Nếu cho tôi một điều ước tôi ước được một vé về tuổi thơ, về với gió Lào thổi dạt bờ tre, về với mái tranh nghèo mờ mờ trong khói bếp, về làm phu kéo mo cau với với tiếng cười em thơ không dứt...
|
Hoàng hôn. Mặt trời như cô gái làm duyên, e ấp che nửa khuôn mặt sau lớp mạng xanh rì quyến rũ của lũy tre. Bóng chiều đổ sập xuống chóng vánh chỉ trong chớp mắt. Tôi lang thang trên con đê đầu làng, lặng ngắm quê hương - nơi mà lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm.
Vẫn cái vẻ u tịch, rêu phong như thế. Vẫn làn khói bếp nhà ai hòa quyện vào màu tím bảng lảng của trời chiều, vẫn cái mùi đốt rơm thơm nồng, cay mũi đặc trưng của làng quê. Ở đây, thời gian trôi đi chậm lắm, nếu không đi xa lâu ngày mới về thì người ta cứ ngỡ chẳng có gì thay đổi cả.
Ngôi nhà của tôi vẫn vậy, đơn sơ mà nồng đượm yêu thương. Vẫn dáng còng còng của bà bước đi thoăn thoắt, vẫn nụ cười móm mém và ánh mắt rạng rỡ mỗi lần thấy đứa cháu đi xa mới về, vẫn bàn tay gầy guộc xương xương sờ vào lưng cháu xem nó gầy béo ra sao.
Mẹ cũng vậy, tất tả chạy lên hỏi dồn dập, hình như cả cuộc đời mẹ chẳng có phút nào thảnh thơi.
Chớm heo may rồi, một chút nắng yếu ớt như lảng bảng vương nhẹ trên cây rơm sau nhà.
Khu vườn cũng không có gì đổi khác, vẫn cái mùi đất âm ấm quen thuộc lẩn quất trong những tán cây cổ thụ huyền bí, vẫn âm thanh rỉ rả của côn trùng gọi nhau đi dự “tiệc bàn đào”, vẫn sột soạt tiếng dỗi hờn của lá khi bị những ngọn gió tinh nghịch trêu ghẹo…Tất cả như đang chào đón đứa con phiêu dạt trở về.
Đêm. Xa xa tiếng đàn bầu ai đó da diết, mà chẳng não nề. Bên ấm nước chè xanh, bố ngồi kể chuyện ngày xưa; chuyện ông vượt biển đi tìm Cách mạng; chuyện bà đi dạy bình dân học vụ ở tỉnh xa; chuyện bố sang Campuchia đánh quân Pôn pốt; chuyện những ngày mẹ làm công tác Đoàn…
Ảnh minh họa
Cũng vẫn những chuyện cũ nhưng nghe đi nghe lại mà chẳng chán bao giờ. Nhưng tôi vẫn thích nhất câu chuyện tình yêu của bố mẹ, câu chuyện mà mỗi lần kể lại, vầng trán bố lại nhăn nhăn vì xúc động.
Bố mẹ đã cưới nhau được 30 năm có lẻ nhưng gần một phần ba thời gian trong số ấy là những tháng ngày xa cách. Cưới nhau được một tuần thì bố sang Campuchia chiến đấu. Rồi 8 năm ròng tuổi trẻ mẹ đợi chờ, thỉnh thoảng bố được về phép chục ngày rồi lại vội vàng đi ngay. Thời gian cứ trôi đi, những cánh thư từ bố là niềm vui lớn lao nhất của mẹ.
Nhưng rồi chiến tranh ác liệt cũng cắt nốt mối dây liên hệ cuối cùng này. Hai năm ròng không một dòng tin. Rồi một ngày, ở xóm trên có tin một chiến sĩ cùng đơn vị bố từ Campuchia mới về phép.
Bà và mẹ vội lao đến hỏi thăm tin tức của bố thì được biết trong một cuộc giao tranh ác liệt giữa quân tình nguyện Việt Nam và Pôn pốt, đơn vị bố gặp phục kích, phần lớn chiến sĩ đã hi sinh, một số mất tích, chỉ còn 3 người sống sót trở về báo tin, trong đó không có bố.
Bà tôi ngất tại chỗ, mẹ thì chết lặng đi, không khóc được thành lời. Những ngày sau đó, mẹ là người an ủi bà bởi trong mẹ luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng bố vẫn còn sống.
Hai năm sau, cũng vào một ngày mưa như cái ngày mẹ tiễn bố lên đường làm nhiệm vụ, mẹ đang xới cỏ trong vườn thì thấy thấp thoáng dưới ngõ bóng một người rất lạ mà lại quen.
Mẹ cố nhìn thật kỹ xem cái hình dung ấy có phải là bóng dáng mẹ đã chờ đợi gần chục năm qua.
Mẹ sững sờ như không thể tin vào mắt mình khi bố đứng đó với bộ quân phục bạc màu và chiếc ba lô đã cũ. Thời gian, chiến tranh, bom đạn và sốt rét đã cướp đi của mẹ người chồng trẻ trung, mạnh khỏe ngày nào và trả về cho mẹ một hình dung gầy gò, xanh xao, hốc hác.
Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì vì bố đã không phản bội niềm tin của mẹ suốt bao năm qua - bố vẫn lành lặn trở về. Câu chuyện luôn kết thúc trong tiếng thở dài của bố. Rồi hai bố con lặng im ngồi ngắm sao trời. Bố chỉ chòm Thần Nông. Nhưng tôi chẳng bao giờ hình dung ra được vì lúc nào cũng thích tưởng tượng theo cách của mình.
Sáng tôi dậy thật sớm theo thói quen mỗi lần về nhà. Trong bếp lửa đã cháy bập bùng, hắt chiếc bóng của mẹ lung lay trên tường. Tôi lao ra ngoài ngõ vươn vai, hít thật sâu cái không khí trong lành của làng quê để đẩy hết ra ngoài cái bụi bặm đặc quánh của phố phường còn sót lại. Bất giác nhìn sang ngõ nhà hàng xóm, một khuôn mặt điển trai nhìn tôi cất tiếng cười giòn tan.
Hóa ra là anh chàng hàng xóm tinh nghịch ngày bé cứ hay dứt tóc tôi, đi du học nhiều năm về mà bản mặt vẫn thấy ghét như xưa. Tôi lỉnh ngay vào nhà, lạ thật, ghét thế mà sao tôi vẫn đỏ mặt.
Bữa sáng thật thịnh soạn. Ăn sáng mà cứ như ăn tiệc vậy. Bố thức dậy từ sớm để thịt chú gà trống lúc nó vẫn còn đang lơ láo đậu quanh mấy cô gà mái trong chuồng. Mẹ sửa soạn mấy món tôi thích.
Bà dậy, ho mấy tiếng vì trời lạnh, rồi chống gậy ra ngó xem ấm nước chè đã pha chưa và tìm xem con mèo tối qua ở chỗ nào mà không rúc vào chăn của bà như thường lệ. Thằng em thì tìm được cái mo cau, ngồi trong đó đòi chị làm phu, kéo đi kéo lại khắp sân như ngày bé.
Mấy ngày nghỉ lễ trôi qua, tôi lại phải xa nhà đi học. Bà nhìn theo bùi ngùi. Mẹ dặn dò đủ thứ. Bố thì vẫn trầm ngâm như thế. Thằng bé em thì vừa xách ba lô cho chị vừa khóc hu hu.
Một chút gió rét phả lên mặt làm tôi tỉnh táo hẳn. Đưa tay lên hất tóc theo thói quen rồi lại xách ba lô theo triền đê bắt xe ra tỉnh. Bất giác nhìn lại mái ấm của mình, tôi thấy lòng vui lạ.
Tạm biệt, ngày mai con lại về thôi, quê hương, tuổi thơ và gia đình nhé. Lúc ấy, nếu cho tôi một điều ước tôi ước được một vé về tuổi thơ, về với gió Lào thổi dạt bờ tre, về với mái tranh nghèo mờ mờ trong khói bếp, về làm phu kéo mo cau với với tiếng cười em thơ không dứt, về tìm lại chính mình sau bao năm tháng đã phôi pha.
Bỗng thoảng trong gió, tiếng cười giòn tan của ai đó đang đến thật gần…
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?