Giang hồ cũ ở thị trấn Buồn - Malaysia (Kỳ 1)
Thứ sáu, 12/12/2014 11:14

Sau nhiều ngày tiếp cận đã cũng lần ra đường dây "đen" chuyên đưa người Việt sang Malaysia bằng đường bộ. Với mỗi vé đi lậu chỉ tốn 20 triệu VND/1 người không hộ chiếu.

Hệ thống sòng bài (Ảnh minh hoạ)

Hệ thống sòng bài (Ảnh minh hoạ)

Kỳ 1: Đối diện một tạ cơ

Qua sự giới thiệu của Xiu Lee – Một người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại Malaysia – tôi có cơ hội làm quen với Hitam – một tạ cơ (đại ca) thuộc đẳng cấp rồng ở thủ phủ Kuala Lumpur. Nhờ vậy, khi vừa đặt chân xuống sân bay Kuala Lumpur tôi được một gã Taxi Jopstreet là thuộc hạ của Hitam vẫy bảng chào đón. Taxi Jopstreet là loại hình đặt vé qua mạng rất thịnh vượng tại đất nước Hồi giáo này từ nhiều năm nay.

Gã taxi kính cẩn cúi người chào rồi lặng lẽ đưa hành lý lên xe, lẳng lặng lái xe như một bóng ma câm lặng. Gần 2h lái xe, gã không hề thốt một tiếng, thậm chí tảng lờ mọi câu chào hỏi của tôi. Sau này khi tiếp cận sâu với một số nhân vật trong thế giới ngầm tôi mới biết, gã taxi là một người tuân thủ luật tuyệt đối. Tuy nhiên, đó không phải là luật của hệ thống chính quyền mà là thứ luật menutup, tức “luật im lặng”. Ở Malaysia, không chỉ riêng giới anh chị xài menutup mà giới pháp sư ngoại giáo của đạo Hồi và một số nhóm người Maley (người Malay bản địa) cũng sử dụng. Luật menutup xuất hiện từ thời Bồ Đào Nha chiếm đóng Malay làm thuộc địa (năm 1511). Khi đó bán đảo Malay hình thành 3 thế lực liên tục tranh giành quyền thống trị gồm thực dân Bồ Đào Nha, Vương quốc  Jonor và Vương quốc Aceh. Từ dấu mốc lịch sử đó, để bảo vệ cộng đồng một số sắc dân Maley có thói quen giữ im lặng. Dần dà, thói quen đó trở thành thành ngữ “không nói về mình nếu không bị tra khảo”. Thành ngữ đó được cô đọng lại thành một từ: Menutup. Ngoài nghĩa “câm lặng để giữ bí mật”, menutup còn ẩn một nghĩa khác là  “nếu tiết lộ bí mật của chúng ta, mày sẽ bị hành hung”.

Bây giờ, luật menutup trở nên hữu dụng đối với những băng nhóm sống ngoài vòng cương toả của pháp luật.

Gã taxi đưa tôi đi xuyên quan trung tâm thành phố Kuala Lumpur náo nhiệt, xuyên qua 2 ngôi làng thưa thớt dân cư để đến thị trấn Rawan mà người dân bản địa kiên quyết gọi là “Rawang”. Rawan có nghĩa là thị trấn buồn nhưng luôn náo nhiệt bởi nó nằm giữa 3 cụm dân cư của 4 sắc dân: Hoa, Ấn, Maley và Myanmar.

Chiếc taxi dừng trước một ngôi nhà nhỏ giữa một khu phố sầm uất của người Malay gốc Hoa. Đó là nơi ta cơ Hitam trú ẩn.

Xiu Lee đứng đón tôi ngay tại cửa. Phía sau cô ta là một gã đàn ông ăn mặc rất bảnh bao. Đó chính là Hitam. Không chỉ sở hữu một thân hình đậm chắc, dáng vẻ mạnh mẽ vững chãi của một võ sư karate thất đẳng, Hitam còn có cặp mắt mang thần thái của loài chim đại bàng săn mồi. Ánh nhìn của Hitam khiến tôi hơi sởn da gà. Tuy nhiên, nụ cười thiếu răng của anh ta đã trấn an tôi rất nhiều.

Trong khi tôi, Hitam và Xiu Lee làm thủ tục hồ sơ giao thì gã taxi đưa hành lý của tôi vào nhà. Hitam ném 1 đồng loại 10 xu RM cho gã thuộc hạ. Xiu Lee cho tôi biết, 10 xu không mua được 1 điếu thuốc nhưng gã thuộc hạ sẽ giữ mãi bên mình vì đó là tiền “ban phước” của ta cơ. Trong thế giới ngầm, khi đàn em thực hiện một việc gì đó cho ta cơ đều được trả công. Thế nhưng, nếu ta cơ trả một số tiền tương xứng với công việc, gã đàn em sẽ không vui bằng nhận những đồng xèng có giá trị thấp. Với họ, đồng xèng được ta cơ ban tặng là tiền may mắn. Nếu có nhiều đồng may mắn như thế, gã sẽ không bị cảnh sát “bóc” (tiếng lóng ở Malay:bắt).

Hitam và Xiu Lee thết đãi tôi một bữa tiệc pakute (món ăn thuần tuý của Malay gồm chân gà, chân heo hầm) và bia, tất nhiên là có cả món “pha chẩy”. Pha chẩy là một loại ma tuý dạng kẹo chưa xuất hiện ở khu vực Đông Dương. Thấy tôi bối rối khi Hitam mời “kẹo” pha chẩy, Xiu Lee trấn an rằng, Hitam chỉ mời vì lịch sự, chứ bản thân ông ta cũng không sử dụng ma tuý.

Thấy tôi không sử dụng pha chẩy, Hitam đưa ngón tay cái chĩa lên trời tỏ ý hài lòng. Ông ta nhờ Xiu Lee phiên dịch rằng: Ở Kuala Lumpur loại giang hồ tép riu mới nghiện ma tuý. Hầu hết những đầu lĩnh của các băng nhóm đều kiêng khem loại độc dược huỷ hoại thần kinh này. Thuở Hitam còn là tép riu cũng nghiện ma tuý nhưng khi đã ngoi lên hàng ta cơ, ông ta tìm đủ cách để tự cai nghiện rồi đoạn tuyệt với ma tuý. Hitam bày tỏ quan điểm, mỗi khi cây kim giây của đồng hồ nhích 1 khắc là chốn giang hồ có 1 biến động, vì vậy người đầu lĩnh luôn cần bộ óc tỉnh táo để xử lý. Nếu cái đầu không tỉnh táo, người đầu lĩnh không chỉ hại bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến tất cả thuộc hạ. Vì vậy, ở Malay không có loại ta cơ nghiện ma tuý.

Ta cơ cũng không bao giờ để lộ hình xăm ra ngoài cho người khác nhận biết. Với Hatim, hình xăm là một biểu tượng của uy quyền trong băng nhóm. Nhưng khi xảy ra giao chiến với băng nhóm khác, kẻ mang hình xăm luôn được ưu tiên giết chết. Ngoài ra, ta cơ còn phải giao thiệp với người của chính quyền, đặc biệt là cảnh sát. Nếu mang thân hình dày đặc hình xăm, không có cán bộ nào dám đi chung thì làm sao tìm được những cuộc đàm phán. Đó là lý do, rất nhiều tép riu vừa bước lên hàng ta cơ đã bỏ ra hàng chục ngàn USD để xoá hình xăm.

Hitam kết luận: Ta cơ cần phải có bộ dạng của một doanh nhân chứ không cần bộ dạng của một gã đá cá lăn dưa ở đầu đường xó chợ.

(Còn nữa)

Nông Huyền Sơn (An ninh thế giới)

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: duong day den , buon nguoi , van chuyen nguoi qua Malaysia , giang ho cu o thi tran buon , buon lau , van chuyen ma tuy , song bai , tin , bai