Mở nhà thổ để được...tham dự Olympic

Trước khi vật lộn trên võ đài Taekwondo ở Olympic London, võ sĩ New Zealand, Logan Campbell từng phải “vật lộn” mưu sinh trong nhà thổ.

Trước khi vật lộn trên võ đài Taekwondo ở Olympic London, võ sĩ New Zealand, Logan Campbell từng phải “vật lộn” mưu sinh trong nhà thổ. Kẻ ghét bảo Logan là tên ma cô dắt gái, cực khinh! Người yêu nói hành động như Logan mới thể hiện được tinh thần thượng võ của... con nhà võ, đáng trọng!

Nghèo cũng phải cho con tới... London

Logan Campbell quyết tâm trở thành một võ sĩ Taekwondo từ thời thơ ấu, sau khi anh xem The Karate Kid - bộ phim nổi tiếng của John G. Avildsen năm 1984. Ước mơ này của Logan được bố mẹ anh ủng hộ nhiệt tình. Cùng với quyết tâm cao độ, không ngừng học hỏi và vươn lên, chàng trai sinh năm 1986 người New Zealand nhanh chóng gặt hái thành công và trở thành một võ sĩ Taekwondo nổi tiếng bậc nhất tại xứ sở Kiwi.

Năm 13 tuổi, Logan đã lần đầu tiên tham dự một giải đấu quốc tế. Năm 2005, tên tuổi của Logan bắt đầu được biết đến, khi anh đủ điều kiện tham dự giải VĐ Taekwondo thế giới tại Madrid, Tây Ban Nha. Một năm sau, tay võ sĩ mê “The Karate Kid” đã gặt hái được chiến quả đầu tiên với chức vô địch châu Đại dương. Danh tiếng của Logan càng lẫy lừng hơn, khi anh lọt vào tới vòng tứ kết ở Olympic Bắc Kinh 2008 - thành tích tốt nhất của một VĐV Taekwondo New Zealand ở một kỳ Thế vận hội.

Võ sĩ Taekwondo Logan Campbell

Nhưng càng thăng tiến trong sự nghiệp thì Logan càng... cháy túi. Bởi số tiền anh nhận trợ cấp từ Liên đoàn Taekwondo New Zealand (TNZ) chẳng đáng là bao so với chi phí luyện tập cũng như chi phí tham dự các giải đấu quốc tế để nâng đẳng cấp.

Như đã nói, Bắc Kinh 2008 là cột mốc rất quan trọng trong sự nghiệp của Logan, nhưng sự kiện ấy cũng khiến anh và gia đình rơi vào tình cảnh “húp cháo cầm hơi”. Cũng phải thôi, bởi số tiền thưởng mà Logan nhận được từ Ủy ban tài trợ Thể thao Chính phủ (SPARC) là 15.000 USD, trong khi kinh phí mà anh phải bỏ ra để tham gia các sự kiện và ở Bắc Kinh 2008 lên tới 200.000 USD.

Số tiền trên Logan “đào” ở đâu ra? Ông Max Campbell, cha của nhà vô địch New Zealand từng thành thật tâm sự trên tờ Sunday Star Times (New Zealand) rằng: “Thằng Logan nhà tôi từ nhỏ chỉ biết đánh đấm chứ có nghề ngỗng gì khác đâu. Toàn bộ số tiền chi phí cho Olympic Bắc Kinh đều do gia đình tôi lo cả”.

Ông Max vốn sống khỏe bằng nghề nhân viên bán đấu giá, nhưng từ khi có cái “của nợ Taekwondo” thì ông và vợ đều phải làm thêm nhiều nghề phụ nữa. Nhưng ông Max tự hào về thành tích của Logan và tin rằng Logan sẽ còn tiến xa hơn nữa nên ông quả quyết, dù có “sạt nghiệp” cũng phải “đầu tư tiếp cho con trai tới London 2012”.

Thế nào là tinh thần võ sĩ?

Logan Campbell hẳn phải cảm ơn và tự hào lắm về bố mẹ của mình. Tuy nhiên, mang cái danh là võ sĩ nổi hơn cả... lông ngỗng ở châu Đại dương mà cứ ăn bám bố mẹ thì còn ra cái thể thống gì! Võ sĩ như thế thì thiên hạ người ta... cười cho. Thế nên sau Olympic Bắc Kinh 2008, Logan quyết không ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa. Vậy một chàng trai từ nhỏ chỉ quen quyền cước như anh biết làm gì mưu sinh để theo nghiệp nhà võ?

Logan quyết định mở nhà thổ. Quyết định của võ sĩ 26 tuổi này khiến gia đình và người thân của anh sốc nặng và dĩ nhiên là họ cương quyết phản đối. Bởi nghề kinh doanh mại dâm dù được hợp pháp hóa tại New Zeland từ năm 2003, nhưng một võ sĩ như Logan làm cái nghề kinh doanh trên thân thể chị em phụ nữ vì tinh thần thượng võ thì thật chẳng ra làm sao cả.

Đấy là chưa kể, như lời ông bố Max thì cậu con trai ông suốt ngày chỉ biết đánh đấm, làm gì có kinh nghiệm kinh doanh. Hơn nữa, nhà thổ lại là hình thức kinh doanh đặc biệt phức tạp.

Không chỉ gia đình, các quan chức TNZ cũng xem công việc kinh doanh dựa vào “vốn tự có” của chị em là một sự sỉ nhục đối với võ thuật nên cương quyết phản đối. Ông John Scholfield - một “chóp bu” của TNZ cánh báo: “Các VĐV, đặc biệt là các võ sĩ Taekwondo cần phải có đạo đức để làm gương cho thế hệ trẻ. Đạo đức và phẩm chất của VĐV là một tiêu chí rất quan trọng để chúng tôi lựa chọn các võ sĩ”.

Nhưng theo quan điểm của Logan, một võ sĩ chỉ ăn bám bố mẹ để mưu cầu thành công thì còn quái gì là sĩ diện hay tinh thần thượng võ? Hơn nữa, kinh doanh mại dâm đâu phải bất hợp pháp tại quốc gia của anh. Nghĩ là làm và nhờ sự đầu tư của anh bạn nối khố Hugo Phillips, Logan tạm thời nghỉ luyện tập để mở một nhà thổ rất hoành tráng vào tháng 07/2009 ở thành phố quê hương anh, Auckland.

Nhân viên trong nhà thổ của Logan có trẻ trung (trên 18 tuổi), có trung niên, có cả những “quý bà” và nhiều người trong số họ thậm chí đã hoặc đang là người mẫu có nhu cầu kiếm thêm thu nhập. Nhưng ngoài điều kiện đẹp mê hồn, tất cả nhân viên của Logan còn phải đáp ứng được điều kiện nhã nhặn, lịch sự trong phong cách phục vụ.

Nhưng không phải khách làng chơi nào cũng có thể đặt chân được vào nhà thổ của ông chủ Logan. Bởi mục tiêu kinh doanh của tay võ sĩ Taekwondo này là “đại gia”. Còn những khách làng chơi có tinh thần ủng hộ thể thao nhưng không có nhiều tiền? Xin lỗi, các anh vui lòng ra phố đèn đỏ bình dân mà chơi. Thực vậy, mỗi lần qua đêm trong nhà chứa hiện đại của Logan, các “thượng đế” phải bỏ ra tới 2.500 USD và dù có là “tàu nhanh” cũng phải mất 1.000 USD.

Đủ là nghỉ

Việc Logan mở nhà thổ vì giấc mơ Olympic London 2012 khiến các “đại gia” lắm tiền nhiều của động lòng nên cứ... ghé qua “ủng hộ” liên tục, giúp công việc kinh doanh “mát mẻ” của anh rất “thuận chèo mát mát”. Logan từng tuyên bố hay quảng cáo thế này: “Tôi không nói điêu, nếu những ai từng trải qua các khu đèn đỏ nổi tiếng trên thế giới thì chắc chắn họ phải nói dịch vụ của tôi là số 1”.

Bố mẹ của Logan lúc đầu phản đối, nhưng sau đó cũng hài lòng vì hóa ra cậu bé mê “The Karate Kid” của họ thuở nào không chỉ biết vật lộn trên võ đài mà còn giỏi cả vật lộn trên lĩnh vực kinh doanh. Logan cho biết: “Cũng như rất nhiều người khác, mẹ tôi đã phản đối dữ dội. Nhưng sau khi đến nhà thổ của tôi, gặp gỡ các cô gái của tôi thì bà nhận thấy họ cũng là những con người bình thường muốn kiếm tiền để mưu sinh. Hơn nữa tôi cũng đối đãi họ rất hậu hĩnh”.

Khi mở nhà thổ, Logan chỉ hy vọng kiếm được 300.000 USD để đến London 2012. Vậy tay võ sĩ Taekwondo này kiếm được bao nhiêu trong ngành công nghiệp tình dục? Logan từ chối tiết lộ, nhưng theo một số nguồn tin từ báo chí New Zealand, số tiền bán nhà thổ vào đầu năm 2011, cộng với khoản kiếm được trong hoạt động hơn 1 năm cũng đủ cho VĐV 26 tuổi này tham dự Olympic đến năm... 62 tuổi.
Tại Olympic London, khi được hỏi liệu Logan có tiếp tục mở nhà thổ một lần nữa thì anh trả lời: “Không, như thế là đủ rồi. Công việc đó rất phức tạp”.

Logan Campbell không phải VĐV người New Zealand duy nhất liên quan đến nghành công nghiệp tình dục để nuôi giấc mộng Olympic. Trong quá khứ, để đến được Olympic Barcelona 1992, nữ kình ngư Toni Jeffs đã phải nhận tiền tài trợ của một CLB thoát y vũ. Thậm chí năm 1999, VĐV đua xe đạp Nicole Tasker còn phải “trần như nhộng” mua vui cho khách trong các hộp đêm để lấy tiền nuôi giấc mộng huy chương ở Olympic Sydney 2000.