Dễ dính chất cấm vì thủy sản dùng thuốc bán rong
Thứ sáu, 20/04/2012 16:26

Những loại thuốc người nuôi thủy sản sử dụng đều không rõ nguồn gốc, được cung cấp bởi những người bán rong mang tận nhà mời chào. Tình trạng sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép sẽ vẫn khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết tại buổi làm việc của Thứ trưởng Hoàng Xuân Thu trong sáng ngày 19/4 với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Thông tin cá nhiễm chất cấm, theo lãnh đạo cục quản lý chất lượng nông sản, tỉ lệ khá nhỏ không đáng lo.

Thuốc thủy sản bán rong tận đìa

Năm nay tôm chết hàng loạt đặc biệt là tôm thẻ chân trắng khiến người nuôi tôm lao đao, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Năm nay các khu nuôi tôm lớn hàng nghìn ha như Thông Thuận, Bim… đều chịu chung tình trạng tôm nuôi thả chết hàng loạt. Người nuôi kêu rất nhiều, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra bước đầu nhưng nguyên nhân chính khiến tôm chết hàng loạt như vậy đến thời điểm này vẫn chưa được xác định rõ”. Ông Nguyễn Huy Điền Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản nói.

Nhiều nghiên cứu được tiến hành, các cơ sở bán thuốc thú y, thức ăn được kiểm tra đột xuất để tìm nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản cho biết: “Nông dân nuôi tôm bảo sử dụng thuốc diệt tạp trước khi thả tôm, nhưng các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thuốc lại bảo không có. Nhiều cuộc kiểm tra, giám sát đột xuất tại các cửa hàng, đại lý thuốc, thức ăn chăn nuôi cũng không phát hiện sự xuất hiện của chất cấm”.

Những loại thuốc người nuôi thủy sản sử dụng đều không rõ nguồn gốc, được cung cấp bởi những người bán rong mang tận nhà mời chào.

"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tình trạng sử dụng những loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản sẽ vẫn khó kiểm soát”, ông Điền nhận định thêm.

Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng: “Tôm chết hàng loạt không phải do con giống bởi đây là những cơ sở sản xuất giống sạch nhập từ HaWai, chất diệt khuẩn chlorine không gây bệnh cho vật nuôi nên không thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt được. Theo tôi, chỉ có thể là do môi trường nước bị ô nhiễm khiến vật nuôi bị ngạt”.

Tỉ lệ nhiễm chất cấm đáng giật mình

Theo ông Nguyễn Như Tiệp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản mẫu cá nhiễm chất cấm phát hiện tại TP. HCM chỉ là trường hợp đơn lẻ, rất nhỏ không đáng kể.

Mẫu cá phát hiện chất cấm báo chí đăng tải vừa qua được lấy mẫu trong dịp Tết Nguyên Đán theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT về tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản và hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì Chất lượng - An toàn vệ sinh thực phẩm”.

Trong 172 mẫu thủy sản các loại do Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM lấy phân tích, kiểm nghiệm tại Trung tâm khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng. Tuy không phải là đơn vị do Bộ Nông nghiệp chỉ định kiểm nghiệm Trifluralin nhưng được Hệ thống phòng thí nghiệm VILAS công nhận như vậy kết quả được coi là chính xác. Kết quả chỉ ra có 4/172 mẫu nhiễm chất Trifluralin, gồm 2 mẫu cá diêu hồng, 1 mẫu cá tra, 1 mẫu cá basa. Như vậy tỉ lệ rất nhỏ chỉ hơn 2%”.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là đề tài được nhiều người quan tâm

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, tỉ lệ 2% là rất nhỏ so với chương trình giám sát của Cục hàng năm bởi tỉ lệ mẫu nhiễm chất cấm Trifluralin đang giảm đi rất nhanh trong vài năm lại đây. Nếu năm 2010 tỉ lệ phát hiện là 9,9%, năm 2011 chỉ còn 2% và trong 3 tháng đầu năm nay chỉ là 0,3%. Do Chi cục TP. HCM không nói rõ con số chính xác đã dẫn tới hiểu sai lệch, người dân hoang mang không sử dụng cá diêu hồng nữa, khiến thị trường ảm đạm, người chăn nuôi lâm vào tình trạng hết sức khó khăn.

Về vấn đề kiểm soát chất cấm trong các hộ nuôi trồng thủy sản ở nước ta hiện nay rất khó. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Bộ Nông Nghiệp: “Do tính chất nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún trong nhân dân nên việc kiểm soát giám sát rất khó khăn, đặc biệt vấn đề bán thuốc không rõ nguồn gốc đến tận tay người nuôi thủy sản với giá rẻ hiện khá phổ biến. Vì vậy, khó khăn hơn trong việc truy xuất nguồn gốc và người tiêu dùng cũng cẩn phải cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm”.

Infonet
Tag: Cá nhiễm độc , Cá nhiễm chất trifluralin , Bán rong chất cấm , Chất cấm trong chăn nuôi , Thủy sản nhiễm độc , An toàn vệ sinh thực phẩm