Hướng tới Olympic 2012: Chờ đợi bất ngờ từ đô vật Nguyễn Thị Lụa

Trong đội tuyển vật, Nguyễn Thị Lụa để lại sự nể phục với các đồng đội về ý chí vươn lên.

Cái tên Nguyễn Thị Lụa gợi lại nhiều kỷ niệm buồn tại đấu trường SEA Games, khi 3 lần tham dự liên tiếp, hạng cân 48kg đều bị hủy trước giờ thi đấu vì các đối thủ đồng loạt bỏ cuộc do Lụa quá mạnh. Gạt đi nỗi đau đó, Lụa đã quyết chinh phục sân chơi lớn hơn, đó chính là Olympic.

Trong đội tuyển vật, Nguyễn Thị Lụa để lại sự nể phục với các đồng đội về ý chí vươn lên. Ngoài tài năng, Lụa trở nên nổi tiếng khi cả 3 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, các đối thủ đều đồng loạt bỏ cuộc vì Lụa quá mạnh, khiến đô vật gốc Hà Tây (nay là Hà Nội) vẫn chưa thể có tấm HCV khu vực. Đó thực sự là một nghịch lý bởi Lụa từng nhiều lần giành huy chương ở các giải tầm cỡ châu lục. Bao nhiêu công sức tập luyện hàng năm trời chờ đến ngày lên đường để chỉ mong một lần bước lên đỉnh cao nhất bỗng đổ xuống sông xuống biển. Không cầm nổi nước mắt tiếc cho công sức của những ngày tháng tập luyện vất vả, Lụa khóc như trẻ con nhưng sau mỗi lần như thế, Lụa đều đứng dậy mạnh mẽ.

Còn nhớ sau SEA Games 25 với những giọt nước mắt tức tưởi vì bị BTC nước chủ nhà hủy hạng cân 48kg nữ, Lụa đã gạt qua nỗi buồn để quyết phục thù tại Asiad 1 năm sau đó. Sự quyết tâm đã giúp Lụa xuất sắc mang về tấm HCB tại Quảng Châu cho đoàn TTVN. Tấm HCB có thể coi là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của đô vật người Hà Nội này nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó.
Ở đội tuyển vật, Lụa được xếp vào nhóm đàn em, nhưng sức chiến đấu, ý chí vươn lên thì không ai sánh kịp. Nếu như tại Quảng Châu, ít ai biết Lụa vừa ốm vừa thi đấu thì tại vòng loại Olympic vừa rồi, Lụa cắn răng với chấn thương vai để đi tới trận cuối cùng. Ngay sau khi về nước, đô vật người Hà Nội này lập tức được đưa tới bệnh viện để kiểm tra chấn thương.

Một lần nữa, cái tên Nguyễn Thị Lụa lại được nhắc đến. Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó, nhưng cũng như bao VĐV có hoàn cảnh khó khăn khác, ý chí vươn lên đã sớm được tôi luyện ở Lụa. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, đã giúp Lụa đạt được giấc mơ tham dự Olympic của mình.

Như vậy là sau hơn 1 thập kỷ, môn võ mũi nhọn của thể thao VN là vật mới đạt được giấc mơ cháy bỏng. Nguyễn Thị Lụa chính là đại diện cho lớp trẻ Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ để khẳng định tên tuổi của mình trên đấu trường quốc tế. Tấm vé tham dự Olympic mà Lụa giành được, đến từ sự kiên trì, khát khao chiến thắng và đặc biệt là một “ý chí thép” tuyệt vời không lẫn vào đâu được. Tuy nhiên, chắc chắn Lụa không muốn dừng lại ở đó. Phía trước cô, sẽ là một ngọn núi rất cao, cao hơn tất cả những ngọn núi mà Lụa đã vượt qua. Một lần nữa, tài năng, nghị lực, ý chí của Lụa tiếp tục cần được thể hiện và biết đâu, vật VN sẽ lại có tin vui?

Thiệt thòi đến thế là cùng!

So với những VĐV đoạt vé bằng cửa chính thức, Lụa được xem là người chịu thiệt thòi nhất. Suốt 4 tháng chuẩn bị cho Olympic, Lụa chỉ có một vài chuyến tập huấn nước ngoài ngắn ngày, không hề được chuyên gia ngoại dẫn dắt. Điều đáng nói, kế hoạch thuê HLV ngoại cho Lụa đã có từ sớm nhưng vì những lý do khác nhau mà 3 lần HLV người Triều Tiên đã không thể sang VN. Báo hại cho Lụa, việc cứ phải ngóng trông thầy mà các kế hoạch tập huấn của cô cũng bị phá sản theo. Đáng nói hơn, khi mà chuyên gia Triều Tiên liên tục thất hứa, Lụa vẫn không được tìm chuyên gia khác, dù số tiền cũng chỉ ở mức 2.000-2.500 USD. Không có HLV ngoại, Lụa buộc phải tập với các HLV nội. Với sự đầu tư cho 1 VĐV Olympic như vậy, nếu một nhà quản lý nào đó đòi hỏi thành tích cao từ lụa, quả thực là nghịch lý. Đúng là thiệt thòi đủ đường.