Một ngày trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian thoáng.
Năm 2008, tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng mang tên Đại tướng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: hanhtrinhvietnamxanh.com |
Ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La không ai là không biết đến khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà người trong vùng vẫn gọi bằng cái tên thân mật: “Rừng ông Giáp”. Là khu rừng rậm rạp, ít người lui tới nên muốn vào thăm, ai nấy đều phải gõ cửa ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cạnh suối Bùa để được nghe chỉ dẫn.
Men theo con đường mòn nhỏ dốc đá trơn trượt, bạn sẽ được chủ nhân của ngôi nhà gỗ, đồng thời là người giữ rừng kể lại câu chuyện năm xưa. Trong lần hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.
Vốn có tên gọi là rừng bản Nhọt nhưng với lòng kính trọng, biết ơn và cảm phục công lao của Đại tướng, người dân địa phương đã gọi khu rừng này là "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp" như một cách để con cháu luôn nhớ về nơi Đại tướng đã dừng chân. Vẫn là những con đường rêu đá nhỏ hẹp, lúc lên, lúc xuống, nhưng qua câu chuyện kể đồng hành, bước chân lữ khách như chững lại, để rồi hình dung về quãng đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên của đoàn quân năm xưa.
Lội qua con suối Bùa là con đường dẫn lên phía đỉnh núi Dưn. Từ đây nhìn xuống có thể thấy những hố đất sâu hoắm nham nhở dọc sườn núi, dưới những tảng đá, khe vách, gốc cây cổ thụ. Theo người dẫn đường, ở khu vực này xưa kia có rất nhiều hầm, hang trú ẩn do bộ đội đào khi dừng chân ở đây.
Cây cổ thụ trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vov
“Rừng ông Giáp” hiện có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ. Không giống như nhiều khu rừng khác chỉ còn gỗ tạp, dây leo, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Một góc khác là cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ lâu năm, là những cây pơ mu cao hàng chót vót, thẳng đứng lẫn trong làn sương mờ ảo.
Trong không gian tĩnh lặng của rừng già, văng vẳng bên tai là tiếng suối Dưn chảy róc rách đêm ngày như lời nguyện từ năm xưa vọng lại. Đây là nơi trú quân đầu tiên trong rừng bản Nhọt. Dọc theo các con suối khác trong rừng cũng được Tướng Giáp chọn đóng quân: đài quan sát trên đồi suối Hiền, trạm quân y dã chiến bên dòng suối Bùa và đặc biệt là trên ngọn suối Tắc Tè bên sườn đồi Tang Tú - nơi đặt sở chỉ huy mà Đại tướng dừng chân, đến nay vẫn còn hiện hữu.
Suối trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vtc
Một ngày bách bộ, vượt dốc, lội suối trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân rầm rập, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh được bảo vệ bởi bàn tay và tấm lòng của những người Mường.
Khu rừng cấm càng trở nên linh thiêng sau sự ra đi của vị Tướng già vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Nhiều người đã tìm đến đây chỉ để thắp một nén nhang tỏ lòng thành kính và tiếc thương vô hạn với người Anh Cả, rồi lặng lẽ đi vào sâu trong rừng như một cách hồi tưởng về Đại tướng. Khu rừng như ngôi “đền xanh” để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Đại tướng cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm nào.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?