Sao lại cho xe đi dưới giàn giáo bê tông?
Thứ ba, 30/12/2014 10:09

Ngày 29/12, Bộ GTVT bước đầu đã xác định được nguyên nhân vụ sập giàn giáo tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bên ngoài giao thông ùn tắc nhưng bên trong việc giải tỏa hiện trường công nhân chỉ làm thô sơ bằng tay

Bên ngoài giao thông ùn tắc nhưng bên trong việc giải tỏa hiện trường công nhân chỉ làm thô sơ bằng tay

Trách nhiệm của các tập thể cá nhân tiếp tục được xem xét, trong đó ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền TGĐ Ban QLDA Đường sắt bị giáng chức.

Giàn giáo có vấn đề, bê tông đổ lệch một bên

Ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cho biết đã sơ bộ xác định được hai nguyên nhân của vụ sập giàn giáo. “Thứ nhất, do thi công và đà giáo cao nên ngoài sức chịu tải thì sự ổn định của đà giáo là rất quan trọng.

Tuy nhiên, sự ổn định của đà giáo chưa tốt. Thứ hai, đổ bê tông trên cao nên tác động của quy trình đổ bê tông rất lớn, nếu sai quy trình dẫn đến mất ổn định và có thể sập cả đà giáo. Quy trình đổ bê tông đối với dự án này có những vấn đề cần xem xét lại”, ông Trường nói.

Trao đổi thêm với PV báo chí chiều 29/12, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết, nguyên nhân ban đầu đã được ghi nhận là có sai sót về quy trình thi công. Cụ thể, kết cấu bị sập khi đang thi công được gọi là xà mũ trụ (xà bê tông nằm ngang, tỏa ra hai trên đỉnh trụ).

Xà mũ trụ này có kết cấu gồm 135 m3 bê tông và 43,5 tấn thép (tổng trọng lượng khoảng 200 tấn). “Về nguyên tắc, bê tông phải được cấp vào từ giữa xà rồi tỏa ra hai bên để đảm bảo cân bằng nhưng trong trường hợp này bê tông đã được đổ từ một bên, gây mất cân bằng”, ông Sanh nói. Theo ông Sanh, ngay cả trường hợp mất cân bằng, nếu giàn giáo được thiết kế đảm bảo quy định thì không thể xảy ra sập giàn giáo.

Ngoài ra, một yếu tố đặc biệt được chú ý trong vụ việc này là vì sao phương tiện giao thông vẫn đi dưới đà giáo. Trước đó, sau vụ thép rơi làm người chết hôm 6/11 tại dự án này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ra chỉ thị tăng cường các biện pháp an toàn lao động, an toàn giao thông.

Theo đó, trong tình huống đổ bê tông xà trụ này, các đơn vị tại hiện trường phải ngăn không cho phương tiện giao thông đi vào. Tuy nhiên, vẫn có một chiếc xe taxi đi vào và bị đè bẹp. “Tình tiết quan trọng cần làm rõ trong vụ việc này là các đơn vị có tổ chức phân luồng hay không, vì sao chiếc taxi lại đi vào trong?”, ông Trường nói.

Đường vẫn chưa thông

Sáng qua, sau hơn một ngày khắc phục nhưng đường Trần Phú khu vực xảy ra tai nạn vẫn chưa thông. Toàn bộ lòng đường Trần Phú đoạn bến xe Hà Đông vẫn bị hàng trăm tấn sắt thép, bê tông vùi lấp. Để giải quyết ùn tắc, sáng qua Sở GTVT và CSGT Hà Nội đã thực hiện phương án phân luồng cho ô tô đi vào các tuyến đường nhánh. Với xe máy được phân luồng đi vào đường dành riêng cho xe buýt. Do cả xe máy và xe buýt cùng đi vào một làn đường nên suốt ngày hôm qua đường Trần Phú đã xảy ra ùn tắc trên diện rộng.

Chiều qua Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 7, CATP Hà Nội cho biết, do toàn bộ lòng đường Trần Phú bị hiện trường vụ tai nạn bịt cứng nên giao thông tại đây rất phức tạp, ùn tắc xảy ra cả ngày. Với các tuyến đường nhánh vào giờ cao điểm cũng xảy ra ùn tắc do ô tô được phân luồng vào.

Về việc giải tỏa hiện trường vụ tai nạn, ông Tiến cho biết, đơn vị thi công triển khai rất chậm và đến cuối giờ chiều qua vẫn chưa xong. “Theo thông báo của chủ đầu tư sẽ khắc phục hiện trường trong một ngày nhưng đến chiều 29/12, sau 2 ngày xảy ra sự cố đường Trần Phú đoạn qua hiện trường vụ tai nạn vẫn chưa thông”, ông Tiến bức xúc.

Giáng chức quyền TGĐ Ban QLDA Đường sắt 

Sau cuộc họp khẩn về sự cố này, tối 29/12, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ký quyết định giáng chức ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền TGĐ Ban QLDA Đường sắt (thuộc Bộ GTVT) xuống làm phó TGĐ Ban này từ 10/1 tới. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, các ông Vũ Quốc Bảo (Phó TGĐ Ban QLDA Đường sắt) và ông Triệu Khắc Dũng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông) bị cảnh cáo.

Bộ GTVT cũng đã quyết định lập tổ công tác điều tra sự cố gồm các cơ quan trực thuộc và các chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân liên quan phải làm báo cáo, kiểm điểm trách nhiệm gửi về Bộ GTVT trước ngày 3/1/2015.

“Tùy thuộc vào kết quả điều tra nguyên nhân, Bộ GTVT sẽ xem xét việc có tiếp tục sử dụng tư vấn giám sát của dự án (Cty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh - PV) và GĐ điều hành của tổng thầu xây lắp (là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - PV) hay không”, ông Trường nói. Sau khi làm rõ nguyên nhân sự cố, Bộ GTVT sẽ chính thức làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc.

Bộ GTVT đã quyết định cho dừng thi công nhà ga nơi xảy ra sự cố. 

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói rằng, trách nhiệm để xảy ra sự cố là Bộ GTVT, vì Bộ GTVT vừa là chủ đầu tư vừa là cơ quan quản lý chuyên ngành các công trình xây dựng giao thông. “Lần trước tại công trường này bó thép rơi làm chết người đi đường, Bộ Xây dựng đã có văn bản nhắc nhở và đề nghị họ phải đảm bảo kỹ thuật và phải tuân thủ nghiêm quy chuẩn an toàn xây dựng mới cho thi công trở lại. Bây giờ vẫn xảy ra tai nạn như vậy phải xem xét kỹ thuật xây dựng ở đây nằm ở đâu?”, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: duong sat , xay dung duong sat tren cao , tuyen duong sat do thi thi diem , tuyen duong sat nhon , duong sat , ha noi , tin , bao