Djokovic đang công phá Monte Carlo, một trong hai thành trì sân đất nện còn sót lại của Nadal.
|
Trong lịch sử tennis, chưa từng có tay vợt nào vô địch một giải đấu tới bảy lần liên tiếp, dù là ở đẳng cấp future, challenge hay ATP 250, nên việc Nadal thống trị Monte Carlo suốt từ năm 2005 tới 2011 là một kỳ tích.
Thành trì thứ hai của Nadal là Roland Garros, nơi anh vô địch sáu lần sau đúng sáu lần lọt vào chung kết trong số vỏn vẹn bảy lần tham dự giải. Thất bại duy nhất ở Roland Garros của Nadal xảy ra cùng với năm anh dính chấn thương rất nặng: dây chằng đầu gối phải nghỉ 10 tháng, bị Soderling đánh bại ở vòng 4 năm 2009.
Nhờ hai thành tích này mà Nadal vẫn được suy tôn là Vua của sân đất nện qua mọi thời đại, hơn cả Bjorn Borg, người cũng từng có sáu danh hiệu Roland Garros trong tổng số 11 chức vô địch Grand Slam.
Nadal được suy tôn là Vua của sân đất nện.
Nhưng Nadal cũng đã đánh mất những lãnh địa quan trọng của mình, như Rome Masters và Madrid Masters - hai giải đất nện danh giá. Người lấy mất đất của Nadal không ai khác là Djokovic.
Ở Madrid và Rome Masters 2011, Nadal đều thua sau hai set, hầu như không tạo dựng được cơ hội chiến thắng nào. Nếu có thể coi Madrid cũng là một lãnh địa của Nadal, nơi anh được ái mộ hơn tất thảy, thì thất bại trước Djokovic càng đáng nói hơn.
Và phải rành rẽ rằng, Nadal còn hai lãnh địa chưa bị đánh mất vào tay đối thủ, có thể phần nguyên nhân chính là do anh không phải đối đầu trực tiếp với Djokovic. Tại Roland Garros, Federer đã chơi trận đấu hay nhất của anh trong khoảng bốn năm qua để loại Djokovic ở bán kết để Nadal giành Grand Slam thứ mười. Còn Monte Carlo, Djokovic đã vắng mặt sau 5 năm tham dự liên tiếp mà chỉ có một lần vào chung kết (năm 2009, thua chính Nadal).
Tham dự Monte Carlo cũng giống một lời tuyên chiến
Đằng sau những lời tôn vinh Nadal, liệu có thể trong sâu thẳm Djokovic, anh đang nghĩ rằng: "Tôi trở lại Monte Carlo để thách thức anh trên chính mảnh đất mà anh đã trở thành bất tử trong suốt bảy năm qua"?
Hãy nhớ lại màn ăn mừng Madrid Masters 1000 của thày trò Djokovic trên đường từ sân trở về khách sạn. Họ ăn mừng tưng bừng trên xe, rồi dừng lại và mô tả những động tác thường chỉ có trong phim cấp ba (đặc biệt là HLV Marian Vajda), bất chấp nguy cơ khi đang trên đất khách.
Trong thể thao nói chung và tennis nói riêng, thắng ngay tại sào huyệt của đối thủ luôn mang lại những ý nghĩa tích cực trên nhiều phương diện. Chính việc đạt được chức vô địch trên quê hương của Nadal đã truyền sự tự tin cực lớn cho Djokovic trong suốt chặng đường về sau. Và không phải đâu xa, năm 2009, Federer đánh bại Nadal ở chung kết Madrid Masters rồi sau đó giành được ngôi vô địch Roland Garros, giải đấu mà anh đã tham dự gần chục lần mà chỉ mới vô địch đúng một lần, dù có thể một phần lý do là Nadal chấn thương và thua sớm như đã biết.
Thế nên, Djokovic điền tên tham dự Monte Carlo không đơn thuần chỉ là sự trở lại với một giải đấu, và càng không thể là do anh hiện đang chọn Monaco làm nơi trú ngụ của mình với một ngôi nhà và một chiếc thuyền buồm neo ngay ở bến cảng rất gần tổ hợp Monte Carlo Tennis Club.
Nadal sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn, trong khi vốn dĩ suốt một năm qua anh chịu ảnh hưởng từ bảy trận thua liên tiếp trước Djokovic.
Djkovic tuyên chiến với Nadal trên sân đất nện.
Lối đánh của Djokovic giờ đây hầu như không bị mặt sân nào khắc chế, hay nói cụ thể là anh hoàn toàn có thể phát huy tối đa khả năng của mình trên mặt sân đất nện. Nếu như đất nện đòi hỏi phải có nền tảng thể lực tốt, thì có thể khẳng định không có ai khỏe hơn Djokovic của năm 2011 và đầu 2012.
Nếu như sân đất nện đòi hỏi các tay vợt phải đánh bóng xoáy nhiều hơn bóng bạt thì Djokovic vốn dĩ có thể tạo xoáy bóng nảy vồng lên tới tầm 1m9 trên sân cứng, có thể tạo ra những cú bóng xoáy rất cao trên sân đất nện mà không cần phải sử dụng các cú tạo xoáy ít lực kiểu "moon balling" (nửa lốp nửa đoa).
Chưa hết, Djokovic có khả năng đè bóng siêu hạng và đó là chìa khóa để anh có thể giải mã những chuyên gia đất nện khác, trong đó có cả Nadal. Thậm chí, Djokovic càng gặp các cú bóng xoáy, anh đè càng nặng, trong khi khó có tay vợt nào có thể cắt bóng chìm mà hiệu quả ở sân đất nện (cách Nadal sử dụng ở Australian Open 2012).
Vua đất nện không phải Vua xứ mù
Thế nhưng, Nadal cũng có một niềm tin lớn ở đây. Bảy lần vô địch Monte Carlo, Nadal chỉ có hai lần "bắt nạt" các tay vợt đồng hương là Ferrer và Verdasco. Còn lại, trong các trận chung kết, Nadal thắng Djokovic năm 2009, rồi ba lần liên tiếp đánh bại Federer trong giai đoạn Federer đang phong độ cao 2006-2008, và năm 2005 anh thắng một trong những chuyên gia đất nện của Argentina là Guillermo Coria. Có lẽ, cũng chính vì sự thống trị của Nadal ở đó mà Federer từ năm 2010 tới nay đã không còn xếp Monte Carlo vào danh sách những giải đấu mà anh tham dự nữa.
Sự thống trị của Nadal tại Monte Carlo được lý giải là anh luôn có một sự chuẩn bị tốt nhất nhờ anh có hơn một tháng nghỉ sau Australian Open và cũng thường bị loại sớm hơn các đối thủ trực tiếp khác ở Miami Masters cho tới trước năm 2011 (nơi mà Murray, Djokovic và Federer đều đã từng vô địch).
Monte Carlo lại có một đặc điểm kỹ thuật nữa trợ giúp cho lối đánh của Nadal: Mặt sân đất nện ở đây chậm hơn so với đất nện ở Madrid hay Rome, nên cách chơi hệt như sách giáo khoa dạy tennis trên mặt sân này của Nadal càng phát huy tác dụng (phòng ngự sâu, đánh bóng bền và sử dụng tối đa topspin).
Monte Carlo: Djokovic & lãnh địa của Vua Nadal, Thể thao, Djokovic vs Nadal tai Monte Carlo, Djokovic, Nadal, Monte Carlo Masters, tennis, quan vot, the thao, video tennis, Masters 1000, Roland Garros, Nole, Rafa
Monte Carlo dự báo cho vận mệnh của Nadal trong mùa đất nện.
Và Babolat sẽ lại chống lưng Nadal
Nadal năm ngoái đã được Babolat gửi cho loại bóng mới mà họ sẽ cung cấp cho Roland Garros để anh tập luyện thử, trong khi tất cả các tay vợt khác chỉ được chạm vào quả bóng mới sau khi họ đặt chân tới Paris. Đó là một lợi thế cực lớn trong tennis đỉnh cao, có lẽ chỉ kém so với chuyện vợt mới hay vợt quen.
Babolat không cung cấp bóng cho Monte Carlo nên khả năng Nadal được giúp đỡ ngầm bị loại bỏ ở giải đấu này. Nhưng Babolat lại có một phát minh mới, "fair" hơn, khi họ chế ra một con chíp gắn vào vợt rồi ngay lập tức các cú đánh sẽ được con chip đó truyền tải thông số tới máy tính.
Với các thông số về điểm tiếp bóng, lực đánh, độ chính xác của Nadal, ông Toni Nadal ngồi ngoài có thể lập tức điều chỉnh từ khối lượng tập luyện cho tới cả những kỹ thuật và cách xử lý tình huống sao cho phù hợp với Nadal.
Hiệu quả của phát minh công nghệ mới này còn chờ được chứng minh. Nhưng những lần Babolat ra tay trước đây đều mang lại những kết quả mỹ mãn cho Nadal. Bộ dây RPM màu đen mà hãng sản xuất đồ tennis của Pháp chế tạo đã giúp Nadal đạt bước đột phá rất lớn về hiệu suất giao bóng ở mùa sân cứng 2010 mà đỉnh cao của nó là danh hiệu US Open.
Thành hay bại ở Monte Carlo này có thể dự báo cho vận mệnh của Nadal trong cả mùa đất nện năm nay.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?