Những cái nhất có thể bạn chưa biết về Hà Nội (Kỳ 8)
Thứ ba, 24/07/2012 23:46

Người Hà Nội xưa quan niệm ở đâu có hồ thì có người tụ họp bằng câu ca dao "Tụ thủy, tụ nhân", cũng vì vậy mà Hà Nội được chọn là "Đế đô muôn đời".

Những hồ nước trong xanh giữa lòng Thủ đô tạo nên nhiều vẻ đẹp thật khác biệt

Những hồ nước trong xanh giữa lòng Thủ đô tạo nên nhiều vẻ đẹp thật khác biệt

Kỳ 8: Chuyện về những hồ nước lớn trên đất Hà Thành

Nhiều du khách nước ngoài đến với Hà Nội không khỏi “tròn mắt” kinh ngạc bởi “những hồ nước lớn giữa lòng thành phố”, một Thủ đô với mật độ dân cư đông đúc, diện tích đất sinh sống hạn hẹp, thế nhưng vẫn tồn tại những hồ nước lớn? Người Hà Nội xưa quan niệm rằng ở bất kỳ đâu hễ có những hồ nước, những con sông là có người sinh sống.

Hà Nội có hơn 100 hồ nước lớn nhỏ nằm rải rác. Ngoài những hồ nước nhân tạo như hồ Văn, hồ Ngọc Khánh, hồ Thành Công, Hà Nội còn có những hồ thiên tạo nổi tiếng như hồ Gươm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang... Nổi tiếng nhất thuở xưa có 5 hồ, gọi là “ngũ hồ”, ứng với ngũ hành, gồm hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Ngọc Khánh, hồ Đồng Nhân.

Hồ Hoàn Kiếm - linh thiêng nhất

Có lẽ sẽ chẳng có hồ nào trên cả nước lại linh thiêng như hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm). Tương truyền, cách đây khoảng 6 thế kỷ, hồ Gươm gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Gắn với điển tích trả gươm cho Rùa vàng. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ về đóng đô ở Thăng Long. Trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một cụ rùa lớn xuất hiện. Lê Thái Tổ giơ gươm ra thì gươm bay về phía cụ rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thủy có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay còn gọi là hồ Gươm.

Hồ Gươm nhìn từ trên cao (Ảnh: M.Duy)

Hồ Hoàn Kiếm có diện tích khoảng 12ha, có chiều dài 700m, chiều rộng là 200m. Bao quanh hồ là các phố Lê Thái Tổ ở phía tây, phố Đinh Tiên Hoàng phía đông, phố Hàng Khay phía nam.

Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn (Ảnh: Internet)

Hồ Gươm quanh năm nước xanh biếc, đi vào huyền thoại với các cụm di tích như Tháp Rùa, Ðền Ngọc Sơn, Ðài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong. Đứng ngắm nhìn hồ từ trên cao, hồ Gươm hiện lên như một viên ngọc màu xanh, đẹp ngỡ ngàng. Bên cạnh hồ là những hàng cây, đủ thể loại, cây Lộc Vừng nghiêng nghiêng rủ hoa in bóng dưới đáy hồ, những hàng liễu rủ lá xanh, bay phất phơ trong gió… hồ Gươm từng được ví là lẵng hoa giữa lòng thành phố. Là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng cả nước nói chung.

Nét đẹp cổ kính mê hoặc bao người của Hồ Gươm (Ảnh: Phùng Anh Tuấn)

Ngày nay, hồ Hoàn Kiếm vẫn phải đấu tranh hàng ngày để dành sự sống. Và, với bề dày của lịch sử văn hóa hồ vẫn uy nghiêm giữa lòng thủ đô, sống cùng nhịp sống tất bật hối hả của người dân Hà Nội. Không khí trong lành của hồ vào mỗi buổi sáng sớm, những cụ già tập dưỡng sinh hay ngồi đọc báo quanh hồ làm thức dậy biết bao cảm xúc diệu kỳ. Hồ còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca.

Hồ Tây – hồ có diện tích lớn nhất

Hồ Tây rộng hơn 500 ha, là hồ nước rộng nhất nội thành Hà Nội, nằm ở phía tây là dấu tích của dòng sông Cái đổi dòng, nay nằm gọn trong lòng Hà Nội. Nói đến Hồ Tây cũng chính là nhắc đến vô số những huyền thoại và điển tích.

Một trong những huyền thoại gắn liền với Hồ Tây là thuyết trâu vàng. Tương truyền đời nhà Lý, ở nước ta có Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Để trả ơn, vua Tống cho phép Minh Không lựa vật báu theo ý thích và Minh Không chọn đồng đen (đồng đen được cho là “mẹ” của vàng).

Dịp tháng 7 tháng 8 tới Hồ Tây để thưởng thức mùi vị của sen (Ảnh: NLĐ)

Vua Lý sau đó đem đồng đen đúc thành chuông. Tiếng chuông vang xa ngàn trùng đến tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng lên chạy đến khu rừng gần thành Thăng Long thì mất hướng đi, lồng lên đi tìm và giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ.

Đó là những tên theo truyền truyết. Còn theo thư tịch thì thế kỷ 11, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (đầm Mù Sương). Tới thế kỷ 15 lại gọi là Tây Hồ. Ngoài ra hồ còn có tên là Lãng Bạc và được coi như chiến trường thời Hai Bà Trưng. Thực ra thì Lãng Bạc, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân của Hai Bà và quân Hán, là vùng Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Buổi chiều trên Hồ Tây (Ảnh: Phùng Anh Tuấn)

Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh. Từ đời Lý Trần các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí. Hiện nay quanh hồ còn 61 đình, chùa, đền, phủ…

Men theo những con đường quanh hồ Tây, ta bắt gặp nhiều sắc hoa của làng hoa Nhật Tân, Quảng Bá…, càng tô thêm vẻ đẹp hoang sơ của hồ.

Hồ Bảy Mẫu – hồ có nhiều “đảo” nhất

Là một hồ nước ngọt nằm trong công viên Thống Nhất ở Hà Nội, thuộc phạm vi quận Hai Bà Trưng. Hồ có hai hòn đảo tọa lạc giữa hồ tạo nên nét khác biệt so với những hồ nước khác trên địa bàn: Đảo Thống Nhất là một vườn hoa. Còn đảo Hoà Bình, gần bờ phía đông, là nơi mát mẻ tĩnh mịch dành cho khách muốn nghỉ ngơi.

Phía nam giáp với đường Đại Cồ Việt, phía đông nam và đông là đường Vân Hồ III chạy ra đường Nguyễn Đình Chiểu. Phía bắc giáp với công viên Thống Nhất, phía tây được chắn bởi đường Lê Duẩn. Bên kia đường là hồ Ba Mẫu. Theo bản đồ cổ thời Hồng Đức thì cuối hồ Bảy Mẫu về phía nam có chỗ thông ra sông Kim Ngưu, gọi là cống Lâm Khang, nay gọi chệch là Nam Khang.

Bơi thuyền trên hồ Bảy Mẫu (Ảnh: Internet)

Mặt nước hồ chiếm khoảng 28 ha, giữa hồ có đảo Thống Nhất và đảo Hoà Bình. Hồ vốn có diện tích rất lớn, đến thế kỷ XX khi làm đường mới cắt hồ ra làm 3 là hồ Thiền Quang và hồ Ba Mẫu.

Có người nói hồ rộng 7 mẫu nên thành tên. Thực ra hồ này rộng tới 30 mẫu! Có người lại nói trong hồ vốn có đền thờ bảy bà mẫu. Điều này không có căn cứ.

Hồ Bảy Mẫu có 2 đảo ở giữa hồ tạo nên điểm khác biệt so với những hồ nước khác trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: ST)

Năm 1960 hồ được khơi sâu, cải tạo cùng lúc với việc xây dựng công viên Thống Nhất (sau là công viên Lênin) trở thành một hồ đẹp.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn nổi tiếng với nhiều hồ nước lớn, cùng nhiều di tích quanh hồ như hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang:

Hồ Trúc Bạch

Hồ Trúc Bạch vốn là một phần của Hồ Tây, do đắp đê Cố Ngự (thế kỷ 17) mà tách ra. Đê Cố Ngự sau đọc chệch ra là Cổ Ngư. Hồ Trúc Bạch cách Hồ Tây bởi con đường Thanh Niên. Bờ hồ phía Nam xưa có làng Trúc Yên, chúa Trịnh Giang (1729-1740) cho xây một cung điện gọi là Trúc Lâm Viện, sau thành nơi an trí của các cung nữ phạm tội, họ lấy nghề dệt lụa để sinh sống.

Ven hồ có nhiều di tích như đền Quán Thánh, chùa Châu Long được xây dựng từ đời Trần.

Chiều mờ ảo trên hồ Thiền Quang (Ảnh: Internet)

Hồ Thiền Quang

Khác với Hồ Gươm xanh, đến với hồ Thiền Quang còn có tên là Liên Thuỷ, sau lấy tên thôn Thiền Quang ở phía Đông Nam mà gọi tên hồ. Tên này thường bị đọc chệch ra là Thuyền Quang. Xưa gọi là hồ Halais lại bình yên lạ kỳ. Những ngõ phố vắng tanh vương vấn hương hoàng lan tỏa ngát trong đêm, và đâu đó tiếng dương cầm thánh thót khẽ vang lên như rơi xuống tận cùng mênh mông của làn nước biếc.

Trước đây hồ rộng lan tới các phố Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ và còn ăn thông cả với hồ Bảy Mẫu. Những năm 1920-1925, hồ bị lấp dần để làm phố. Hồ có một đảo nhỏ ở phía gần đường Trần Bình Trọng, có cầu đi vào nhà thuỷ tạ.

Mô tả không sao hết được vẻ đẹp huyền bí của những hồ nước trên đất Thủ đô. Tất cả chỉ là những nét đẹp thoáng qua về một không gian đẹp của những hồ nước hiện diện trên đất Hà Thành. Những hồ nước ấy là vết tích của các dòng sông cổ, có thể mỗi hồ nước sẽ có một “thân phận” khác nhau nhưng bản thân chúng vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Hà Nội.

Còn nhiều điều rất thú vị, những "cái nhất" ở Hà Nội rất bổ ích mà có thể bạn chưa biết? Đón đọc kỳ 9 vào Thứ 4 (1/8) lúc 9h15 trên Xahoi.com.vn.

 

Song An
Tag: Những cái nhất , Hà Nội , Những hồ nước lớn ở Hà Nội , Hồ Gươm , Hồ Tây , Hồ Thiền Quang , Hồ Trúc Bạch , Hồ Bảy Mẫu , Người Hà Nội