Khoảng ba năm trở lại đây hàng ngàn hộ dân xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trở nên giàu có, thành tỷ phú nhờ trồng cam sành.
|
Ông Huỳnh Văn Liệt và con gái thăm vườn cam - Ảnh: Ngọc Hậu
Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều nơi nông dân điêu đứng vì cam sành, còn nông dân ở Tam Ngãi đua nhau làm giàu như vậy?
Xã tỉ phú
Đặt chân đến địa bàn xã Tam Ngãi, chúng tôi đã nhìn thấy những vườn cam bạt ngàn. Men theo các con đường bêtông vào sâu trong ấp, hai bên đường cũng là cam và cam. Có thể phải dùng từ “rừng cam” mới diễn tả được không gian Tam Ngãi vì xã này có diện tích tự nhiên 1.400ha, nhưng có xấp xỉ 1.000ha đất trồng cam sành.
Một trong những người đầu tiên trồng cam sành và giàu nhất nhì xã này là ông Hai Sang (Huỳnh Văn Sang) ở ấp Bưng Lớn B. Người dân địa phương coi Hai Sang là “chuyên gia” vì ông giúp họ kỹ thuật chọn giống, xử lý ruộng thành vườn trồng cam, kỹ thuật trồng sao cho chỉ thắng chứ không bại như nơi khác. Ông Hai Sang có 9,5 công đất trồng cam sành hơn ba năm nay. “Năm 2009 tui kiếm được 1 tỉ đồng. Năm 2010 tăng lên 1,7 tỉ đồng, còn năm 2011 vừa qua chỉ có 1,2 tỉ đồng thôi. Tui đang học lái xe để chuẩn bị mua ôtô nè” - Hai Sang tiết lộ.
Vào xã Tam Ngãi không chỉ nhìn thấy cam sành mà chúng tôi còn bị mê hoặc bởi nhiều căn nhà mới xây hoành tráng. Biệt thự của ông Huỳnh Văn Lẫm nổi bật giữa vườn cam bạt ngàn còn thơm mùi sơn. Ông Lẫm nói nhờ cam sành mà ông cất được căn nhà này. Ông Lẫm có 1,1ha đất trồng cam từ năm 2004. Từ năm 2007 đến nay năm nào ông cũng bỏ túi ít nhất 1 tỉ đồng. Khi vườn cam này bắt đầu già cỗi, ông thuê 5ha đất trồng mới. Năm 2011 ông thu về gần 2 tỉ đồng.
Ở gần đó, hộ ông Huỳnh Văn Liệt dù đi thuê đất trồng cam nhưng cũng trở thành tỉ phú. Năm 2006 ông thuê 1ha đất trồng cam. Hai năm sau ông lời được 200 triệu đồng. Đến nay vườn cam này đã đưa ông vào hàng tỉ phú của xã Tam Ngãi.
Đổi đời
Ông Huỳnh Văn Liệt cho biết trước đây gia đình ông bỏ quê lên TP.HCM làm ăn từ lâu, nhưng khi nghe tin nhiều người dưới quê đã phất lên nhờ cam sành nên năm 2005 vợ chồng ông trở về thử sức. Ông gom góp tiền thuê được 5 công đất trồng cam và nhờ những người có kinh nghiệm hướng dẫn nên trồng đâu trúng đó. Đến nay ông đã có tiền thuê tới 4,3ha đất trồng cam. Kế hoạch sắp tới của tỉ phú này là mua đất mở trang trại cam sành cho mình.
Còn bà Nguyễn Thị Nhàn (63 tuổi) cho biết trước đây cũng lên Sài Gòn bán vé số, bán tạp hóa kiếm sống nhưng rồi bà cũng quay về thuê đất trồng cam như ông Liệt. Nhờ ông Hai Sang tận tình giúp đỡ kỹ thuật, hiện giờ vườn cam bà Nhàn rộng 4.000m2 đang phát triển rất tốt. Vài tháng nữa bà Nhàn sẽ thu hoạch lứa đầu tiên. Bà tự tin sẽ ở lại quê hương để làm giàu.
Bí quyết của nông dân Tam Ngãi
Ông Hai Sang cho biết cam sành không phải loại cây dễ trồng. Ngay trong giai đoạn cây cam sành gục ngã ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL vì bệnh vàng lá gân xanh thì ông bắt đầu trồng. “Phải liều, phải dám lao vào cái khó mới có nhiều cơ hội” - Hai Sang nói.
Nghĩ là làm, Hai Sang bắt tay vào cải tạo vườn tạp, bỏ ruộng lúa lên liếp trồng cam sành. Trồng được một thời gian, vườn cam của ông bị đủ thứ bệnh, còi cọc, vàng quạch. Ông tự mày mò tìm hiểu, thử nghiệm các loại thuốc trị bệnh và ghi chép kỹ càng. Thậm chí ông còn đào gốc cây lên xem dưới rễ thế nào. Cuối cùng ông cứu được vườn cam của mình. Từ những lần thất bại, ông đã tích lũy được kinh nghiệm trồng cam. Nhờ vậy mà ông ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có chi phí cũng thấp hơn người khác rất nhiều.
“Quan trọng nhất là phải chọn cây giống sạch bệnh để trồng. Ham rẻ, mua nhầm cây bệnh thì vừa tốn kém, vừa mất thời gian trồng lại. Phải chịu khó nghiên cứu tìm hiểu kỹ thuật, chăm sóc kỹ, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Bí quyết của tôi chỉ có vậy thôi” - Hai Sang nói.
Theo Hai Sang và những nông dân tỉ phú cam ở Tam Ngãi, sở dĩ họ thành công là nhờ khống chế được khắc tinh của cam sành là con rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá gân xanh. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên hễ vườn cam bị bệnh thì coi như phải đốn bỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vườn cam sành ở ĐBSCL biến mất vừa qua. Ông Hai Sang đã bỏ công nghiên cứu đường đi nước bước của con rầy này. Biện pháp giăng lưới xung quanh vườn cam không cho rầy xâm nhập đã mang lại thành công. Năng suất cam của ông Hai Sang có lúc đạt tới 70 tấn/ha. Hiện ông trồng 3,2ha, năng suất ước tính gần 200 tấn. Những hộ trồng cam ở Tam Ngãi cũng áp dụng kinh nghiệm của Hai Sang và thành công.
Chúng tôi hỏi: “Ở các tỉnh khác đã khống chế được rầy chổng cánh bằng cách trồng xen ổi. Thế nhưng năng suất thấp hơn ở Tam Ngãi, lợi nhuận cũng không bằng ở đây. Vì sao vậy?”. Ông Hai Sang cười khà khà: “Ở Tam Ngãi may mắn có nước ngọt quanh năm nên nông dân chúng tôi xử lý cho cam ra trái nghịch vụ. Giá cam sành trong vụ 5.000-7.000 đồng/kg, trung bình 25 tấn/ha chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi thu hoạch trái vụ gặp thời điểm giá cam tới 37.000 đồng/kg, năng suất 50-60 tấn/ha thì thu tiền tỉ là đương nhiên”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%