nghiên cứu, sản xuất vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1, mùi thuốc sát trùng nằng nặng, một dãy phòng thí nghiệm công nghệ cao sáng choang, sạch sẽ. Bên trong các chuyên gia dịch tễ, các nhà khoa học với vô số thiết bị máy móc nghiên cứu hiện đại, lặng lẽ miệt mài làm việc như “robot” để sớm tìm ra được loại “vũ khí” chống lại những virus nguy hiểm gây dịch bệnh cho con người.
GS-TS Nguyễn Thu Vân, người chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1 của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1, cho biết: “Nỗ lực suốt nhiều năm qua của chúng tôi và các cộng sự đã sắp tới đích. Vaccine ngừa cúm A/H5N1 cho người sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi”.
Cùng với việc nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã bắt tay nghiên cứu để sản xuất vaccine cúm A/H1N1, vaccine ngừa tay chân miệng và ngừa viêm màng não mủ, với những kết quả đạt được ban đầu rất khả quan.
Năm 2003, virus cúm gia cầm H5N1 xâm nhập và lây lan nhanh chóng ở nước ta khiến nhiều người tử vong. Trước mối đe dọa nguy hiểm này đối với sức khỏe và tính mạng con người, lúc đó, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia, virus cúm A/H5N1 có thể biến chủng nguy hiểm gây ra đại dịch cúm ở người nếu như không sớm có một loại vaccine phòng ngừa dành cho người. Do đó, với quyết tâm nghiên cứu tìm ra phương thuốc hữu hiệu phòng chống virus H5N1 cho người dân, năm 2004, GS-TS Nguyễn Thu Vân cùng các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1. Tuy nhiên, quy trình nghiên cứu lại bắt đầu từ việc nuôi cấy virus trên tế bào thận khỉ tiên phát, không theo cách nghiên cứu mà nhiều nước thường làm là nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Lý giải về sự khác biệt này, GS-TS Nguyễn Thu Vân cho biết, việc nghiên cứu vaccine cúm A/H5N1 được tiến hành trên tế bào thận khỉ là một phương pháp tiên tiến nên cho dù phức tạp và thời gian lâu hơn nhưng bù lại có năng suất cao, hiệu quả, độ an toàn tốt hơn.
Các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu vaccine cúm H5N1.
Nỗ lực không mệt mỏi
Sau khi quyết định được công nghệ sản xuất vaccine cúm A/H5N1, các nhà khoa học của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 bắt đầu một chặng đường dài miệt mài nghiên cứu thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm để đưa ra được những mẻ vaccine đầu tiên.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới bắt tay vào việc nghiên cứu, sản xuất vaccine cúm A/H5N1, GS-TS Nguyễn Thu Vân chia sẻ, khó khăn và hồi hộp nhất là quá trình thử nghiệm. Sau một năm nghiên cứu những lọ vaccine cúm A/H5N1 đầu tiên được ra đời và tiêm thử nghiệm thành công trên chuột. Từ thành công này, nhóm nghiên cứu quyết định tiếp tục thử nghiệm ở gà và khỉ. Sở dĩ nhóm nghiên cứu chọn khỉ để thử nghiệm vì đây là loài linh trưởng có những đặc điểm sinh học gần giống với người. Còn đối với gà là một trong những gia cầm có khả năng lây lan dịch bệnh cao.
Hơn 3 năm trôi qua, với hàng trăm cuộc thử nghiệm vaccine ngừa cúm A/H5N1 trên khỉ và gà thành công, công trình được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao. Vaccine đã tạo ra kháng thể miễn dịch và an toàn. Năm 2008, được sự cho phép của Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu chính thức chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi sự chặt chẽ, chính xác, hiệu quả và an toàn cao nhất, đó chính là tiêm thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1 trên người. Gần 4 năm qua, hàng trăm người, trong đó có cả những cán bộ, chuyên gia của nhóm nghiên cứu và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine cúm A/H5N1. Việc làm này cho thấy các nhà khoa học ý thức một cách đầy đủ trách nhiệm đối với sự an toàn của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân. Cho tới nay, 2 giai đoạn thử nghiệm thành công vaccine cúm A/H5N1 trên người đã kết thúc với hiệu quả rất cao, khả năng đáp ứng miễn dịch gần 100% theo tiêu chuẩn của châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới đề ra với vaccine cúm.
Trước thành công trên, GS-TS Nguyễn Thu Vân cho biết, hiện nay, giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên người và cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của quy trình nghiên cứu vaccine đang gấp rút được triển khai, với khoảng 1.200 người tham gia thử nghiệm. Sau giai đoạn thử nghiệm cuối cùng này thành công, công ty sẽ đề xuất Bộ Y tế cấp phép lưu hành vaccine và sản xuất hàng loạt vào năm 2013 để phục vụ việc phòng chống dịch cúm A/H5N1 trong cộng đồng, đáp ứng được sự mong mỏi và nhu cầu của người dân. Đặc biệt để chuẩn bị cho việc chính thức đưa vaccine ngừa cúm A/H5N1 trên người do Việt Nam sản xuất vào sử dụng rộng rãi, một dây chuyền công nghệ sản xuất vaccine cúm hiện đại đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đã được công ty đầu tư hoàn chỉnh, có thể sản xuất khoảng 2-5 triệu liều vaccine cúm A/H5N1/năm, với giá thành chỉ bằng một nửa so với vaccine cùng loại nhập ngoại.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?