Lời nguyền của những pho tượng đất sét
Thứ ba, 13/03/2012 09:35

13 pho tượng được làm bằng đất sét nhuốm màu thời gian, nằm u tịch dưới tán rừng sa mộc (bản Suối Thầu, xã Bản Luốc, Hoàng Su Phì, Hà Giang) giờ vẫn như một lời nguyền về một thời mông muội mà dân bản nơi đây đã ngập chìm vào khói thuốc phiện.

Những pho tượng trong đền thờ đều mang những tượng trưng về loài quả anh túc

Bài học lớn trên khu đền Suối Thầu

Anh Minh lục tìm chùm chìa khóa khu đền thờ, rồi nhẹ nhàng mở cửa như sợ làm mạnh tay sẽ lay động đến những ánh mắt dữ dằn trên mỗi pho tượng. Cánh cửa đền vừa mở toang, ánh sáng tràn vào làm vạn vật trong không gian nhỏ bé đó trở nên huyền bí bởi sắc màu sơn son từng pho tượng.  Nơi thượng ngàn, có một khu đền thờ là điều dễ hiểu, bởi cuộc sống nương rẫy được mùa hay mất mùa, cho dù đều phụ thuộc vào con người, nhưng bao giờ cũng thế, lòng tin về một vị thần rừng che chở cho sự sống nơi gian khó lâu nay vẫn tồn tại trong lòng người dân bản.

Đền thờ ở bản Suối Thầu, xã Bản Luốc, Hoàng Su Phì, Hà Giang thì khác. Đó không chỉ là đền thờ thiêng của dân bản, mà còn như lời nguyền của người xưa. Ấy là khu đền thờ “vị thần thuốc phiện” nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi huyện Hoàng Su Phì. “Tất cả tượng đều được làm bằng đất sét. Cách đây không lâu được dân bản tu bổ lại, từ sơn cho đến những cánh cửa, ván bưng quanh đền. Tôi chỉ biết thời ông nội đã nói với bố tôi rằng, nơi này rất thiêng, phải làm sao gìn giữ để con cháu nhìn vào mà tránh. Đền thờ vị thần thuốc phiện nhưng theo người dân và bố tôi thường nói không phải tôn vinh thứ thuốc chết người mà để làm bài học cho con cháu của người xưa…”- anh Đặng Kim Minh nói.

Ông Đặng Kim Thoản, bố anh Minh là người trông nom đền từ khi ông nội anh mất, giờ ông Thoản ốm nặng, nằm bệt bên bếp nhà sàn chênh vênh trên sườn núi. Chúng tôi được anh Minh cho vào đền để thắp nén nhang, dâng lên tiền nhân sự kính trọng để được ghi những câu chuyện thật có trong khu đền này. “Tôi cũng chỉ nghe bố nói là đền thờ thuốc phiện, rất thiêng. Năm nào ngày lễ người dân khắp nơi cũng về dâng lễ cầu an. Khu đền đối với người dân Suối Thầu, còn như hương ước của bản để giáo dục con cháu…” - anh Minh cho biết. 13 pho tượng, mỗi pho một vẻ khác nhau. Cõi thiêng liêng bao giờ cũng gây một cảm giác rờn rợn. Bất chợt, ánh mắt dữ tợn từ một pho tượng tay cầm quả thuốc phiện quắc lên trong mắt người trực diện.

Khói nhang vừa thắp ngoằn ngoèo, uốn lượn qua mặt pho tượng vấn khăn rồi thoát lên không gian. “Đây là nhựa cần sa quánh thành bánh, trước đây màu nó đen sì nhưng giờ có màu vàng do người dân mới sơn lại” - chỉ một pho tượng tay nâng miếng gì đó, tựa hồ bánh dẻo - anh Minh cho biết. Sự tích thế nào thì anh Minh không nhớ nhiều, chỉ mang máng rằng, xưa kia nơi đây nhiều người hút thuốc phiện, đó là thời xa xưa lắm rồi. Lời truyền miệng từ xưa đến nay vẫn thế, ai nói về khu đền thờ cũng chỉ biết rằng đó là khu đền thờ vị thần thuốc phiện. Việc thờ không phải để tôn vinh những gì trong quá khứ, mà thờ để con cháu không vấp ngã phải con đường mông muội xa xưa mà người đi trước đã đắm chìm không lối thoát.

Vắng bóng hoa anh túc

Đường về xã Bản Luốc như “nấc thang lên trời”. Mỗi khúc cua trên cung đường từ Hoàng Su Phì đến xã Bản Luốc, dường như nâng con người lên độ cao khác nhau cho tới khi lẩn vào những mảng mây bảng lảng làm mờ tỏ cả đại ngàn sa mộc. Tôi đồ rằng, khoảng cách và tầm cao về địa lý xưa kia có thể là lý do chôn vùi biết bao cuộc đời vào khói thuốc phiện, hay vì khi ấy thứ cây quỷ quái đã mọc thành rừng hoang giữa đại ngàn để đưa con người trở thành những bóng ma rừng chết yểu. Giờ thì khác, hoa anh túc đã vắng trên nương xa gần, nhiều người lớn lên cũng chẳng hình dung được hoa anh túc sắc màu ra sao nữa. Người ta cũng chẳng cần biết loài cây đó để làm gì. “Thực ra ai cũng biết đó là khu đền thờ thuốc phiện. Nhưng vì cái tên thuốc phiện rất xấu, nên nhiều người chỉ nói đó là đền thiêng Suối Thầu. Còn đền có từ thời nào thì chẳng ai biết, chỉ có điều bản đã coi đó như hương ước, nếu ai vi phạm vào bất cứ điều gì, cũng phải đến đó gột rửa, thú tội để không bao giờ lầm lạc vào nữa, bất kể việc sai trái lớn bé” - Ông Đặng Văn Nam, Bí thư Chi bộ xã Bản Luốc cho biết.

Một thời, vùng rẻo cao Bản Luốc chìm ngập trong khói thuốc phiện. Người già, người trẻ, nam, nữ dùng thuốc phiện thay cơm bữa. Khói thuốc phiện như những đám mây giăng mù mịt rừng sa mộc trên thượng ngàn. Bản làng say khói thuốc, như người lạ say mây gió trên “nấc thang trời”. “Giờ bản Suối Thầu được vinh danh bản văn hóa. Người nghiện trong bản tìm khó như nước trên ruộng bậc thang mùa khô. Ai cũng biết trồng cái cây ấy là gây hại cho bản, hút cái khói ấy là giết chết bản. Chẳng ai làm việc xấu ấy nữa từ lâu rồi” - Trung úy Thảo Seo Lử - Công an phụ trách xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì khẳng định. Là chiến sĩ trẻ, lại là dân gốc ở Hoàng Su Phì, nên anh Lử hiểu và nắm bắt tình hình rõ như cây sa mộc hiểu đất cằn.

“Người trở về đền thờ Suối Thầu như để cảm tạ những vị thần linh thiêng đã cảnh báo cho thế hệ hôm nay không vấp phải những làn khói mê muội sức mạnh và lòng tin của người dân đối với khu đền thờ thiêng, đã được chuyển hóa thành những bài học phòng ngừa nói với thanh niên trong bản về tác hại của thuốc phiện gây nên…” - Trung úy Thảo Seo Lử, hiểu rằng, ở nơi một thời chìm đắm trong khói thuốc phiện, nếu giáo dục không tốt, những dư âm của nó, mặc dù rất xa cũng có thể trở lại gây hại cho thế hệ trai tráng trong xã, trong bản hôm nay. Bởi thế, giữ khu đền thờ để những pho tượng được làm bằng đất sét trong đền thờ luôn chứng giám và trừng phạt kẻ làm điều sai trái, gây xấu cho dân bản. Sự trả giá cho một thời ngập chìm trong khói thuốc phiện, đã được tiền nhân đúc kết thành bài học cho thế hệ sau từ những pho tượng mang trên tay “bùa ác”. Người già trong bản nói rằng, những miếng nhựa thuốc phiện tượng trưng trên tay các pho tượng là để nói rằng, nếu muốn con người chết chóc, hủy hoại dân bản hãy dâng loài nhựa ma quái, đó là cách tận diệt dân bản của người bị  ma rừng trừng phạt.

“Tích thiêng về đền thờ chẳng ai lý giải được. Ngày xưa bố tôi chỉ nói nơi này từng là “vương quốc” của cây thuốc phiện, nhưng mà cách đây hàng mấy trăm năm rồi. Thuở ấy, nơi đây là đồng bào Mông ở. Bây giờ thì chỉ có người Dao áo dài và đồng bào Tày thôi” - anh Đặng Hồng Cánh, Chánh văn phòng UBND xã Bản Luốc cho biết. Nhà anh Cánh ở gần khu đền thờ. Anh thừa nhận đó là khu đền thiêng, bằng chứng là chính bố anh Cánh đã đổ bệnh vì làm việc không hay. Cách đây không lâu, ông Đặng Văn Hu mang khóm luồng trồng chính diện cửa đền thờ. Ít ngày sau, cây gạo cổ thụ trước đền, bỗng dưng quật đổ vào nhà ông Hu. Ông Hu đã lấy cưa cắt một khúc cành về bổ máng lợn. Cả đàn lợn lăn ra ốm rồi chết, ông Hu cũng ốm theo đến kiệt sức phải làm lễ tạ với vị thần linh trong đền. Từ bấy, dân bản càng sùng tín. Đặc biệt, những đêm trăng suông, bên cánh rừng gần khu đền phát ánh sáng lạ thường, thì sau vài ngày bản ắt sẽ có chuyện, thường là chuyện buồn. “Những người biết chuyện đó, kể với nhau, rồi tôi từng chứng kiến vệt sáng phát ra vào đêm khi tôi đi từ ủy ban xã về. Sau 2 ngày nhìn thấy, một cụ trong bản qua đời…” - anh Cánh khẳng định.

Cho đến bây giờ bức màn bí ẩn về những pho tượng đất sét trong khu đền thờ trên đỉnh Suối Thầu chỉ được vén mở trong câu kể của người dân. Một khu đền thiêng hàng nghìn năm tuổi nằm ẩn khuất dưới tán cây rừng, trên đỉnh núi cao nhất này, vẫn mang đậm triết lý và lời dạy của tiền nhân.

ANTĐ
Tag: Lời nguyền , Tượng đất sét , Hà Giang , Tâm linh , Văn hóa , Bí ẩn , Chuyện chưa từng kể