Đằng sau nghị lực “tàn mà không phế” ấy là sức mạnh phi thường và tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ hết lòng vì con.
“Tình duyên bỏ chợ, tình người đa đoan”
Lấy chồng bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm cô phải nuôi con một mình. Sự vất vả lam lũ và thời gian không xóa được những nét mặn mà trên gương mặt người phụ nữ đã từng trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Nếu ví những gì mà bản thân đã trải qua như một con đường thì có lẽ con đường mà cô đã đi là một con đường vô cùng gập ghềnh và chan đầy nước mắt.
Hơn 30 năm về trước, khi mới 14 tuổi cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Huyền quyết định thôi học để xin đi làm công nhân trong nhà máy in bộ quốc phòng. Ban ngày đi làm, tối đến, chị tiếp tục đăng kí học bổ túc văn hóa ở trường, vốn là người có ít nhiều nhan sắc lại đảm đang, tháo vát, Huyền đã khiến bao chàng trai phải thương thầm, vậy mà chị chỉ quan tâm tới một người, chính là mối tình đầu, cũng là người chồng của chị sau này.
Anh đẹp trai, hiền lành và dịu dàng còn Huyền thì hiếu thắng, trẻ con, sự trái ngược này đã tạo nên sức hút kéo họ lại với nhau. Mối tình đầu thơ mộng đánh dấu bằng một đám cưới nho nhỏ trong sự chứng kiến của gia đình, bạn bè. Lấy nhau chưa được bao lâu, con gái đầu lòng vừa được mấy tháng thì cũng là lúc anh nhận được quyết định của cơ quan phân công đi làm việc ở nước ngoài. Những ngày tháng xa chồng cứ đằng đẵng. Một mẹ một con quanh quẩn với nhau, những lúc con ốm, mẹ đau chỉ mong có người đàn ông ở bên đỡ đần, nhiều lúc nhìn bạn bè hạnh phúc bên chồng con mà chị không khỏi chạnh lòng.
Khi con gái đầu lòng lên 7 tuổi thì Huyền được cơ quan cho sang Đức thăm chồng. Sau bao ngày xa cách, vợ chồng mới lại được gặp nhau, vui mừng không sao kể hết. Tuy anh vẫn tỏ ra hết lòng yêu thương nhưng bằng linh cảm của người phụ nữ, chị biết đã có điều gì thay đổi trong tình cảm vợ chồng. 9 tháng sau khi trở về, cậu bé Phí Quang Huy ra đời, đồng lương công nhân sắp chữ lúc này không còn đủ đã khiến cuộc sống 3 mẹ con trở nên chật vật.
Chị Huyền đang chăm sóc Huy.
Mấy năm sau, kết thúc chương trình hợp tác lao động giữa hai nước, chồng chị trở về. Ngày đoàn tụ cũng là ngày chị nhận ra điều mình nghi ngờ bấy lâu là sự thật. Vợ chồng con cái quây quần bên nhau mà lòng anh thì lại gửi gắm nơi một người đàn bà khác. Ban đầu, anh còn giấu vợ con nhưng chẳng có gì giấu mãi được, sự thật rồi cũng lộ ra. Vì xa mặt cách lòng, những tháng ngày cô đơn nơi đất khách đã đẩy anh đến với một mối tình xa xứ, biết là sai nhưng anh không thể nào ngăn cản được lòng mình.
Đến lúc bấy giờ thì tình cảm của anh dành cho người đàn bà ấy đã quá lớn. Thương mình, thương chồng và thương cả người kia nữa, chị cũng muốn giải phóng cho anh nhưng lại sợ điều tiếng với gia đình, họ hàng, nghĩ tới các con, Huyền đành ngậm đắng nuốt cay chấp nhận. Với chị, dù sao trong nhà có người đàn ông làm cái nóc, cái cột để tránh mưa tránh bão vẫn hơn, các con chị dù sao vẫn có người cha đầy đủ. Có những đêm, vợ chồng nằm bên nhau mà như người xa lạ, chị chỉ biết giấu giọt nước mắt vào trong, không biết ngỏ cùng ai. Vậy mà cái nóc, cái cột chị muốn giữ cho con cái cũng chẳng bền, một cơn cảm bệnh đã cướp anh đi nửa năm sau đó. Ngoài 30, chị trở thành góa bụa.
Chồng mất chưa được bao lâu, ngôi nhà mà hai vợ chồng gom góp mua được cũng bị em chồng cướp mất. Bao nhiêu năm nuôi con một mình, giờ đến chốn nương thân cũng không còn, tay trắng, chị chỉ biết ôm con mà khóc. Giữa lúc bơ vơ tay trắng thì may mắn, cơ quan hiểu hoàn cảnh gia đình, cấp cho ba mẹ con một căn nhà tập thể ở Nghĩa Đô làm chốn đi về.
Mấy năm sau, tai họa lại một lần nữa giáng xuống đầu người thiếu phụ trẻ. Lên 10 tuổi, bé Huy đột nhiên mắc bệnh lạ, chân tay cứ teo dần lại, mất dần khả nâng vận động, bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh teo cơ phì đại. Nhìn đứa con trai vốn nhanh nhẹn hoạt bát và đáng yêu giờ đây chỉ ngồi một chỗ và đau đớn, nước mắt người mẹ chảy ngược vào trong. Có những buổi tan sở, chị cứ thế đi trong vô thức, đến khi tỉnh ra thì đã thấy mình đứng bên bờ sông Hồng từ lúc nào. Giá như có thể ích kỉ được thì chị cũng đã nhảy xuống dòng nước dưới kia để kết thúc cuộc đời mình, để hết những ngày tháng trầm luân này. Nhưng mình chết, thì con ai chăm? Câu hỏi ấy kéo Huyền trở về thực tại.
Chị bán nhà, mua một mảnh đất nhỏ hơn, chưa đầy 8 mét vuông ở Khương Thượng để có tiền và tiện cho việc chữa trị bệnh tật cho con. Đến năm 1993, Huyền lại nằm trong danh sách nghỉ chế độ 176 của ngành, một mình với hai bàn tay trắng nuôi hai đứa con thơ dại và bệnh tật. Có những hôm, nhìn bữa cơm chỉ có nước mắm mà lòng người mẹ đắng ngắt. Để có tiền nuôi con, Huyền nhận làm giúp việc cho các gia đình, phụ bán hàng cho các quán ăn gần nhà, thu nhập không là bao nhưng tằn tiện chật vật thì cũng đủ cho mẹ con qua ngày.
Đã nhiều lần chị nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình nhưng chị biết cái gánh trên vai mình quá nặng, không phải người đàn ông bình thường nào cũng có thể chấp nhận ghé vai đỡ đần. Một thời gian dài sau khi chồng mất, cũng có người thật lòng đến với Huyền. Người đàn ông ấy hiền lành, chăm chỉ, cũng đã một lần đò nên càng thấm thía hạnh phúc gia đình, mong rổ rá cạp lại, về với nhau cho ấm lòng. Về phía chị, cũng cảm được tấm chân tình của anh nên bằng lòng se duyên. Chính lúc này, họ lại gặp sự phản đối quyết liệt từ cha mẹ, anh em bởi định kiến và lễ giáo vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ gia đình Huyền. Thuyết phục không xong, cũng không dám bước qua ranh giới đạo làm con, chị đành chia tay với anh, cho dù anh bao nhiêu lần kiên trì động viên. Chị lại một mình nuôi con, nhiều lúc tủi thân hát: “Muốn sang thì phải lụy đò, vì thương cha mẹ ngăn lìa duyên con”.
Mỗi ngày trôi qua, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ tới chiều muộn, trong con hẻm nhỏ chị lại đi về với cuộc mưu sinh và những lo toan bệnh tật cho đứa con nhỏ. Chị chỉ mong muốn duy nhất một điều được nhìn thấy ánh mắt nụ cười của các con mỗi ngày đều trở nên rạng rỡ hơn.
Tình yêu của một người mẹ và tình người dành cho những mảnh đời không may
Đã 16 năm kể từ ngày cậu bé Huy mắc phải căn bệnh lạ, sức khỏe cứ giảm sút dần, mọi sinh hoạt phải gắn với chiếc xe lăn và nhờ vào bàn tay chăm sóc của mẹ, của chị gái. Huy thương mẹ và chị lắm nên luôn cố gắng sống vui vẻ để mẹ có thêm nghị lực và để căn nhà tuy khó nhưng luôn đầy ắp tiếng cười, Huy học được ở mẹ sự lạc quan trước cuộc đời.
Để con lấp đi thời gian rảnh rỗi, không cảm thấy bị cô lập trước cuộc sống xung quanh, chị liền gom góp hết tiền của, chạy vạy thêm gia đình bạn bè để mua cho con trai một bộ máy tính. Chị hi vọng rằng, qua chiếc máy tính, thế giới sẽ mở rộng ra trước mắt con trai. Không phụ lòng mẹ, Huy chịu khó học tiếng Anh, học lập trình máy tính bằng tất cả sự nỗ lực của mình. Chỉ bằng mội cây đũa, hiện giờ Huy đã có thể đánh máy trên bàn phím nhanh như người bình thường gõ 10 ngón. Cuộc đời tuy không mỉm cười với mình, nhưng Phí Quang Huy luôn luôn cảm thấy hạnh phúc vì có một người mẹ tuyệt vời và thương con hết mực. Đến lượt mình, Huy lại muốn dành sự may mắn đó cho những người khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Tủ sách “Vọng ước” ra đời là nỗ lực mà cả hai mẹ con cùng sự đồng lòng của những người bạn thân của gia đình chung tay góp sức có được.
Biết được ý định của con trai, chị Huyền mừng lắm, con trai của chị đã có thể tự quyết định và thực hiện những điều mà nó mong muốn chứ không phụ thuộc vào mẹ nữa. Để hỗ trợ con, ngoài thời gian đi làm, chị lại đi vận động những người quen biết, những gia đình mình làm cho, những cô cậu sinh viên gần nhà ủng hộ những cuốn sách đã đọc cho tủ sách của con trai. Nguồn sách cứ lớn dần lên, đến tầm 400 cuốn thì Huy cho ra mắt tủ sách tại thôn Mai Xã, xã Tiên Lãng, Phú Xuyên - Hà Nội, để một người bạn đồng cảnh ngộ là Đặng Thị Linh làm quản lý. Ngày ra mắt tủ sách, chị lặng lẽ khóc vì xúc động. Chị không ngờ có ngày đứa con tật nguyền của mình lại làm được một điều có ý nghĩa đến vậy.
Cho đến nay thì tủ sách vẫn tiếp tục lớn dần lên, chị vẫn hàng ngày đi đi về về, gom góp sách vở bên ngoài về cho tủ sách của con. Cuộc sống của ba mẹ con cũng bớt khó khăn hơn khi có sự hỗ trợ của các cơ quan, các tổ chức nhân đạo. Công việc lập trình web của Huy cũng đã đem đến một nguồn thu nhập nhỏ đủ để phục vụ các nhu cầu hàng ngày. Nhưng với chị, điều quan trọng nhất là các con đã biết vượt lên trên số phận của mình để có thể giúp đỡ cho những mảnh đời thiếu may mắn khác.
Giờ đây, chị đã có thể cười nhẹ nhàng mà không phải giấu lòng mình nữa. Cho dù sự vất vả vẫn còn ở phía trước, người mẹ vẫn còn phải tiếp tục trên cuộc hành trình đi tìm lại sức khỏe cho con thì trong căn nhà nhỏ của họ, tiếng cười nói vẫn hàng ngày vang lên. Bằng chính cuộc đời mình, chị đã chứng minh cho rằng bước qua những ranh giới không phải là điều bất khả. Hạnh phúc không tự đến thì phải tự tạo cho chính bản thân mình.
Phí Quang Huy không phải là một thiên tài, đối với xã hội những việc cậu làm chưa thật sự mang một tầm vóc nào nhưng cũng đủ để mẹ cậu phải lấy làm tự hào. Đó có lẽ là niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm vợ, làm mẹ với bao nhiêu tủi cực của chị Phạn Thị Thanh Huyền. Trồng cây cũng đến ngày kết trái, trái ngọt đã trổ, trái đắng không biết có còn không nhưng nụ cười đã thực sự nở nơi ánh mắt người mẹ đã qua nhiều đắng cay tủi cực này.