Và ngoài những tấm vé đi tiếp, những cuộc chia tay trong tiếc nuối, giới chuyên môn ghi nhận sự lên ngôi của trường phái bóng đá "lý tính".
Hoa ngày thường
Nếu đặt câu hỏi, đội bóng nào đá đẹp nhất ở Euro lần này thì câu trả lời sẽ là Pháp và Tây Ban Nha. Ngoài ra, có thể xếp đội tuyển Nga vào nhóm các đội bóng theo đuổi triết lý bóng đá tấn công dù họ đã phải sớm chia tay với giải đấu.
Pháp và Tây Ban Nha đến giờ vẫn theo đuổi triết lý bóng đá của mình. Họ lấy tấn công là phương cách phòng ngự tốt nhất. Hay nói đúng hơn, họ tiếp cận chiến thắng bằng cách phải ghi được thật nhiều bàn thắng. Thực lực vượt trội giúp người Pháp và Tây Ban Nha theo đuổi thứ bóng đá đầy cảm xúc. Họ đã đẹp và tin rằng, sự lãng mạn không bao giờ chết. Thực tế là Tây Ban Nha đã sống một cách khỏe khắn với 2 trận thắng, 1 trận hòa cùng chiếc vé đến vòng tứ kết.
Vẫn biết rằng, giữa một thế giới phẳng, trong một nền bóng đá mà mọi tuyên ngôn sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh không chiến thắng thì những đại diện tiêu biểu của trường phái bóng đá tấn công cũng phải sửa mình. Thế mới có chuyện, một đội bóng bất khuất, thích thể hiện như Tây Ban Nha cũng phải toan tính trong những lúc lãng mạn nhất. Họ đã chơi thứ bóng đá đầy thực tế trong trận đấu cuối cùng vòng bảng với Croatia. Sự thực tế đó sẽ giúp Tây Ban Nha có đủ sinh lực để tiếp tục theo đuổi vẻ đẹp lãng mạn trong những hành trình sắp tới.
… và phần còn lại
Bồ Đào Nha đã thoát hiểm vì họ đã chấp nhận thay đổi. Đội bóng được ví là Brazil của châu Âu đã biến thành một cỗ máy nhịp nhàng và thực dụng. Một minh chứng rõ rệt nhất cho nhận định này chính là sự lạnh lùng đến mức vô cảm của Ronaldo trong trận đấu với Hà Lan. Một cầu thủ vốn có cái tôi cao vòi vọi đã chấp nhận tự đưa mình vào khuôn khổ, trở thành một bộ phận trong cỗ máy phòng ngự phản công Bồ Đào Nha.
Người Bồ Đào Nha đã chấp nhận đá bỏng kiểu "ép xác" để đạt được mục tiêu của mình. Và không chỉ có họ, nhiều đội bóng khác chấp nhận khoác lên mình chiếc áo thô ráp chỉ với mục đích là hoàn thành chỉ tiêu đến vòng tứ kết. Thế mới có chuyện, đội tuyển Anh chấp nhận biến mình thành "bị bông" để đội tuyển Pháp tha hồ thể hiện sức mạnh. Họ đã thành công khi buộc đối thủ mạnh hơn chia điểm. Và tại vòng bảng Euro lần này, nhiều đội bóng khác cũng lựa chọn mình chiến thuật phòng ngự phản công. Họ chấp nhận chơi thứ bóng đá cầu toàn, chặt chẽ chứ không mạo hiểm theo đuổi triết lý bóng đá tấn công để rồi phải trả giá đắt bằng giấc mơ của mình mà điển hình là Nga, Ba Lan và đặc biệt là Hà Lan.
Bóng đá ngày càng mất đi sự lãng mạn. Đó là thực tế. Khi mà khoảng cách giữa các nền bóng đá ngày càng thu hẹp thì ai lý trí và hợp lý hơn, người đó sẽ chiến thắng. Và rằng, trong bóng đá, chân lý thuộc về kẻ chiến thắng.