Một số kinh nghiệm dân gian chăm sóc sản phụ sau sinh như hơ nóng cơ thể, hoặc ăn nhiều thực phẩm được cho mang lại nhiều sữa theo bác sĩ Mai lại là không khoa học...
Những thói quen xấu có thể làm hại mẹ con sản phụ (Ảnh minh họa) |
Một số kinh nghiệm dân gian chăm sóc sản phụ sau sinh như hơ nóng cơ thể, cho nằm phòng kín hoặc ăn nhiều thực phẩm được cho mang lại nhiều sữa. Tuy nhiên theo bác sĩ Nie Thị Lê Mai (khoa sản bệnh viện quận 2,TP.HCM), lại hoàn toàn phản khoa học, thậm chí tiềm ẩn những hậu quả khó lường, có thể dẫn đến nguy cơ trẻ tử vong. BS Mai chia sẻ thêm phương pháp cho trẻ bú đúng cách và kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh tốt nhất.
Cho sản phụ nằm bếp than, có ngày trẻ tử vong
Một trong những kinh nghiệm dân gian lâu nay vẫn được áp dụng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa là cho sản phụ nằm trong phòng kín có đặt bếp than. Nhiều nơi còn áp dụng phương pháp hơ nóng cơ thể sản phụ bằng lửa. Nhiều người cho rằng việc nằm bếp than trong phòng kín hay hơ nóng toàn thân giúp da thịt sản phụ săn chắc trở lại, giúp “da thịt hồng hào”. Nhưng theo BS Mai, thói quen này không hề cho tác dụng, ngược lại còn gây hại đối với sản phụ và trẻ sơ sinh. Nữ bác sĩ phân tích, khói lửa nói chung và khói bếp than nói riêng có thể gây ngạt, nhất là trong phòng kín. Nguy hiểm hơn, khói có thể khiến trẻ tử vong do suy hô hấp.
Bên cạnh đó, thói quen nằm gần bếp lửa tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng. Đặc biệt cơ thể sản phụ sau sinh thường có nhiều vết thương, nếu phỏng đúng vị trí thương tích dễ dẫn đến viêm nhiễm. Ngược lại, sản phụ sinh xong cần được bố trí chỗ ăn nghỉ thoáng mát, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Người dân nhiều vùng miền thường không cho sản phụ tiếp xúc với nước trong thời gian 3 tháng 10 ngày. Quan niệm này khiến cơ thể sản phụ không được làm sạch, nguy cơ nhiễm trùng tầng sinh môn và các vết thương cao. Theo đó BS Mai khuyên phụ nữ sinh xong cần tiến hành vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước ấm. Nếu sinh mổ phải đặc biệt chú ý rửa sạch vết thương bằng nước muối.
Quan niệm sai lầm nữa đó là cho sản phụ ăn nhiều thực phẩm như đu đủ, trái vã hầm xương heo nhằm mang lại nhiều sữa, bị BS Mai bác bỏ. Các nghiên cứu khoa học chứng minh sản phụ không cần kiêng khem thực phẩm nào, không cần ăn uống kiêng khem. Đồng thời không có loại “thần dược” nào có tác dụng tạo sữa dồi dào như kinh nghiệm dân gian. Ngược lại sản phụ cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nhóm thực phẩm chủ lực gồm: Thịt, cá, trứng và rau xanh. BS Mai lưu ý phụ nữ sau khi sinh nên uống nhiều nước, ăn thức ăn giàu chất sắt: “Không nên ăn mãi một món, có thể chia khẩu phần thành 2 bữa thịt, 2 bữa cá, 2 bữa trứng thay phiên nhau trong tuần. Rau củ quả có thể ăn tất cả trong các bữa. Phụ nữ sinh xong thường ít vận động, rất dễ bị táo bón nên ăn nhiều rau xanh giúp mẹ và bé phòng tránh táo bón”, nữ bác sĩ chia sẻ. Tác hại nữa của việc tập trung ăn một số thực phẩm kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ tạo mỡ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì. Trong ăn uống, bà mẹ mới sinh con chỉ nên tránh những gia vị có tính kích thích như ớt, tiêu. Sản phụ sinh xong nên vận động theo khả năng, tránh nằm ì một chỗ.
Thông thường cơ thể sản phụ trở lại trạng thái trước khi sinh sau 6 tuần lễ. Riêng tử cung hồi phục sau 2 - 3 tuần. Nếu quá thời gian trên, bản thân sản phụ cảm thấy cơ thể chưa trở lại bình thường, thì nên tái khám. Tốt nhất 1 tháng sau khi sinh cần đến bệnh viện chuyên khoa khám lại.
BS Mai lưu ý một số hiện tượng bất thường sau: Tử cung ra huyết quá nhiều, huyết có mùi hôi và màu khác thường; cảm thấy đau bụng, đau vòng 1 hoặc lên cơn sốt. Những biểu hiện trên có thể là triệu chứng của chứng nhiễm trùng hậu sản. Nhiễm trùng hậu sản cực kì nguy hiểm. Bệnh gây viêm nhiễm tử cung, viêm các bộ phận phụ như vòi trứng, nặng nhất dẫn đến nhiễm trùng máu
Hướng dẫn cho con bú sữa đúng cách
Bên cạnh chăm sóc bà mẹ, việc chăm sóc trẻ sơ sinh cực kì quan trọng bởi giai đoạn này quyết định tương lai em bé. Thế nhưng có những điều đơn giản mà vẫn có người thực hiện sai. Đơn giản như thao tác cho trẻ bú hàng ngày, không ít bà mẹ làm sai. Nữ bác sĩ hướng dẫn cách cho trẻ bú đúng như sau: Trước tiên bế trẻ đúng tư thế, để phần lưng của trẻ tựa lên cẳng tay, lòng bàn tay phải đỡ toàn bộ phần mông nhằm tạo cho em bé cảm giác an toàn. Kinh nghiệm ít ai chú tâm, trong lúc cho em bé bú, nên để phần da bụng của mẹ áp sát da em bé. Thao tác này tạo điều kiện thuận lợi cho một số vi khuẩn có lợi truyền từ da mẹ sang da em bé, giúp bé phòng tránh nhiều chứng bệnh ngoài da.
Có bốn phản ứng của trẻ cho thấy trẻ bú đúng cách: Miệng trẻ mở rộng, ngậm nửa trên rộng hơn nửa dưới, khi bú miệng em bé hơi trệ xuống. Dấu hiệu trẻ bú đúng dễ nhận biết nhất là nghe rõ tiếng nuốt sữa “ừng ực”, sau khi bú xong em bé ngủ ngon giấc. BS Mai chia sẻ kiến thức, khi cho trẻ bú nên cho bú từng bên một, hết bầu này mới chuyển sang bầu khác. Nếu trẻ đã no mà vẫn còn sữa, nên loại bỏ lượng sữa dư này. Có thể cất giữ trong tủ lạnh sử dụng lần sau.
Cho bú đúng cách bên cạnh tác dụng đảm bảo sức khoẻ em bé còn kích thích tạo sữa ở mẹ. Khoa học chứng minh, bà mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu em bé, trung bình 8-10 lần/ngày. Trong 6 tháng đầu chỉ nên cho trẻ bú duy nhất sữa mẹ. Ngoài ra không nên cho trẻ ăn bột, kể cả uống nước. Sữa mẹ được ví là kháng thể tuyệt vời đối với em bé thời gian này. Sau 6 tháng tuổi, có thể bổ sung cho trẻ sữa: “Nếu bà mẹ nhiều sữa, cơ chế tiết sữa tốt có thể vừa cho trẻ bú vừa bổ sung sữa ngoài bởi sữa mẹ có “hạn dùng” trong vòng 24 tháng.
Ngược lại, cho em bé bú sai sẽ dẫn đến hiện tượng nứt núm vòng 1, căng vòng 1 hay áp-xe. Dấu hiệu trẻ bú sai là hai má hóp vào khi bú và nghe rõ tiếng mút. Em bé bú sai sẽ mất sức, khóc nhiều và hay quấy. Cũng theo BS Mai, cơ thể bà mẹ gầy hoặc béo không ảnh hưởng đến cơ chế tạo sữa. Một số bà mẹ sinh mổ hoặc sử dụng kháng sinh vẫn nên cho trẻ bú sữa bình thường, bởi các kháng thể sử dụng cho sản phụ đều đảm bảo an toàn với cơ thể em bé.
BS Mai chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh: Trong lúc tắm cho trẻ nên thực hiện các động tác mát-xa như vuốt lưng, chân và tay. Động tác mat-xa không chỉ giúp trẻ thoải mái mà còn kích thích quá trình phát triển hệ xương. Riêng em bé mới sinh, bà mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc bộ phận rốn của trẻ sơ sinh. Khi tách khỏi cơ thể mẹ, vết cắt dây rốn là nơi duy nhất vi khuẩn dễ tấn công vào cơ thể em bé, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu: “Tôi hy vọng với những kinh nghiệm trên, các bà mẹ sẽ chăm sóc con cái mình tốt hơn. Tuy chỉ là thao tác nhỏ nhưng nếu không chú ý sẽ không biết”, BS Mai nói.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?