Năm mới sắp đến, trong lúc mọi người đang hối hả sắm Tết thì trên các tuyến phố thủ đô Hà Nội, những người lao động tự do vẫn đang nai lưng kiếm tiền về quê ăn Tết.
|
MONG MỎI CHỜ NGƯỜI THUÊ
Tờ mờ sáng, mặc cho cái rét thấu xương, trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, đường Bưởi và dọc theo các cây cầu trên đường Kim Giang..., hàng chục người lao động đang đứng chờ việc.
Dọc theo đường Nguyễn Trãi từ chợ Phùng Khoang xuống Bệnh viện Tuệ Tĩnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khoảng 50m lại có vài ba chục người đang chờ việc.
Đằng sau những đôi gióng gánh, chiếc xe đạp cũ nát là những con người gầy còm đang cố gắng trụ lại thủ đô để kiếm tiền.
Tạt vào quán nước trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh hỏi thăm, vừa ngồi xuống thì thấy khoảng vài chục người kéo theo xe đạp của mình chạy về hướng sau các nhà dân. Ngạc nhiên tôi hỏi chủ quán thì mới biết lúc có người gọi đi làm thì tất cả đều đi, họ thuê ai thì thuê.
Cứ mỗi lần như thế tại chỗ mà họ đứng chỉ còn 5 - 6 người ở lại vì không theo kịp. Khi chỉ còn có mấy người ở lại tôi tiến lại lân la hỏi chuyện thì được ông Thanh, quê Hải Hậu (Nam Định) cho biết: “Năm nay tôi 56 tuổi và đã làm nghề lao động tự do này được bốn năm. Sáng chưa ai dậy đã phải đi cho đến lúc nào về không hay vì nghề này phải phụ thuộc vào công việc”. Năm mươi sáu tuổi, ông Thanh phải hàng ngày ngồi chầu chực ở đây bên các gốc cây vỉa hè đi làm thuê.
Lao động tự do tập trung dưới gốc cây chờ việc
Nói đến hoàn cảnh của ông Thanh thì chúng tôi không khỏi chạnh lòng và kính trọng, một mình ông nuôi hai con học đại học, một đứa học Đại học Sư phạm còn một đứa học Đại học KHXH nhân văn Hà Nội.
Ông tâm sự: “Đời chúng tôi đã khổ lại không được học hành gì, giờ có vất vả đến mấy tôi cũng cố lo cho con ăn học đàng hoàng, nhà nghèo không đủ nuôi hai con ăn học nên phải đi lên đây kiếm thêm hàng tháng gửi cho chúng nó”.
Tiếp chuyện với tôi còn có anh Hùng, quê Thái Bình cũng đã lên đây làm được 3 năm cho biết thêm về công việc này: “Chúng tôi làm nghề này vất vả lắm, có lúc cả tuần không ai thuê cả chỉ ra đây ngồi thôi. Mỗi ngày nếu có người thuê thì cũng được vài trăm ngàn, mấy ngày Tết cố gắng trụ lại làm kiếm ít tiền về mua cho các cháu bộ quần áo mới”.
KHI CÁI TẾT ĐẾN GẦN...
Từ các tỉnh lẻ vì cuộc sống nghèo khổ họ phải về đây kiếm sống may ra khấm khá hơn. Thế nhưng, nơi đất khách quê người cố kiếm ít tiền về quê ăn Tết cũng không đơn giản.
Chị Lan, quê Thanh Hóa, một trong những người có thâm niên gần chục năm làm công việc lao động tự do ở Hà Nội tâm sự: “Ruộng vườn ít làm không đủ ăn, nuôi con ăn học đành phải ra đây kiếm sống bằng cái nghề này, Tết nhất đến nơi rồi nhưng có ai thuê đi làm gì đâu, cũng muốn về lắm chứ nhưng nếu tôi về thì con tôi lại không có Tết nên đành chịu đựng gắng làm kiếm thêm ít tiền về cho con”.
Khi hỏi ngày về Tết thì được biết, công việc của những người lao động tự do nơi đây họ không có thời gian cố định, có những người tới 28, 29 mới về rồi ra năm lại đi từ hôm mồng 5, mồng 6 vì thời điểm này là lúc mọi người cần nhiều việc hơn nên công việc cũng kiếm được hơn.
Trái ngược với những gì tôi biết thời gian gần Tết là thời gian mà nhiều việc cho người lao động tự do thì cứ thời gian giáp Tết lại ít công việc hơn. Năm nay tháng giáp Tết nhưng tại các địa điểm mà người lao động tập trung thỉnh thoảng mới có vài người chạy xe máy ra hỏi thuê người.
Anh Tâm, quê Nam Định đứng chốt tại cầu Lủ (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “So với các năm trước thì năm nay ít việc hơn nhiều, nếu năm trước 10 phần thì năm nay cũng chỉ được 4 phần. Tôi không phải mỗi đứng đây, khi không có việc thì tôi chạy ra chợ Ngã Tư Sở hay xuống dưới Hà Đông nhưng đâu cũng ít việc nên chẳng ăn thua”.
Anh cho biết thêm: “Nếu để nói đến công việc đều và nhiều nhất là phải ra Tết từ tháng giêng cho đến tháng 4 vì thời gian này người dân sửa lại nhà hay xây lại nên có nhiều việc cho chúng tôi làm”.
Với những công việc không ổn định và đồng tiền ít ỏi, những người lao động tự do trên mảnh đất thành phố đầy phồn hoa như thủ đô Hà Nội đang gắng gượng trụ lại những ngày giáp Tết mong sao kiếm cho con cái họ một cái Tết ấm no hơn.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?