Du lịch Việt Nam “biếu” khách cho nước ngoài
Thứ ba, 31/01/2012 13:59

Trong khi các nước tích cực quảng bá, nâng chất lượng dịch vụ, liên kết giảm giá để thu hút khách thì ngành du lịch Việt Nam gần như làm ngược lại.


Rất đông du khách trở lại Thái Lan ngay sau lũ. Trong ảnh: Khách xem xiếc voi tại Làng Văn hóa Dân tộc Nong Nooch
Ngay trong năm 2011, sau khi cơ bản khắc phục hậu quả động đất, ngành du lịch Nhật Bản đã nhanh chóng mời các công ty du lịch Việt Nam đưa khách sang Nhật. Không chỉ hàng không Nhật Bản mà cả Vietnam Airlines cũng cùng đối tác Nhật đưa ra giá thật ưu đãi. Nhờ vậy, Vietravel và Saigontourist sớm khởi động lại tour đi Nhật với giá rẻ đến 8 – 12 triệu đồng/khách.

Rầm rộ tiếp thị du lịch nước ngoài

Tiếp theo Nhật, sau trận lũ lịch sử, Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tích cực cập nhật tình hình lũ lụt và phối hợp với một số công ty du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát tình hình Thái Lan sau lũ; công bố các chương trình hoạt động để thu hút khách, trong đó tập trung mang đến cho du khách thêm nhiều giá trị gia tăng. Kết quả là từ ngày 1-12-2011, khách du lịch Việt Nam bắt đầu trở lại Thái Lan. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông Vietravel, cho biết: Hiện tour đi Thái của Vietravel vẫn đang giảm giá 1 triệu đồng/khách, tương đương 9-10 triệu đồng/khách (5-6 ngày). Mức giá này rẻ hơn giá tour đi Hà Nội khoảng 2 triệu đồng/khách; cộng thêm việc Thái Lan đang đẩy mạnh các chương trình mua sắm giảm giá để kích cầu du lịch sau lũ nên rất nhiều khách đăng ký đi Thái Lan dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

Cuối tháng 12-2011, Vietnam Airlines kết hợp cùng các công ty du lịch trong nước tìm hiểu, khảo sát và giới thiệu các điểm đến mới của Malaysia. Qua đợt khảo sát này, Vietnam Airlines định hướng sản phẩm du lịch cho thị trường Malaysia là du lịch kết hợp nghỉ ngơi, mua sắm. Sau chuyến đi, Vietnam Airlines sẽ phối hợp với các công ty du lịch xây dựng mức giá trọn gói, quảng cáo… nhằm thu hút khách Việt đến Malaysia. Trước đó, đầu tháng 11-2011, Malaysia đã mở văn phòng đại diện Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Hà Nội. Phía Malaysia không ngần ngại tuyên bố sẽ chinh phục du khách Việt Nam bằng các tour mua sắm hàng miễn thuế và du lịch sang trọng.

Du lịch nội địa “đuổi” khách

Theo các công ty du lịch, gần đây, thị trường du lịch nước ngoài phát triển mạnh, các công ty tích cực quảng bá, đưa khách đi nước ngoài là do tour nước ngoài có độ ổn định cao: giá vé máy bay, dịch vụ khách sạn, ăn uống không thay đổi bất thường. Ngoài ra, phía đối tác (bao gồm cả hàng không và các công ty du lịch, dịch vụ mặt đất) luôn tích cực, nhiều trường hợp chủ động hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện các chương trình giảm giá, ưu đãi giá vé máy bay, dịch vụ, cắt giảm chi phí điều hành, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro… để thu hút khách, duy trì tăng trưởng. Chính nhờ những yếu tố này, việc thiết kế hành trình tour Tết đi nước ngoài ổn định hơn. Du khách đi nước ngoài thường đi chung với gia đình, nhóm bạn và tour nước ngoài thiết kế cho khách Việt bao giờ cũng có tham quan, giải trí kết hợp mua sắm nên phù hợp với nhiều đối tượng du khách.

Trong khi đó, du lịch nội địa phát triển manh mún, giá tour phập phồng tăng theo giá vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, không có nhiều chỗ cho khách vui chơi, xài tiền… nên khó thu hút khách nước ngoài vào, càng khó hơn để các công ty tính lời - lỗ trước khi ký hợp đồng dài hạn với đối tác nước ngoài. Với khách tại chỗ, do phụ thuộc vào sự biến động giá phương tiện vận chuyển nên các công ty không đưa giá máy bay, xe lửa vào giá tour khiến du khách ngần ngại, ít đăng ký tour sớm. 

Ông Trần Thế Dũng, Phó trưởng Nhóm Khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa TPHCM, cho biết: Năm 2011, khách nội địa sa sút, một số hãng lữ hành phải tạm ngưng hoạt động. Ngoài việc không thể cạnh tranh về giá với các tour đi gần như Thái Lan, Campuchia…, việc tăng giá vô tội vạ cũng làm du lịch nội địa mất khách. Vé xe lửa từ Hà Nội đi Lào Cai từ cuối năm 2011 tăng hơn 100.000 đồng/vé; giá phòng khách sạn tăng khoảng 100.000 đồng/phòng, giá ăn uống cũng tăng 10.000 – 20.000 đồng/suất… Mới đây, giá vé máy bay tăng khoảng 1 triệu đồng/vé càng khiến khách quay lưng với tour nội địa. Bằng chứng là những tour đi bằng vé máy bay mua trước ngày 15-12-2011 (thời hạn tăng vé máy bay) “đắt như tôm tươi”, tour đi bằng vé mua sau ngày 15-12 thì không ai hỏi đến.

Đại diện một số công ty du lịch cho rằng điểm đến trong nước không được đầu tư bài bản để thu hút khách thường xuyên, du lịch Việt Nam mang tính mùa vụ rất cao nên tâm lý chung là “tận thu” mùa cao điểm để bù lại cho các mùa thấp điểm. Trong khi các nước tích cực quảng bá, nâng chất lượng dịch vụ, liên kết giảm giá để lôi kéo khách thì ngành du lịch Việt Nam gần như làm ngược lại. Nhìn thấy “lỗ hổng” này, ngành du lịch các nước tích cực khai thác khách Việt Nam là điều dễ hiểu.
Kích cầu du lịch kiểu Hàn Quốc

Ngành du lịch Hàn Quốc cũng nhanh chân hướng đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Tháng 4-2011, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã mở chi nhánh tại Hà Nội, giới thiệu hàng loạt sản phẩm du lịch mới như chữa bệnh, mua sắm, phẫu thuật thẩm mỹ… với mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch Việt Nam. Cuối tháng 11-2011, Hàn Quốc tổ chức giới thiệu những tour giá rẻ và có thưởng với các công ty du lịch tại TPHCM. Trong đó, 7 công ty du lịch Hàn Quốc giới thiệu cho các công ty du lịch Việt Nam những điều kiện được ưu đãi; kèm theo đó là những chương trình quảng bá những tiện ích đa dạng, các gói siêu giảm giá nhân các lễ hội, giảm giá cho khách dài ngày… Đặc biệt, chương trình miễn visa cho khách bay thẳng từ TPHCM đến đảo Jeju nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách. Chính nhờ những hoạt động trên, cộng với thế mạnh thắng cảnh, ẩm thực, thời trang…, Hàn Quốc đang nổi lên như một hiện tượng du lịch của năm 2011. Các công ty du lịch đang kỳ vọng năm 2012, Hàn Quốc sẽ vượt lên Thái Lan, trở thành thị trường du lịch nước ngoài hấp dẫn nhất của Việt Nam.

 

Người Lao Động
Tag: Du lịch Việt Nam , Khách quốc tế , Tổng cục Du lịch