Quan hệ Mỹ-Trung định hình châu Á 2014
Chủ nhật, 05/01/2014 08:15

Trong một cuộc họp báo cuối năm 2013, Tổng thống Mỹ tuyên bố, tháng 1/2014 ông sẽ bổ nhiệm thượng nghị sĩ Max Baucus làm Đại sứ tại Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ-Trung định hình châu Á 2014 (Ảnh minh họa)

Quan hệ Mỹ-Trung định hình châu Á 2014 (Ảnh minh họa)

Nếu được quốc hội xác nhận, ông Baucus sẽ đảm nhận trọng trách trong năm 2014 - giai đoạn khá bấp bênh trong quan hệ song phương của hai nước lớn, tái định hình cả cảnh quan địa chính trị châu Á.

Trong năm 2013 đã có nhiều thay đổi đáng kể tác động tới mối quan hệ Trung - Mỹ với việc Bắc Kinh hoàn tất chuyển giao lãnh đạo một thập niên, còn Mỹ thực thi chính sách đối ngoại "xoay trục" về châu Á. Trong môi trường dễ thay đổi, khó dự đoán này, cũng chẳng cần ngạc nhiên nếu chứng kiến sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Ví dụ, vào ngày 19/12, sau vụ suýt va chạm tàu chiến Trung - Mỹ hôm 5/12, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc "hành động theo cách kích động, rất dễ kích hoạt ngòi nổ hay tạo ra những hiểu lầm".

Trong khi ông Hagel khẳng định sự cố hôm 5/12 là do tàu Trung Quốc cắt ngang phía trước tàu Mỹ, thì Bắc Kinh lại tuyên bố, tàu họ đang thực hiện "tuần tra thông thường" và tôn trọng quy định. Vượt xa khỏi sự hoài nghi thì đây là một trong những vụ đối đầu nghiêm trọng nhất của hai bên ở Biển Đông vài năm trở lại đây.

Đáng tiếc là, chuyện xảy ra ngay sau khi Bắc Kinh không một lời tham vấn, vào tháng 11 đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không bao trùm quần đảo tranh chấp Nhật - Trung ở Hoa Đông. Trong khi những vùng phòng không thế này tồn tại khá phổ biến trên thế giới, thì Washington vẫn bày tỏ sự quan ngại về khía cạnh Bắc Kinh đơn phương hành động cũng như cảnh báo "áp dụng biện pháp phòng thủ khẩn cấp" nếu máy bay nước ngoài không tuân thủ quy định của Trung Quốc.

Vùng nhận diện phòng không và các vụ việc khác thể hiện sự quả quyết của Bắc Kinh trong năm 2013, bao gồm lời từ chối tham dự quá trình xét xử trước trọng tài quốc tế xung quanh tranh chấp biển với Philippines đã làm gia tăng căng thẳng ở châu Á và phức tạp thêm quan hệ Trung - Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là liệu tiếp theo sự ra mắt của một đội ngũ lãnh đạo mới ở Trung Quốc hồi tháng 3 thì mọi người đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ, quả quyết của một nước lớn trên vũ đài thế giới. Quả đúng như vậy, 2013 sẽ đánh dấu sự khởi đầu (ít nhất là một phần) trong chiến lược lớn Bắc Kinh đặt ra từ trước - từng bước, hòa bình, ẩn mình tới trỗi dậy quyền lực.

Chắc chắn quyền lực của ông Tập Cận Bình năm 2013 là rõ ràng và đảm bảo. Nhưng những ý đồ quốc tế của ông vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ nhiều lần ông nhắc lại mong muốn về một mối quan hệ với Mỹ trên nền tảng hợp tác hòa bình. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh trong tháng 6, khi ông kêu gọi "mối quan hệ quyền lực mới" trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Obama.

Đây là một mục tiêu táo bạo nhưng thiếu định nghĩa rành mạch. Tuy nhiên, nếu đặt sang bên sự căng thẳng về chính sách đối ngoại Trung - Mỹ, thì cả hai có vẻ có quan hệ tốt hơn về lĩnh vực kinh tế, khi cùng chia sẻ lợi ích trong bối cảnh tăng trưởng ổn định toàn cầu. Dĩ nhiên, ở địa hạt này, lợi ích của hai bên cũng không giống hệt nhau. Điều này thể hiện qua việc Washington tích cực xúc tiến sáng kiến thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong khi Bắc Kinh cũng hành động tương tự với Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Trong bối cạnh cạnh tranh này, Mỹ cũng như Trung Quốc đang tìm cách củng cố, gia tăng ảnh hưởng của họ với khu vực. Khi cả hai quốc gia có đủ tiềm lực quân sự, tài sản kinh tế mạnh mẽ để thực thi các tham vọng thì có vẻ như Washington đã giành lợi thế trong triển khai sức mạnh mềm. Với nhiều nước (không phải là tất cả) châu Á, chiến lược trục xoay Mỹ được hoan nghênh. Đối với sự quả quyết ngày một lớn của Bắc Kinh, thì họ lại lo ngại và bất bình.  

Ví dụ ở Philippines, 81% người được hỏi coi Mỹ giờ đây là "đối tác" và chỉ có 3% coi là "đối phương" (thăm dò của Pew Global) so với 22% và 39% tương ứng với Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, 69% coi Mỹ là "đối tác và 4% là "đối phương" so với 27% và 17% dành cho Trung Quốc. Ở Nhật Bản, tỉ lệ tương tự là 76% và 2% dành cho Mỹ so với 11% và 40% cho Trung Quốc.     

Những đánh giá từ công chúng chỉ làm phức tạp thêm việc hiện thực hóa các tham vọng khu vực của Bắc Kinh. Đó cũng là một lý do vì sao Trung Quốc khá mâu thuẫn trong năm 2013 giữa mong muốn thể hiện sự quyết đoán hơn nữa trên trường quốc tế, nhưng phải thừa nhận rằng, sức mạnh của nước này cần được củng cố bởi một chính sách ngoại giao tốt hơn, được cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn.

Có rất nhiều điểm nóng tiềm ẩn trong năm 2014, điều cốt yếu với Bắc Kinh giờ đây là tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao khu vực cũng như toàn cầu. Trừ phi điều này xảy ra, nếu không nhận thức quốc tế dành cho nước này có thể làm trầm trọng hơn nữa nguy cơ tính toán sai lầm, dẫn tới sự cố và leo thang căng thẳng.

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Nước Mỹ , Trung Quốc , Tình hình Châu Á , Quan hệ Mỹ - Trung , Tổng thống Mỹ , Chiến tranh