Một số thuyền của dân Chu Quyến đã trúng vàng ở đầu nguồn sông Mã và sông Lam, đem về hàng chục kg vàng khiến người dân lại xôn xao với giấc mộng.
|
Chu Quyến (Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) nằm bên sông Hồng. Tiếng máy hút cát xình xịch, tiếng đe búa đóng tàu, tiếng động cơ máy xúc, xe tải, công nông... hỗn độn, đinh tai nhức óc, cứ như một công xưởng lớn.
Tôi ghé thăm cơ ngơi của anh Hải, người có mười mấy năm bôn ba ngược xuôi theo đuổi giấc mộng vàng.
Theo anh Hải, trước kia dân Chu Quyến khá giả lắm, cả làng buôn gỗ lậu từ các tỉnh miền núi như Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái... Gỗ từ Chu Quyến được chuyển đi các vùng khác. Bãi sông bên làng Chu Quyến như một bến cảng trung chuyển. Nhà nhà buôn gỗ, người người buôn gỗ.
Những bộ phận của thuyền đãi vàng để trên đường làng Chu Quyến.
Thế nhưng, năm 1989, Nhà nước đóng cửa rừng, nghề vận chuyển, buôn lậu gỗ bị ghép vào dạng tội phạm hình sự, người dân Chu Quyến sinh ra thất nghiệp. Cả làng đói dài cổ, thanh niên trai tráng bỏ làng lang bạt khắp nơi.
Thế rồi, một ngày Đỗ Trung Hải, vác về 3kg vàng ròng khiến người dân lóa mắt. Khát vọng làm giàu hừng hực cháy trong lòng những chàng trẻ trong làng.
Để khai thác vàng dưới sông, công cụ quan trọng nhất là thuyền chuyên dụng, mà việc đóng một con thuyền là điều không khó gì với dân đóng thuyền chuyên nghiệp Chu Quyến.
Một xưởng đóng thuyền đãi vàng rất lớn ở xã Chu Minh, cung cấp cho người Chu Quyến.
Chu Quyến còn có hẳn một ông “vua đóng tàu” Nguyễn Bá Khoa. Xưởng đóng tàu của anh Khoa nằm ngay bờ đê của thôn. Những con tàu trọng tải cỡ vạn tấn là điều đơn giản với Khoa.
Khoa đã cùng Hải và một vài anh em ở thôn khăn gói quả mướp dong tuyền sang tận Trung Quốc để mua một con thuyền đãi vàng về làm mẫu.
Ngày cũng như đêm, đám thợ miệt mài nghiên cứu, chế tác. Thuyền đãi vàng khá đặc biệt, gồm bốn khoang ghép lại thành hai con thuyền riêng biệt, song được cột chặt lại với nhau, có chiều dài khoảng 20 mét, chiều rộng độ 4 mét.
Ròng rọc cùng những chiếc gầu sẽ múc cát sỏi lẫn vàng từ đáy sông lên.
Cát sỏi trôi qua máng, hạt vàng sẽ đọng lại.
Một bên đặt chiếc máy nổ hàng ngàn mã lực, một bên dành cho đám thợ làm công việc xả nước, xối cát, đãi vàng. Phía giữa hai con thuyền là một khoảng trống. Ròng rọc được gắn những chiếc gầu (họ gọi là xẻng) lớn quay tròn kéo cát sỏi và vàng từ đáy sông lên.
5 chiếc thuyền đầu tiên hạ thủy, đó là ngày đáng nhớ với dân Chu Quyến. Hai chục thanh niên, trong đó Hải đứng đầu đã cùng anh em ngược sông Hồng tiến về hướng Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, rồi tỏa đi các dòng sông nhánh.
Những dòng sông dữ dằn ẩn chứa trong mình biết bao của cải. Mới ngày đầu ra quân mà anh em đã trúng lớn. Sau hai tháng thử nghiệm, họ đã đem về làng vài kg vàng cám.
Thuyền đãi vàng đã hoàn thiện, đang để bên đường ở Chu Quyến.
Cả thôn điên cuồng với giấc mộng vàng. Họ đổ xô đi đóng thuyền, sắm máy. Người nào có tiền thì đóng thuyền rồi thuê thợ hoặc kéo cả gia đình ngược sông. Những gia đình vốn mỏng thì góp tiền mua chung. Người không có tiền thì mang sổ đỏ đi “cắm” ngân hàng.
Mỗi chiếc thuyền giá độ 300-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, tùy chất lượng, tính năng và độ lớn. Mỗi chuyến đi đều có tổ chức, người đứng đầu.
Trước khi khai thác, các thợ vàng Chu Quyến phải “làm luật” với địa phương và đám đầu gấu của vùng đất đó. Dân Chu Quyến đi đến đâu thì ở đó nhất định có vàng. Nói như một người dân thì... “ngửi nước thấy vàng”(?!).
Những bãi vàng lớn mà người dân Chu Quyến in dấu chân như Bắc Uân, Bản Xe, Bãi 27, rồi Hát Dọ... ở tận Lai Châu, Sơn La. Vàng hết, họ lại kéo nhau ngược lên phía Bắc, phía Tây, phía Đông.
Thuyền đãi vàng trên các dòng sông chủ yếu là của người Chu Quyến.
Dòng sông Lô, sông Gâm, sông Đuống, sông Đà, sông Mã... nơi đâu cũng in dấu chân người Chu Quyến. Họ dong thuyền đến tận thượng nguồn sông Đà, rẽ vào các nhánh sông suối giáp biên giới Trung Quốc để khai thác.
Có những địa danh họ đặt chân tới thuộc huyện Mường Nhé (Điện Biên), cánh quê tới 600km. Những đội tàu đi xa như thế thường rất ít khi về, có khi vài năm mới về một lần. Mùa lũ, họ neo thuyền vào một bến nào đó và tạm ngừng công việc khai thác.
Đội tàu khai thác ở sông Hồng thì về quê nghỉ ngơi, tránh lũ và tranh thủ sửa sang cho chuyến đi sau. Mỗi năm họ thường nghỉ hai hoặc 3 tháng lũ, từ tháng 6 đến tháng 8.
Vào mùa lũ, những con thuyền đãi vàng neo đậu ở nơi an toàn. Ảnh chụp trên sông Đà đoạn Quỳnh Nhai, Sơn La.
Hiện tại, ở sông Hồng và các nhánh có khoảng 100 chiếc thuyền khai thác vàng của dân Chu Quyến và độ 100 chiếc nữa đang rong ruổi ở Sơn La, một số vào tận trong Huế, Quảng Nam tìm miền đất hứa.
Như vậy, cả thôn Chu Quyến có hơn 200 chiếc thuyền cùng với khoảng 600 con người kể cả già trẻ, gái trai đang lang bạt kỳ hồ nơi thượng nguồn các dòng sông hung dữ. Trong những chuyến ngược sông Đà xa xôi vùng cực Bắc, hễ thấy chiếc thuyền đãi vàng nào lênh đênh trên sông, tôi ghé vào hỏi, thì đều nhận được thông tin rằng, họ chính là người Chu Quyến.
Không kể ngày đêm, trên những dòng sông ấy tiếng máy nổ xình xịch, tiếng nước xối ào ào, những bóng người nghiêng ngả chắt chiu từng hạt vàng nuôi mộng giàu sang.
Một con thuyền đãi vàng của người Chu Quyến đang khai thác trên sông Bứa, đoạn qua huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.
Cát được xúc lên từ độ sâu 5 - 20 mét đổ lên tàu và được vòi nước rửa trôi qua máng. Những hạt vàng có khối lượng riêng nặng đọng lại nơi đáy máng, cát sỏi trôi xuống sông.
Cứ như thế, mỗi ngày một con thuyền với vài con người lại rửa trôi hàng ngàn khối cát sỏi mong giữ lại được vài chỉ vàng. Ngày nào vớ được mỏ lộ thiên kiếm vài cây ngon ơ, song cũng có nhiều ngày chỉ được vài phân thì không bõ tiền dầu.
Vàng ngày một ít, giấc mộng ngày một xa, người dân Chu Quyến lại dong thuyền đến những chân trời mới. Hải nói với tôi rằng: “Người Chu Quyến như những gã giang hồ đầy mơ mộng, lãng mạn và phiêu lưu, chừng nào chưa hết vàng, chưa vỡ mộng thì người Chu Quyến chưa chùn bước, dừng chân”.
Hải là người nhìn thấy nghề vàng bạc bẽo nên rút lui sớm tìm hướng làm ăn khác và bây giờ đã khá yên vị ở chức “giám đốc công ty” khai thác cát, làm ăn chắc chắn và ổn định hơn nhiều.
Những con thuyền đãi vàng tiếp tục được đóng, được cẩu lên ô tô...
Hải là người bản lĩnh nên sớm nhận ra kết cục của những giấc mơ vàng. Mấy cân vàng đủ để đóng con tàu trọng tải ngàn khối cát và một hệ thống ròng rọc kéo cát từ tàu lên bãi.
Mấy ai có được ý nghĩ sáng suốt như Hải. Có vàng thì ăn chơi, những cuộc ăn chơi của dân đào vàng kinh khủng thì phải biết. Theo cái cách Hải thống kê thì từ năm 92 đến nay người dân chu Quyến đã đào được cả chục tấn vàng, song vàng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy đói nghèo mãi đeo đẳng, rồi nghiện ngập, AIDS như cơn lốc tràn về.
Hải lý giải: “Con người không có tri thức nên không biết chuyển hoá vàng thành những thứ có giá trị. Nếu dân Chu Quyến biết tích cóp thì chẳng có làng nào ở Xứ Đoài giàu bằng được”.
Quả thực tìm ra người Chu Quyến nào học hết đại học thật hiếm. Hơn chục tuổi là nghỉ học theo những con thuyền ngược xuôi bươn bả quên ngày tháng. Chưa đủ sức khỏe thì phục vụ cơm nước hoặc làm những việc vặt. Những đứa trẻ muốn đi học cũng chẳng đi được. Bố mẹ chúng đều lênh đênh, phiêu bạt, có khi cả năm không về thì lấy ai kèm cặp, nuôi dưỡng, dạy dỗ.
Thuyền đãi vàng được ô tô chở lên miền núi để người Chu Quyến tiếp tục theo đuổi giấc mộng vàng.
Những ngôi nhà cao tầng to vật vã là của những tay trúng mánh lại biết chắt chiu, quý trọng hạt vàng. Số đó trong làng đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết toàn là những ngôi nhà ngói, nhà rạ xiêu vẹo do đào vàng không trúng hoặc trúng vàng song phá phách hết.
Cuộc sống lang bạt nay đây mai đó, lại không có tri thức thì chuyện sa ngã vào thói ăn chơi sa đọa rồi hút chích là điều khó tránh khỏi. Lúc trúng vàng thì ăn chơi tẹt ga, không trúng thì ăn vào hao mòn máy móc.
Mỗi ngày con tàu phải kéo lên thuyền hàng ngàn khối cát nên máy móc rất nhanh hỏng, độ rung lớn cũng làm thuyền nhanh tàn. Theo sự tính toán của Hải thì tàu xịn cũng chỉ sử dụng được vài năm là thành đống sắt vụn. Thế nhưng, trong hai năm đó phải tiêu tốn chừng 700 triệu đến 1 tỷ tiền sửa chữa, nâng cấp, đấy là chưa kể tiền xăng dầu. Chi phí lớn mà vàng không khai thác được thì vỡ nợ là cái chắc.
Chu Quyến có đến vài chục thanh niên nghiện ngập, hút chích. Đám thanh niên này đều là dân từng đi đào, đãi vàng song dính vào hê-rô-in nên phải bán thuyền về quê. Và họ đã trở thành gánh nặng cho vùng quê này.
Mới đây, một số thuyền của dân Chu Quyến đã trúng bưởng vàng ở thượng nguồn sông Mã và sông Lam, họ đem về hàng chục kg vàng khiến người dân lại xôn xao với giấc mộng. Từ đầu năm, thôn đã đóng thêm hàng chục chiến thuyền. Những chiếc thuyền này đều to gấp đôi những chiếc thuyền cũ và có giá cả tỉ bạc.
Canh bạc với vàng của người dân Chu Quyến lại thêm phần gay cấn...
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?