Ly kỳ chuyện lính Mỹ đào ngũ sống tại Triều Tiên
Thứ ba, 28/05/2013 14:21

Năm 1962, một lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đã đào ngũ sang Triều Tiên và sống tại thủ đô Bình Nhưỡng cho đến tận ngày nay

James Joseph Dresnok tại Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên - Ảnh: BBC

James Joseph Dresnok tại Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên - Ảnh: BBC

Tờ Guardian đăng tải câu chuyện về người lính Mỹ này vào hôm 26/5.  

Theo tờ Guardian, James Joseph Dresnok, 67 tuổi, sinh ra tại thành phố Norfolk, bang Virginia (Mỹ). Cha mẹ li dị khi ông mới 9 tuổi. Sau đó, cha ông bỏ rơi ông và Dresnok trở thành trẻ vô thừa nhận. Học đến trung học thì Dresnok bỏ ngang và đăng ký gia nhập quân đội khi được 17 tuổi.

Ông phục vụ hai năm ở Tây Đức. Giải ngũ, Dresnok phát hiện vợ mình đã bỏ đi theo người đàn ông khác. Ông tái nhập ngũ và được điều tới Hàn Quốc vào đầu những năm 1960.

Vào ngày 15/8/1962, trong khi các đồng đội đang ăn trưa, Dresnok quyết định đào ngũ, băng qua bãi mìn dày đặc nằm giữa biên giới liên Triều, sang Triều Tiên.

Trước đó, Dresnok đang đối mặt với nguy cơ bị đưa ra tòa án binh vì tội giả mạo chữ ký chỉ huy để trốn trại gặp gỡ một người phụ nữ bản địa.

“Ông ta (chỉ huy của Dresnok) ra lệnh cho tôi gặp ông ấy lúc 3 giờ trưa. Đó chính là lúc tôi quyết định bỏ trốn. Tôi đi tìm cuộc sống mới. Thế là tôi vớ lấy một khẩu súng và đi về phía Vùng phi quân sự (DMZ). Dĩ nhiên là tôi có biết về bãi mìn tại đó. Tôi đã nghĩ có thể mình sẽ mất một chân vì mìn, nhưng tôi cứ thẳng tiến”, Dresnok nói.

“Nghe có tiếng la đằng sau: “Dresnok, đứng lại!”, tôi liền bắn đại một băng đạn để dọa họ. Tôi chẳng còn luyến tiếc gì nữa”, cựu binh Mỹ cho hay.

Khi sang đến Triều Tiên, Dresnok bị bắt và giải về Bình Nhưỡng, nơi ông gặp ba người lính đồng hương khác cũng đào tẩu sang Triều Tiên.

“Lãnh đạo vĩ đại Kim Nhật Thành đã chăm sóc chúng tôi rất chu đáo”, Dresnok nói với Guardian, trong khi nhân viên giám sát người Triều Tiên của ông ngồi sát bên ghi lại từng lời ông nói.

Dresnok kể lại rằng những năm tháng đầu tiên sống tại Triều Tiên rất khó khăn.

“Khi mới tới đây, tôi không cảm thấy thoải mái, mọi người thấy chúng tôi thì cứ la lên rằng: “Lũ khốn người Mỹ kìa...”. Người dân ở đây được giáo dục phải ghét bỏ chủ nghĩa đế quốc ở Mỹ. Với những vụ đánh bom, họ đã giết hại bao nhiêu người rồi? Họ đã thảm sát người Triều Tiên. Vì thế, lẽ dĩ nhiên là người dân Triều Tiên phải ghét Mỹ”, Dresnok nói.

Trong thời gian sống lưu vong tại Triều Tiên, Dresnok đã kết hôn hai lần. Người vợ đầu là một phụ nữ Romania bí ẩn (luôn từ chối kể về thời gian sống cùng với Dresnok) và bà này đã qua đời, theo Guardian.

Sau đó, ông đi thêm bước nữa với con gái một cựu viên chức ngoại giao Triều Tiên.

Một trong ba người con trai của Dresnok tại Triều Tiên có dáng dấp của người Mỹ, mặc dù ông không thừa nhận chuyện này. Dresnok hy vọng mai sau cậu con trai này sẽ là một nhà ngoại giao Triều Tiên.

Dresnok tự nhận mình là một công dân Triều Tiên vì “tôi đã ở đây 46 năm rồi”.

“Cuộc đời tôi là ở đây. Vậy đã đủ chưa? Tôi sẽ được chính phủ Triều Tiên chăm lo cho đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng”, Dresnok cho hay.

Khi được hỏi có muốn quay về Mỹ không, Dresnok nói: “Thành thật mà nói thì có. Tôi muốn về thăm quê nhà. Nhưng làm sao mà tôi có thể về đó và khiêu vũ trước mặt chính phủ Mỹ khi mà họ đang vũ trang cho Hàn Quốc?”.

Tại Triều Tiên, từ một binh nhì vô danh tiểu tốt, Dresnok đã trở thành một ngôi sao màn bạc.

Trong thời gian từ năm 1978 đến năm 1981, Dresnok thủ vai người Mỹ hung ác trong bộ phim truyền hình dài 20 tập với nhan đề Những anh hùng vô danh do chính lãnh đạo quá cố của Triều Tiên Kim Jong-il đạo diễn.

Dresnok cho biết ông chưa bao giờ tự thấy mình là một kẻ phản bội tổ quốc. Đơn giản, theo ông, ông chỉ là một người trốn thoát đến một nơi sẽ giúp cuộc đời mình có mục đích hơn.

Với tư cách là một công dân Triều Tiên, Dresnok được hưởng mọi quyền lợi như các công dân khác, bao gồm một căn hộ do nhà nước cấp và dịch vụ y tế miễn phí.

Dresnok từng khẳng định sẽ không bao giờ đánh đổi cuộc sống của mình tại Triều Tiên với bất kỳ tài sản nào trên thế giới.

Một bộ phim tư liệu mang tên Vượt qua lằn ranh (Crossing the Line) hồi năm 2007 của đài BBC tiết lộ rằng Dresnok và ba người lính đào ngũ Mỹ khác đã tìm mọi cách để trốn vào một cơ quan ngoại giao Liên Xô vào năm 1966 và xin tị nạn. Nhưng họ bị từ chối và phía Liên Xô "trả" họ lại cho chính phủ Triều Tiên.

Thanhnien.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Triều Tiên , Lính Mỹ , Bình Nhưỡng , Lính Mỹ đảo ngũ , Hàn Quốc , James Joseph Dresnok , Hoa Kỳ