Kỳ bí chuyện về “chúa sơn lâm” và những phận đời lạ lùng nơi rừng xanh Tây Bắc
Thứ năm, 02/05/2013 17:32

Lỳ Xừ Há nhiều lần tay không đánh chết hổ lớn và được bà con phong là “ông Hổ”. Cho đến bây giờ, ông vẫn giữ kỷ lục là người duy nhất vào hang bắt cọp.

Vợ chồng ông Chang Gố Chừ, ông Chừ có mẹ đẻ và con gái bị hổ ăn thịt cùng một lúc

Vợ chồng ông Chang Gố Chừ, ông Chừ có mẹ đẻ và con gái bị hổ ăn thịt cùng một lúc

 Về sau, “ông Hổ” đã đem con hổ Ma Ký nhà mình tặng cho Vườn Bách thú Thủ Lệ tại Hà Nội suốt 22 năm (1971 – 1994).

2 bà cháu bị hổ ăn thịt

Năm 2002, tôi quyết định dành 15 ngày ròng rã đi bộ vào cột mốc số 0 – ngã ba biên giới A Pa Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Trước khi tôi leo lên được Thập Tầng Đại Sơn hùng vĩ với biểu tượng cột mốc ba cạnh, mới chỉ có đôi ba người từng chinh phục được dải rừng hoang của khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam (Mường Nhé, rộng 3000.000 ha) này.

Bà con vùng đất tam biên (ở gần biên giới của ba nước) sống rất tình nghĩa. Nam nữ cứ hồn nhiên tắm đầy con suối đầu bản mỗi chiều. Tôi đi đâu cũng có một cán bộ công an mặc thường phục đi cùng. Đến một bản nào đó, tôi cứ tự tin bước vào bất cứ nhà nào, hộ không có cửa rả, không có xe cộ ngoài mấy con ngựa buộc ở dốc cây vả. Tôi vứt đồ đạc đó, treo áo lên vách, rồi đi chơi, đi tắm suối. Chủ nhà về, thấy có tư trang hành lý, thấy áo cán bộ treo đó, tự khắc họ biết rằng nhà mình có khách quý, họ nấu cơm và đi lang thang khắp bìa rừng hú gọi “thằng cán bộ về nhà tao ăn cơm”.

Trong những ngày đó, một bố già ở Sín Thầu đã giết bò làm lễ đặt tên Hà Nhì cho tôi là Lỳ Sé Hoàng. Rồi Đồn trưởng Leng Su Sìn – anh Thành Đô (quê Thái Bình) cùng ông lão người Hà Nhì là Sừng Chừ Cà dẫn tôi vượt suối lớn Păng Pơi đi thăm nhà ông Chang Gố Chừ. Ông Chừ có mẹ đẻ là bà Chang Hà Pư, bị hổ ăn thịt lúc 49 tuổi. Đau đớn hơn, cô con gái 13 tuỏi của ông Chừ cũng bị chính đàn hổ dữ đó ăn thịt vào ngay ngày hôm đó.

Lần ấy, đàn hổ đã ăn thịt cháu bé 13 tuổi con ông Chừ, chỉ để lại duy nhất cái… xương sọ. Riêng bà Chang Hà Pư, không một mảnh vải che thân, hổ chỉ cắn đứt cổ, giết chết bà rồi không ăn thịt miếng nào. Chúng phủ lá xanh lên xác bà. Bà con tin rằng lũ hổ đó đã thành tinh. Chính cán bộ Đồn biên phòng Leng Su Sìn (nay là Đồn 405, Điện Biên) đã gài bẫy súng. Lũ hổ bị tiêu diệt.

Cũng từ đấy, trong “bản đồ” vùng ngã ba biên giới có một cái khe suối tang thương, huyền bí, ma mị khét tiếng dân gian: Khe Hai Bà Cháu như là cái cách để người ta tưởng nhớ tới hai bà cháu bị hổ ăn thịt. Khe nước giờ đây vẫn trong vắt. Sở dĩ muông thú tụ hội ở đó rồi bị thợ săn tiêu diệt, hay chúng ăn thịt người như lũ hổ kể trên, là bởi vì khe nước có chứa khoáng chất. Bờ khe có các hòn đá chứa muối. Thú liếm nhẵn các hòn đá để tìm muối, tìm khoáng chất. Già làng Pờ Sỹ Tài ở bản Tả Kho Khừ bên cạnh sinh thời kể rằng thú về nhiều, ông chỉ cần đứng trên đỉnh núi, bê đá ném xuống khe, đã giết được con nai, con hươu về chia đều cho dân bản.

Khe Hai Bà Cháu nơi diễn ra cảnh hổ ăn thịt người thảm khốc (Ảnh minh họa)

Cuối tháng 4/2013, trung tá Đồn trưởng Đồn biên phòng Leng Su Sìn, anh Nguyễn Bá Trìu dẫn tôi trở lại gặp ông Chang Gố Chừ. Năm nay đã 73 tuổi, dân bản vẫn quen gọi ông là “ông Mốc”, bởi da thịt ông nhiều chỗ tróc lở, nhìn như một khúc gỗ mục mốc cũ. Nhiều cán bộ cắm bản thì gọi ông là “ông Hai Bà Cháu”. Chuyện buồn nhà ông Chừ, bản làng thế hệ ấy, rất nhiều người còn sống đều biết. Vợ ông Chừ cùng tuổi với ông, bà cụ vận khăn áo Hà Nhì truyền thống, gương mặt góc cạnh và khắc khổ. Bà nói tiếng Hà Nhì liền tù tì, âm sắc mạnh, nó càng rổn rảng hơn khi bà vừa nói vừa khóc.

“Tôi nhớ rõ hôm đó là ngày 19/8/1978. Mẹ Hà Pư của tôi cùng con gái tôi 13 tuổi tên là Chang Bố Sừ đi làm cỏ sắn ở đám ruộng trên sườn núi trước nhà. Mẹ vặc váy áo Hà Nhì. Con gái tôi mặc váy đẹp do các đồng chí biên phòng may cho. Buổi chiều làm cỏ xong mẹ Hà Pư và con gái tôi mới xuống suối Păng Pơi để tắm, con gái tôi vừa trút bỏ váy áo. Hổ cắn đứt cổ mẹ tôi, khi bà vừa bước sang tuổi 49. Con gái tôi bị hổ ăn thịt chỉ còn duy nhất cái sương sọ.

Tôi không thấy mẹ và con gái về nhà, đi tìm thì nhặt được cái khăn, cái váy của mẹ tôi, của con gái tôi, mỗi thứ một nơi. Đi theo vết máu thì tôi nghe thấy tiếng ồ ồ rất to, rõ ràng là tiếng một đàn thú dữ đang cắn xé, tranh giành nhau “con mồi”…".

(Còn nữa...)

Đỗ Doãn Hoàng (TTĐS)

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Hổ dữ , Chúa sơn lâm , Chúa rừng xanh , Phóng sự xã hội , Hổ ăn thịt người