Gian lận điểm thi ở Hà Giang: 5 bản án còn nhiều khúc mắc
Thứ bảy, 26/10/2019 20:37

HĐXX TAND tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ có việc đưa, nhận hối lộ

Ngày 25-10, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018, sau 4 ngày nghị án.

Cựu phó giám đốc sở chỉ lãnh án 1 năm tù treo

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang) là người chủ động đặt vấn đề đối với cấp phó là bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu phó Phòng Khảo thí) về việc nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh (TS). Sau khi Lương đồng ý, Hoài đã 3 lần chuyển danh sách tổng cộng 93 TS là con, cháu người thân trong gia đình, bạn bè để Lương trực tiếp sửa, nâng điểm thi, số điểm được nâng tương đối cao. HĐXX xác định trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài giữ vai trò chủ mưu.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án ngày 25-10

Quá trình thực hiện, một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của 309 bài thi để nâng điểm cho 107 TS, trong đó có 14 TS là người thân, bạn bè của bị cáo. Tại tòa, Lương đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX xác định Lương là người giữ vai trò thực hành tích cực. Hành vi phạm tội của Hoài và Lương đã câu kết chặt chẽ với nhau. Nếu Hoài không đưa danh sách TS, chìa khóa phòng giữ bài thi và ngược lại, Lương không nhận lời, không sửa đáp án bài thi trắc nghiệm thì hậu quả vụ nâng điểm đã không xảy ra. Trên các cơ sở đó, HĐXX nhận thấy 2 bị cáo đã phạm tội có tổ chức, đã xúc phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Động cơ phạm tội của 2 bị cáo là do nể nang bạn bè, người thân. Quá trình điều tra, cơ quan công an khám xét nơi ở của Hoài và Lương, thu giữ nhiều tang vật, trích sao kê tài khoản ngân hàng nhưng không thu giữ được tiền, tài sản để chứng minh các bị cáo phạm tội đưa, nhận hối lộ.

Cũng tại tòa, bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và bị cáo Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, được nhận định là người có chức vụ, quyền hạn trong kỳ thi nhưng đã đưa danh sách 13 TS gồm con, cháu nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho bị cáo Hoài. Trong giai đoạn điều tra và tại tòa, bị cáo và luật sư bào chữa đều cho rằng bị cáo này không phạm tội vì chỉ nhờ xem điểm, không nhờ nâng điểm. Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều chứng cứ, lời khai, HĐXX đã bác đề nghị của luật sư (LS) kiến nghị tuyên bị cáo Chính không phạm tội.

Sau cùng, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thanh Hoài 8 năm tù và Vũ Trọng Lương 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". Bị cáo Triệu Thị Chính 2 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi". Cùng phạm tội "Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", bị cáo Lê Thị Dung bị phạt 2 năm tù và bị cáo Phạm Văn Khuông chỉ nhận mức án 1 năm tù treo.

HĐXX cho biết do sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang nên để bảo đảm yếu tố khách quan công bằng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra những người có liên quan trong vụ án về vấn đề có đưa, nhận hối lộ hay không?

Về việc LS kiến nghị HĐXX TAND tỉnh Hà Giang khởi tố vụ 2 TS Sùng Văn Đ. và Nguyễn Văn T. ở huyện Xín Mần trong kỳ thi năm 2017 thi đỗ vào trường công an với số điểm rất cao, có thông tin cho rằng 2 TS này được "chạy điểm" với giá 500 triệu đồng/suất. Về việc này, HĐXX kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra đối với 2 TS này.

Cần bản án nghiêm khắc

LS Hoàng Văn Hướng, đại diện các LS bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, cho biết căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa thì việc kết án bị cáo Chính có tội là không khách quan nên việc tuyên phạt 2 năm tù giam với bị cáo Chính là vô lý. Vì vậy, bị cáo Chính sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Theo LS Hướng, quy trình tố tụng hình sự trong vụ án này còn rất nhiều vấn đề không đúng, như việc điều tra, triệu tập làm rõ những người liên quan chưa toàn diện, các nguyên nhân cơ bản của hành vi phạm tội chưa được làm rõ. Nếu cần thiết, cơ quan thẩm quyền phải hủy bản án sơ thẩm, mở cuộc điều tra toàn diện để bảo đảm tính khách quan trong vụ án, cần triệu tập những người có liên quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như: Bà Triệu Thị Giang - Phó trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang - em gái ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang; bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên tại Sở Tài chính tỉnh Hà Giang - vợ đương kim Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều người liên quan khác cần phải điều tra, làm rõ.

Theo LS Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng LS Đồng Đội (Đoàn LS TP Hà Nội), mức án mà TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên chưa thực sự tương xứng với hành vi, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như nhận định, các bị cáo đều được tuyên mức án nhẹ nhất theo đề nghị của VKS. Các bị cáo từng công tác trong ngành giáo dục, đáng lẽ phải gương mẫu, đi đầu trong công tác chống tiêu cực nhưng lại là những người tích cực nhất dù được cho là "không có động cơ vụ lợi" thì vẫn phải chịu những hình phạt nghiêm khắc, mang tính chất răn đe cao hơn.

Nhiều người dân có mặt tại phiên tòa ngày 25-10 từ sớm, để theo dõi tòa tuyên án. Bức xúc vì sự việc xảy ra trên địa bàn, gây mất uy tín của địa phương, người dân Hà Giang cho rằng bản án là quá nhẹ so với những hành vi mà các bị cáo đã gây ra, họ muốn một bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội và công bằng hơn.

LS Tiền cho rằng vợ chủ tịch UBND tỉnh và nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có liên quan đến việc nhờ giúp đỡ cho người thân trong vụ án nên đã được triệu tập đến phiên tòa, nhưng cả hai đều không có mặt mà HĐXX không có biện pháp cương quyết, điều đó thể hiện sự chưa quyết liệt, dễ dẫn đến hiểu nhầm, thắc mắc trong dư luận về việc có hay không sự "nể nang", bao che.

Khiển trách vợ chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Ngày 15-10, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết Đảng ủy khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh này đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức "Khiển trách" đối với bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính), vì "nhờ vả" xem điểm, nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 cho người thân. Bà Nga là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ngày 24-10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử đoàn công tác làm việc tại tỉnh Hà Giang. Trong đó, đoàn công tác có làm việc về các nội dung liên quan đến vụ gian lận thi cử với nội dung về việc rà soát, kiểm tra cán bộ, đảng viên vi phạm đợt 2.

 
Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Gian lận điểm thi ở Hà Giang , gian lận thi cử , tin pháp luật