Chuyện tình lãng mạn của cụ ông 94 và cụ bà 68 tuổi
Thứ tư, 26/02/2014 09:17

'Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ trái tim, khởi nguồn từ mạch máu, cũng có nhớ thương, giận hờn nhưng bền chặt', ông Sơn khẳng định.

 Tình yêu của đôi uyên ương 'cửu thập' này luôn được hâm nóng.

Tình yêu của đôi uyên ương 'cửu thập' này luôn được hâm nóng.

Tuổi đời gần chạm mốc một thế kỷ, cụ ông Mai Kim Sơn đã khiến nhiều người ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi muốn đăng ký kết hôn với người yêu kém mình gần 30 tuổi. “Tôi yêu Thu bằng tình yêu chân thành, tha thiết và mãnh liệt. Tôi muốn Thu khi về sống cùng tôi có một danh phận hẳn hoi để không bị người đời cười chê, dè bỉu”, cụ ông 94 tuổi bày tỏ nguyện ước cuối đời.

Ngôi nhà nhỏ nhắn nằm khiêm tốn trong dãy chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) của đôi uyên ương đã ở vào tuổi gần đất xa trời ngày ngày vẫn rôm rả tiếng cười giòn tan. Dưới bóng hàng cây bàng rậm rạp trước khoảng sân nhỏ nhà cụ ông Mai Kim Sơn và bà Lý Thị Thu đón nhiều lượt khách ghé thăm. Họ thi nhau chúc mừng hạnh phúc gần đất xa trời của ông và bà. Bà gọi ông bằng “anh” ngọt lịm, luôn đưa ánh nhìn long lanh vào mắt ông. Bà cười, viên mãn xếp xô nếp nhăn trên hai khóe mắt. Ông nhìn bà, liếc khéo rồi niềm vui cũng như lây lan, ông cười khà khà răng lợi rệu rạ.

Sinh năm 1920 tại Nghệ An trong một gia đình bần nông, ông Mai Kim Sơn sớm từ bỏ ruộng vườn tham gia bộ đội chống thực dân Pháp. Ông từng đặt chân đến nhiều nơi, từng suýt chết vì tên bay đạn lạc vài lần. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vẻ vang, ông xin chuyển ngành sang làm công nhân đường sắt. Ngày đất nước giải phóng thì ông cũng đến tuổi hưu. Cuộc sống khó khăn rồi cũng qua mau, vợ chồng ông có một mái ấm hạnh phúc với đứa con trai nuôi. Nhưng người con nuôi đến tuổi trưởng thành cũng đi mưu sinh biền biệt tận phía bên kia bán cầu, ít có cơ hội về thăm cha mẹ.

tinh-yeu-tuoi-gia0

Ông Sơn đã phải lòng bà Thu từ cách đây 15 năm nhưng vì còn trách nhiệm với gia đình nên không thể đi theo tiếng gọi trái tim.

Gia đình ông có thời gian dài sống ở Hà Nội. Cũng chính những ngày ở Thủ đô, ông đã gặp người phụ nữ của mình bây giờ. Khi ấy, bà Thu có người bà con ở sát nhà ông Sơn. Vậy là mỗi dịp tới nhà anh em chơi, bà gặp ông Sơn. Hai người biết nhau từ đó. Những lần gặp nhau như cơn gió thu thoảng qua làm rạo rực trái tim người đàn ông luống tuổi và người phụ nữ góa bụa.

Bà quý ông ở sự phong trần, am hiểu tình đời, ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị. Ông thấy bà toát lên vẻ thùy mị, cần cù rất biết cách làm hài lòng người khác. Họ trở thành bạn bè thân thiện của nhau. Tình cảm ấy tuy rằng có những lúc xáo động nhưng họ vẫn giữ được lý trí bởi trước mặt và sau lưng họ là gia đình.

Chồng bà Thu mất khi bà chưa bước qua tuổi 50, để lại cho bà hai đứa con. Ngày gặp ông Sơn, bà đã lên chức bà và nay thì đã có chắt. Vợ ông Sơn cũng biết bà Thu, họ thường trò chuyện tâm tình rất cởi mở mỗi khi bà Thu qua nhà chơi. Tình bạn ấy vẫn mãi là tình cảm đẹp, trong sáng không ai mộng mơ cho một sự tái hợp về sau. Năm 1996, gia đình ông Sơn chuyển vào TP HCM sinh sống và bà Thu cũng về quê ở Lạng Sơn chăm sóc con cháu. Từ đó, họ không có bất cứ một dòng thông tin nào về nhau.

Năm 2001, vợ ông Sơn qua đời. Sau 62 năm gắn bó yêu thương, đói no, bệnh tật có nhau nay bà ra đi trước khiến ông chơi vơi, hụt hẫng. Tuổi già cô quạnh, hiu hắt một mình, nhiều người cám cảnh ái ngại cho ông Sơn.

Những hôm ông lọ mọ một mình ra chợ mua đồ về nấu ăn, những người bán hàng thường không lấy tiền vì thương ông và cũng vì không biết tính tiền sao khi món nào ông cũng chỉ mua nhiều lắm là một lạng. Nhiều đêm nằm co quắp trong căn nhà trống trải, lạnh giá, ông chợt nghĩ: “Một mình đêm hôm thế này chẳng may trúng gió thì “đi” lúc nào cũng không ai hay”. Rồi ông nhớ đến bà Thu.

Ông cố gắng dò hỏi, tìm mọi cách nhờ người liên lạc tìm kiếm bà Thu. Tin vui đến với ông ngay khi ông vừa bắt tín hiệu tìm người năm xưa, người bạn ở Hà Nội đã tìm được địa chỉ liên lạc của bà Thu. Ông vui mất mấy ngày, lòng cứ rạo rực một cảm giác rất khó tả. Ông kể với bà Thu về hoàn cảnh của mình, bảo bà Thu xếp công việc rồi ông gửi tiền ra cho bà vào Nam thăm ông một chuyến, coi như thăm bạn lâu ngày vậy.

Sau 15 năm biệt tăm tung tích, ngày ông ra bến xe đón bà Thu là ngày mà bao nhiêu nỗi buồn tan biến. Đôi bạn già gặp nhau, tay rưng rưng nắm chặt, mắt nhòe đi vì vui sướng. Họ kể cho nhau nghe về khoảng thời gian 15 năm ấy. Họ như đôi chim khuyên ríu rít chuyện trò không biết chán.

Ngày bà phải về Bắc, ông buồn đến nao lòng. Ông nắm tay bà tha thiết: “Em về thu xếp bọn trẻ rồi vào đây sống với anh nhé. Một mình anh ở đây chắc buồn mà “đi” sớm thôi. Ngày xưa chúng mình là bạn nhưng tình bạn ấy bây giờ đã lớn dần lên thành tình yêu sâu nặng rồi. Những ngày cuối đời, anh muốn được sống bên em”.

Ông Sơn nhìn thật sâu vào mắt vợ mình âu yếm rồi mỉm cười hạnh phúc, không ái ngại, không rụt rè, ông bảo: “Tại sao bao nhiêu năm như thế, bà ở một nơi, tôi ở một nơi mà nay lại sống chung trong một mái nhà. Đó chẳng phải cái duyên là gì, là số trời đã định từ trước rồi”.

Ông bảo, 62 năm qua, ông sống cùng mối tình cha mẹ gán gả. Ông đã làm tròn bổn phận, trải qua bao nhiêu giông bão cuộc đời mà vẫn giữ được mái ấm gia đình cho đến ngày bà nhắm mắt xuôi tay. Ông không còn ân hận gì với bà nữa và có lẽ ở nơi chín suối, bà cũng sẽ mỉm cười mà ủng hộ ông và bà Thu.

Đối với bà Thu, ông Sơn quả quyết: “Đó là tình yêu đích thực. Nếu không yêu tôi thì không bao giờ bà ấy chịu vào đây với tôi, chăm sóc tôi từng ly từng tí và tôi cũng thế. Tôi yêu bà ấy thật nhiều. Thật ra sự rung động đã có ngay từ lần gặp đầu tiên nhưng vì rào cản gia đình, tôi đành chôn chặt trong tim. Bây giờ thì chúng tôi đã thuộc về nhau, không có gì cản trở nữa”.

Quyết định đến với ông Sơn, bà Lý Thị Thu đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Từ Sài Gòn trở về, bà canh cánh một nỗi buồn. Thấy cảnh ông Sơn côi cút, cô đơn khi tuổi quá cao, bà thương ông vô cùng. Các con của bà Thu biết chuyện đã kịch liệt phản đối. Bà Thu kể: “Các con cháu nó nói tôi nhiều lắm. Nó bảo, bà đã 68 tuổi còn đi lấy chồng. Ai nhìn mặt cho”.

Không còn cách nào khác, bà Thu phải trốn các con vào Nam với ông Sơn. Trước khi đi, bà dựng lên một kịch bản: “Có người bạn gái thân ở trong Sài Gòn gửi tiền ra cho mẹ vào đó chơi với bà ít bữa. Bà nói hoài nên giờ mẹ đi”. Vào tới nơi, bà Thu viết thư về cho con nói rõ sự tình. Con bà đã phẫn nộ vì mẹ “bỏ tất cả theo chồng”. Bà đành cắn răng chịu đựng, một bên là tình yêu, tình thương và một bên là tình nghĩa, thời gian đầu, bà đã day dứt rất nhiều.

Khi được hỏi, liệu lý do có phải vì thấy hoàn cảnh của ông Sơn neo đơn, già nua mà bà thương cảm về chăm sóc ông, bà xua tay phân trần: “Nếu chỉ có sự đồng cảm không thì tôi không hy sinh gia đình để vào đây với anh Sơn đâu. Tôi có tình cảm với anh ấy. Thật ra phải yêu thì mới sống với nhau được”.

Ông Sơn nói, tình yêu của ông với bà có khi hơn cả giới trẻ ấy chứ. “Ai bảo già rồi không có tình yêu, đó là cách nghĩ sai lầm. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ trái tim, khởi nguồn từ mạch máu. Cũng có rung động, có nhớ thương có giận hờn nhưng bền chặt”, ông Sơn khẳng định như vậy.

Màn ảnh sân khấu

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Đôi uyên ương , Chuyện tình già , Cặp đôi có tuổi , Tình yêu tuổi già , Tình yêu đích thực