Từ một học sinh giỏi cấp tỉnh, từng đạt giải Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Thái Bình; đỗ thủ khoa Đại học Bách Khoa và Đại học Nông nghiệp 1 với số điểm tuyệt đối 30/30 điểm, Hà Văn Nam đã trượt dốc trở thành tội phạm với mức án 30 tháng tù giam.
|
Đối tượng Hà Văn Nam.
Gây rối ở trạm BOT
Việc phạm tội của Nam được Công an huyện Quế Võ, Bắc Ninh làm rõ, đó là vào ngày 31-12-2018, Hà Văn Nam cùng đồng phạm đã kích động người dân dừng đỗ phương tiện trong Trạm thu phí, không chịu mua vé, kích động gây rối, cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm. T
rước tình hình phức tạp, đơn vị khai thác buộc phải xả trạm để tránh ùn tắc giao thông kéo dài, nhưng một số người vẫn không đưa xe qua trạm.
Đến chiều tối cùng ngày, khi xe cứu hộ của Cảnh sát giao thông đến thì những người này mới đánh xe đi. Qua công tác điều tra, cơ quan Công an xác định được nhóm người quá khích và các phương tiện sử dụng vào việc gây rối trật tự công cộng tại Trạm BOT Phả Lại.
Tháng 1-2019, CQĐT Công an huyện Quế Võ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 6 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng tại trạm BOT Phả Lại, gồm: Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Lê Văn Khiển (SN 1990), Vũ Văn Hà (SN 1990), cùng trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Trần Quang Hải (SN 1991), trú tại huyện Quế Võ.
Tiếp đó, ngày 5-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Võ đã khởi tố bị can đối với Hà Văn Nam cũng về tội danh trên.
Trước khi bị ùn tắc vì gây rối vào ngày 31-12-2018, thì ngày 28-12, Trạm BOT Phả Lại đã bị nhiều đối tượng gây rối, cản trở việc đi lại của người dân dẫn đến việc ùn tắc kéo dài, an ninh trật tự phức tạp.
Công an tỉnh Bắc Ninh đã phải tổ chức phân luồng, xử lý các phương tiện dừng đỗ không đúng quy định.
Ngày 29-12, Hà Văn Nam gọi điện cho Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí; hẹn khi rảnh sẽ về giúp.
Hai ngày sau, nhóm 7 bị cáo nói trên tập trung tại BOT Phả Lại đồng thời dừng ở làn thu phí gây ùn tắc giao thông, khiến lãnh đạo trạm là ông Mạc Tuấn Long phải gặp, đối thoại.
Trong suốt quá trình này, trạm thu phí đã thông báo xả trạm, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền để các đối tượng đưa xe rời đi nhằm giải toả ùn tắc, đảm bảo giao thông thông suốt, nhưng các đối tượng cùng các xe ô tô vẫn không di chuyển, một số đối tượng còn kích động, gây ồn ào, lộn xộn tại trạm thu phí.
"Tất cả những vi phạm này đã được lực lượng chức năng ghi lại làm bằng chứng. Sau khi giải tán được đám đông này, thì cũng phải 30 phút sau, giao thông trên QL18 mới trở lại bình thường" - Thượng tá Vũ Đình Kỳ, Trưởng Công an huyện Quế Võ, Bắc Ninh cho biết.
Trước khi gặp Hà Văn Nam, tôi luôn nghĩ Nam là đối tượng khó tiếp xúc, có thành kiến với chính quyền, "cãi chày cãi cối" để bao biện cho hành vi của mình, nhưng không phải vậy.
Nam nhận thức rõ hành vi của mình, khẳng định sự việc gây rối ở BOT Phả Lại là sự việc không nên và bản thân không ủng hộ việc tài xế đóng làn, dùng tiền lẻ làm ùn tắc trạm thu phí BOT.
Bị tạm giam trong Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh, Hà Văn Nam khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, và cho biết vẫn ăn uống tốt, ngủ hơi kém hơn bên ngoài. "Vợ tôi vừa vào thăm hai tuần trước. Tôi thấy thương người thân vì mình mà bị ảnh hưởng", Nam nói.
Nói về sự việc xảy ra ở trạm BOT Phả Lại ngày 31-12-2018, Nam cho biết, trước ngày hôm đó, Nam có nhận lời về đây giúp đòi quyền lợi, miễn giảm phí qua trạm cho người dân vùng lân cận.
Khi Nam về đến trạm BOT Phả Lại thì dừng xe, thắc mắc về việc thu phí ở trạm với nhân viên thu phí, tuy nhiên nhân viên thu phí không thể trả lời nên Nam đã đi vào khu nhà điều hành để tìm lãnh đạo trạm thu phí thắc mắc tiếp.
"Nếu chỉ có xe của tôi đỗ ở nơi thu phí thì không thể tắc đường. Tuy nhiên, lúc tôi cùng một vài anh em đang trao đổi, thắc mắc với lãnh đạo trạm thu phí ở khu vực nhà điều hành thì ở phía ngoài, các anh em tài xế khác đã đóng làn, gây ùn tắc giao thông tại trạm BOT Phả Lại hơn 1 tiếng, đây là sự việc không nên", Nam nói.
Nam suy nghĩ, người dân, tài xế có quyền thắc mắc về các vấn đề liên quan đến thu phí BOT, nhưng phải đúng quy định pháp luật.
"Nếu làm lại, không bao giờ để các lái xe làm như vậy. Tôi không ủng hộ việc đóng làn, dùng tiền lẻ để tìm cách làm ùn tắc trạm thu phí" - Hà Văn Nam nói.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải thì cả nước có tới 17 trạm BOT đặt sai vị trí, nhưng chỉ "giải quyết" được trạm BOT Tân Đệ, các trạm còn lại thì vẫn phải cho tồn tại vì do lịch sử để lại. Bộ Giao thông vận tải cũng đã nhiều lần giải thích về việc này.
Trạm thu phí Phả Lại bị các đối tượng gây ách tắc giao thông.
Như tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Nam đã nhiều lần dừng xe vào làm việc với Trạm để phản đối. Ở Trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) cũng tương tự như vậy. Đến Trạm BOT Phả Lại, thì việc phản đối của Nam đã vượt qua việc vi phạm hành chính khi gây cản trở giao thông..
"Tôi không quen ai ở khu vực Phả Lại, trước hôm đó, tôi được mấy người nhờ phản đối giúp người dân quanh vùng vì các trạm BOT khác, dân ở lân cận được miễn 100% phí, nhưng quanh trạm Phả Lại chỉ được giảm 50% nên người ta bức xúc vì tốn rất nhiều tiền.
Trong quá trình thắc mắc, lúc nào tôi cũng vào nhà điều hành để phản đối và bao giờ cũng bảo để 1 làn để cho xe cứu thương và người dân đi qua nhưng tại BOT Phả Lại, các tài xế khác đóng hết làn trong 98 phút dẫn đến việc tắc đường hoàn toàn.
Đây là cái sai của tôi và một số người khác. Vì thế tôi phải chịu trách nhiệm".
Vi phạm pháp luật vì hư danh trên mạng xã hội
Hà Văn Nam, SN 1981, quê ở xã Đông Hoà, thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình). Vốn từ học sinh trung bình, thậm chí thi trượt vào PTTH, sau đợt thi lần 2, Nam mới đỗ vào trường dân lập.
Nhưng, với quyết tâm vươn lên, năm học lớp 11, Nam đạt giải Ba học sinh giỏi Toán tỉnh Thái Bình; năm học lớp 12 Nam đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán tỉnh Thái Bình.
Thủ khoa Đại học với số điểm tuyệt đối 30/30, Nam đã trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà của các thầy cô giáo, bạn bè khi anh ta làm rạng danh trường PTTH Dân lập Thái Bình - nơi mà trước đây nhiều người cho rằng chỉ dành cho những học sinh điểm thấp, thi trượt trường công.
Các đối tượng gây rối làm ách tắc giao thông tại trạm BOT Phả Lại.
Ở đại học, Hà Văn Nam đã thể hiện tài năng của mình bằng những sáng kiến có tính ứng dụng cao trong thực tế. Ra trường, Nam đã tự nghiên cứu, đầu tư sản xuất các sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ được dư luận đánh giá cao.
Ngoài ra, Nam còn là Giám đốc Công ty cổ phần phát triển giáo dục Global Edu Việt Nam làm ăn có hiệu quả.
Sự nghiệp đang ổn định là thế, nhưng chính Nam lại không biết nắm giữ cơ hội của mình, dần tuột dốc, sa đà vào việc gây rối ở các Trạm BOT, nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều "chiêu đấu tranh" với các Trạm BOT.
Dần dà, Hà Văn Nam và Trần Đình Sang được trở thành những cái tên "đình đám" trên mạng với nhiều "chiêu" gây rối khác nhau khiến nhiều lần các trạm BOT phải xả trạm.
Càng nổi trên mạng, Nam càng lún sâu vào hành vi vi phạm pháp luật. Cho đến lúc bị bắt, Nam mới giật mình tỉnh ngộ, giá như.
Bị bắt, bị tạm giam, việc kinh doanh của Hà Văn Nam bị đình trệ, bố mẹ, vợ con hoang mang, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên.
Vì thế, Nam cũng suy nghĩ nhiều, đêm không ngủ được. Nam bảo rằng "việc này ảnh hưởng rất lớn đến người thân, chỉ vì tôi mà người thân phải khổ".
Giải thích về con đường phạm tội của mình, Nam cho biết, trong quá trình đi lại trên đường, phát hiện ra có rất nhiều vi phạm trong việc thu phí tại các trạm BOT như trạm đặt không đúng vị trí.
Tại nhiều vị trí đặt trạm, người dân sinh sống quanh khu vực đặt trạm phải trả phí cho việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của mình mà không hề đi vào đường có đầu tư BOT.
Chính vì vậy, Nam phản đối để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình. Như tại các Trạm BOT Thái Bình, nhà thầu BOT làm tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng và dự án đường từ cầu Trà Lý tới thị trấn Diêm Điền nhưng lại đặt trạm thu phí tại Trạm thu phí Tân Đệ (cách tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng hơn 30 km) mà không phải đặt ở cầu Trà Lý khiến dư luận bức xúc.
Hàng ngày đi qua và phải trả phí cho sự vô lý của Trạm BOT này, Hà Văn Nam là một trong những người tích cực trong phản đối doanh nghiệp BOT.
Sau nhiều ngày, Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng đã thừa nhận việc đặt sai trạm thu phí và xoá bỏ trạm BOT Tân Đệ.
Sau cuộc phản đối thành công ở BOT Tân Đệ, danh tiếng của Hà Văn Nam nổi như cồn và được nhiều "anh em xã hội" nhờ đến để phản đối tại các Trạm BOT khác.
Nam tiếc rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc đấu tranh, xoá bỏ trạm BOT Tân Đệ thì chắc chắn cuộc đời anh ta sẽ vẫn tiếp diễn theo con đường thuận lợi, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc.
Nhưng, có lẽ vì sự nổi tiếng bất ngờ khiến Hà Văn Nam không biết được điểm dừng và vượt qua lằn ranh giới giữa đấu tranh với cái sai, cái vi phạm, bước sang phía bên kia là vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý.
Một người bạn thân của tôi, từng có thời gian chơi thân với Hà Văn Nam, từng mến mộ Nam vì sự giỏi giang, vượt khó đi lên, làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình, khi biết Hà Văn Nam sa đà vào việc gây rối ở các Trạm BOT đã nhiều lần khuyên Nam dừng lại, bởi có tiếp tục sẽ vượt ranh giới, sẽ khiến suy nghĩ đúng đắn thành hành động tiêu cực.
Nhưng, có lẽ sự nổi tiếng, hay hư danh ảo đã khiến Hà Văn Nam quên đi ranh giới mỏng manh đó, quên đi lời khuyên của những người bạn chân thành.
Chính vì vậy, thay vì tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh của mình, Hà Văn Nam ngày ngày theo "anh em" đến các trạm thu phí để phản đối bằng hành vi vi phạm pháp luật.
Nam cho biết, sau khi bị bắt, thấy vợ, con khổ, mới biết rằng, chỉ vì hư danh trên mạng xã hội mà mất đi giá trị thực, hạnh phúc thực của mình.
Nam cũng gửi lời nhắn đến những người dân, những người còn đấu tranh tại các Trạm BOT là hãy làm đúng những gì pháp luật cho phép, đừng vì một phút thiếu suy nghĩ mà đánh mất đi tương lai, hạnh phúc của mình.
Ngày 30-7, Tòa án nhân dân huyện Quế Võ (Bắc Ninh) tuyên phạt các bị cáo gồm: Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986, trú tại Chí Linh, Hải Dương) 36 tháng tù; Hà Văn Nam (SN 1981, ở Hà Nội) và Lê Văn Khiển (SN 1990, ở Chí Linh, Hải Dương) đều nhận mức án 30 tháng tù; 4 bị cáo còn lại là Vũ Văn Hà (SN 1990), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984); cùng trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Trần Quang Hải (SN 1991) trú tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh lĩnh từ 18 tháng đến 24 tháng tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 23 triệu đồng. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới: Ghép mặt bạn mới quen vào clip nhạy cảm để tống tiền nạn nhân
- Chủ xe có thể bị xử phạt nặng nếu cho người khác mượn xe! Cập nhật ngay quy định mới tránh 'vạ lây' nghiêm trọng
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành