Những điều chưa biết về mối tình đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thứ sáu, 04/10/2013 21:44

Tuổi 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái trong chuyến tàu Vinh-Huế, rồi sau này trở thành người yêu, thành vợ ông.

Đại tướng nói chuyện với đồng bào Điện Biên năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Đại tướng nói chuyện với đồng bào Điện Biên năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Tuổi 20, ông Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái (em gái ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù, rồi gặp lại tại Vinh để sau đó trở thành người yêu, người vợ.

LTS: Không chỉ là người lính, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi duyên phận "anh em đồng hao" (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Nguyễn Hồng Cư là hai chị em ruột).

Trong những ký ức riêng rẽ về tuổi trẻ, đặc biệt những ký ức về cuộc sống riêng, Đại tướng đã chọn người anh em đồng hao của mình nhờ phác bút hồi ký. Năm 2004, Trung tướng Nguyễn Hồng Cư - với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà - đã cho ra mắt tập sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ" được đông đảo bạn đọc mến mộ.

Một phần thú vị của cuốn sách này là những ký ức đặc biệt về "Tuổi 20 của Đại tướng", trong đó có chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Đó là người phụ nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông - một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, cho đến khi bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Gặp gỡ

Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.

Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.

“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.

Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.

Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.

Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.

Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.

Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” - anh thầm nghĩ.

Anh hỏi chuyện:

- Tình hình dạo này thế nào?

Quang Thái đáp:

- Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.

Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.

Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại.

Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.

Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.

Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.

Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!

Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:

Mười sáu xuân qua sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Thấy bạn cần lao dạ rối bời

Quyết chí hy sinh thây kệ chết

Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.

Tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng...

Vietnamnet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Võ Nguyên Giáp , Đại tướng , Nguyễn Thị Quang Thái , Nguyễn Thị Minh Khai , cách mạng , Đặng Thai Mai