Ân hận là điều không tránh khỏi nhưng với Lê Thị Hoa, SN 1966 ở Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình) thì điều canh cánh trong lòng nhất là cuộc sống gia đình của hai đứa con mà cứ khoảng 4 năm chị ta mới được gặp một lần.
|
“Lần gần nhất mẹ con tôi gặp nhau cách đây 3 năm. Tháng nào trại giam cũng cho gọi điện thoại về nhà nhưng các con làm gì có điện thoại mà liên lạc. Hơn chục năm lang bạt làm thuê cuốc mướn, giờ quay về quê hương, chúng vẫn kiếp làm thuê, ở trọ”, Hoa sụt sịt kể về hai đứa con.
Giết người vì bức xúc
Chúng tôi gặp Lê Thị Hoa trong chuyến đi công tác trại giam Tân Lập đúng dịp trại đang tổ chức cuộc thi dành cho các phạm nhân viết bài tìm hiểu về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hỏi Hoa có tham gia không, chị ta lắc đầu buồn bã: “Tôi mù chữ nên có muốn cũng chẳng thể làm gì. Mấy ngày nay nghe bản tin của trại thông báo về số bài viết dự thi đã lên tới hàng nghìn bài. Thấy các bạn cùng buồng ai cũng háo hức tìm tòi, tranh luận. Cũng thích lắm nhưng lực bất tòng tâm”.
Quê gốc của Hoa là ở Xuân Trường, Nam Định nhưng duyên phận đưa đẩy để rồi Hoa trở thành con dâu vùng đất Mai Châu, Hòa Bình. Hỏi Hoa sao lấy chồng xa thế, chị ta cười cười: “Do bà mối, bố mẹ ưng thì mình ưng”.
Xuất thân từ đồng ruộng, về nhà chồng cũng làm nương, làm rẫy nên cuộc đời Hoa chỉ biết sinh con, trồng cấy và chăn nuôi. Hoa bảo cả đời chỉ biết lam làm nhưng vì nhà nghèo nên chả mấy khi dư dật.
“Cố gắng lắm thì mỗi năm cũng chỉ thu xếp cho chồng về quê ăn giỗ tổ rồi qua thăm nhà nội, nhà ngoại chứ mẹ con tôi cũng không thể bìu díu theo được. Còn nhà cửa, lợn gà ai trông, ai chăm”, Hoa nhớ lại. Thế nên, theo lời nữ phạm nhân trung niên này thì từ ngày đi lấy chồng, số lần chị ta về thăm bố mẹ đếm trên đầu ngón tay.
Hỏi về lý do phạm tội Giết người, người đàn bà này cúi mặt, lí nhí: “Chuyện xảy ra đã lâu rồi nhưng không chỉ có tôi vẫn đang phải trả giá mà các con tôi vẫn đang phải gánh chịu”.
Ngày đó, do bức xúc về chuyện tiền nong giữa hai người đàn bà nên trong lúc nóng giận, Hoa đã cầm cành cây vụt, không may trúng chỗ hiểm khiến người phụ nữ kia thiệt mạng. Phiên tòa sơ thẩm, Hoa bị kết án 13 năm tù nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận. Hai phiên tòa nữa được diễn ra và kết quả là Hoa bị kết án tù chung thân. Ngày Hoa lên trại giam Tân Lập thi hành án, bố mẹ, anh chị em ở quê nhà không ai hay biết. Mãi đến sau này, khi hai con của Hoa về thăm quê kể lại, mọi người mới biết chuyện nhưng cũng không ai có thể lên trại thăm Hoa.
“Ngày còn ở trại tạm giam thì chồng tôi có vào thăm được 2 lần. Từ ngày lên đây, 11 năm rồi chồng tôi chưa tới thăm tôi lần nào. Bọn trẻ thì cũng lên được 2 lần nhưng cũng phải cố gắng lắm rồi”, Hoa kể.
Phạm nhân Lê Thị Hoa.
Day dứt thương con
Theo lời Hoa kể thì sau sự cố tội lỗi tày trời do chị ta gây nên, chồng Hoa đã phải bán nhà để trả nợ ngân hàng và bồi thường cho gia đình bị hại. Mất nhà, mất cửa, chồng Hoa bỏ đi lang thang. Hai đứa con khi đó đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ 14 tuổi được em gái Hoa khi đó đang lập nghiệp ở Kon Tum đón vào trong đó. Chúng được dì ruột nuôi dạy và trả ơn bằng việc đi rừng đi rẫy và chăm sóc vườn cây cà phê của gia đình dì. Đến khi đủ tuổi dựng vợ, gả chồng, cũng lại một tay người dì này đứng lên lo liệu. Hoa bảo mang tiếng là mình có công sinh con nhưng em gái mới là người chăm sóc nên chuyện lo hạnh phúc trăm năm của các con, Hoa cũng không thể đảm đương.
“Tôi rất ân hận vì mình sinh con ra mà không lo được cho chúng, giờ còn làm chúng liên lụy”, Hoa sụt sịt.
Theo lời người đàn bà này thì chị ta đã bặt tin con tới 7-8 năm trời cho đến khi chúng lên thăm mới biết các con đã quay trở lại Hòa Bình. Hỏi vì sao không tiếp tục ở lại Tây Nguyên lập nghiệp, quay về quê làm gì cho nặng nề, áp lực, đứa con trai bảo để được gần bố, gần mẹ.
Nhớ lại lần đầu tiên nghe thông báo có người tới thăm, Hoa trào nước mắt: “Khi nghe nhắc tên, tôi không dám tin đó là sự thật. Gần chục năm sống trong cô quạnh, tôi cũng đã quen rồi. Thế nên khi bảo có người tới thăm, tôi vẫn còn bán tín bán nghi”.
Lần gặp ấy, Hoa làm sao có thể quên được. Ba mẹ con nhìn nhau trong mừng tủi. Hoa mừng vì các con đã khôn lớn, khỏe mạnh nhưng lại khóc thút thít khi biết sự trở về của chúng không được ai đón nhận.
“Bố chúng bỏ đi lấy vợ ở đâu không ai biết, bà nội thì mất rồi, còn các chú thì cũng đều nghèo khó cả thành ra cả hai đứa phải đi thuê trọ ở. Giờ chúng nó thuê nhà trên TP Hòa Bình, làm thuê cho hàng quán nào ý, thu nhập cũng bấp bênh lắm”, Hoa kể.
Dường như thông tin đã lên chức bà với 3 đứa cháu nội, ngoại không đủ khiến Hoa trút được tâm tư nặng trĩu của hơn chục năm qua. Hoa bảo là định kiến ở quê cô còn quá nặng nề khiến cho các con khó sống, phải tha phương cầu thực gần chục năm trời, đến lúc quay về vẫn chưa được bỏ qua.
“Ngoài bản án chung thân ra, tôi còn chịu hình phạt bổ sung nữa là tiền nuôi con bị hại. Nhưng tôi thì đi tù, chồng con thì mỗi người mỗi ngả, làm gì có ai bồi thường thay tôi. Gom góp mãi tôi mới có được 3 triệu trả cho họ”, Hoa kể. Theo lời người phụ nữ này thì chính vì lý do chậm trễ tiền bồi thường nên việc xin giấy tờ của con cái Hoa cũng bị làm khó dễ.
“Tháng trước con tôi viết thư gửi vào, cho số điện thoại nơi nó đang làm thuê nên tháng vừa rồi tôi đã gọi điện về đó cho chúng. Nghe các con hỏi cần gì để gửi vào mà tôi nghẹn ngào. Tôi có lỗi với chúng nó rất nhiều, vì tội lỗi của mình mà làm liên lụy tới con, làm gì còn mặt mũi nào mà xin xỏ chúng nó nữa”, Hoa kể.
12 năm đi tù kể từ ngày bị bắt, Lê Thị Hoa đã có hơn 11 năm sống trong trại giam Tân Lập. Chị ta bảo từ ngày vào đây đã qua nhiều đội lao động, từ trồng rau, chăn nuôi và giờ là đội đính hạt cườm. Ở nơi nào, Hoa cũng tích cực lao động và được bình xét là lao động tốt. Thế nhưng vì số tiền bồi hoàn mà khả năng việc được xét giảm án từ chung thân xuống có thời hạn gặp trắc trở.
“Năm ngoái con tôi xin được xác nhận của chính quyền về tình trạng gia đình khó khăn nhưng năm nay thì gia đình bị hại không chấp nhận. Nghe con nói thế tôi buồn cho mình thì ít mà lo lắng cho các con thì nhiều. Đã hơn chục năm qua rồi mà mọi chuyện vẫn chưa được cho qua và giờ đây con cháu tôi vẫn đang phải gánh chịu”.
Hỏi Hoa nếu được tặng một lời ước thì mong muốn điều gì, người đàn bà này nhanh nhảu: “Tôi chỉ ước thời gian quay ngược trở lại”. “Để tội lỗi không xảy ra hay gì”, chúng tôi hỏi. Người phụ nữ này khẽ gật đầu: “Để tôi không phạm sai lầm và cuộc sống của các con tôi không sóng gió như bây giờ”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Ngôi mộ 20 tỷ đồng của cậu bé 8 tuổi ở TP.HCM: Nhìn qua như dinh thự kiểu Pháp
- Độ ẩm đất đá bão hòa, cảnh báo 3 tỉnh nguy cơ sạt lở cao
- Mỏ vàng dưới biển ở ngay sát Việt Nam, trữ lượng lên tới 1500 tấn
- Học sinh Hà Nội rơi nước mắt vì câu chuyện bạn nhỏ mất cha nơi Làng Nủ
- Mùa đông 2024 đến sớm, thời tiết sẽ rét và khắc nghiệt hơn mọi năm
- Loạt chính sách mới sẽ có hiệu lực kể từ tháng 10/2024
- Vì sao Hoài Linh mặc kệ Hoài Lâm?
- Chính thức thông xe cầu phao Phong Châu