Cặp vợ chồng ôm tiền tỷ bỏ trốn ở Thái Bình đến những vụ việc mất tích gây chấn động
Thứ tư, 25/05/2022 17:45

Chuyên gia tội phạm học đã có những nhận định về vụ việc hàng chục hộ dân ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) kêu cứu các cơ quan chức năng khi bị cặp vợ chồng sống trên địa bàn ôm nhiều tỷ rời đi.

Người dân "kêu trời" vì bị con nợ ôm tiền tỷ bỏ trốn

Mới đây, Thanh tra Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) về việc chuyển đơn của bà con thị trấn An Bài kêu cứu khi cho rằng họ bị "lừa đảo" số tiền hàng tỷ đồng. Theo các hộ dân tại thị trấn An Bài, vào giai đoạn từ năm 2016-2019 hai vợ chồng ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Thị Nhẹ (trú Tổ 13, thị trấn An Bài) có vay tiền của hàng chục người dân trên địa bàn với số tiền rất lớn.

Giấy vay nợ được viết tay, ghi lại thời gian và số tiền giao dịch rồi người vay ký tên. Nhiều người dân đã dốc hết tài sản trong gia đình để cho vợ chồng ông Thành, bà Nhẹ vay với hy vọng sẽ thu về khoản tiền lãi như thỏa thuận. Theo thống kê sơ bộ, số tiền mà các hộ dân cho cặp vợ chồng này vay lên đến hàng chục tỷ đồng. Có người ít thì cho vay 500 triệu đồng, người nhiều thì cho vay từ 2-3 tỷ đồng.

Từ vụ cặp vợ chồng ôm tiền tỷ rời đi ở Thái Bình đến những vụ con nợ 'mất tích' gây chấn động - Ảnh 1.

Người dân kêu cứu khi cho rằng họ bị "lừa đảo" số tiền hàng tỷ đồng. (Ảnh: Đoàn Bổng/Vietnamnet)

Sau khi cầm số tiền lớn của nhiều hộ dân, vào tháng 5/2020, vợ chồng ông Thành, bà Nhẹ rời khỏi địa phương mà không thông báo với những "chủ nợ". Người dân và cơ quan chức năng cũng không thể liên lạc qua điện thoại với hai vợ chồng này.

Các hộ dân đã gửi đơn đến Công an huyện Quỳnh Phụ nhờ giải quyết. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay sau 2 năm trình báo và nhiều lần làm việc với cơ quan công an, sự việc vẫn chưa có kết quả khi vợ chồng ông Thành liên tục vắng mặt tại địa phương.

Từ vụ cặp vợ chồng ôm tiền tỷ rời đi ở Thái Bình đến những vụ con nợ 'mất tích' gây chấn động - Ảnh 2.

Một số giấy vay tiền được người dân thị trấn An Bài viết bằng tay. (Ảnh: Đoàn Bổng/Vietnamnet)

Được biết, vụ việc ở Thái Bình không phải là vụ "con nợ" ôm tiền tỷ của người cho vay rồi bỏ trốn hiếm hoi. Trước đó, ở nhiều địa phương đã xảy ra những vụ việc tương tự khiến người dân phải "kêu trời, than đất".

Cụ thể, ngày 18/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Thắm (SN 1980, trú tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo CQĐT, Nguyễn Thị Thắm là nhân viên hợp đồng của một doanh nghiệp. Trong thời gian công tác tại đây, Thắm đã vay tiền của hàng chục người quen để nộp trước cho những khách hàng đến hạn thu nhưng chưa có tiền nộp và dùng chi tiêu cá nhân.

Đến tháng 3/2018, việc kinh doanh không thuận lợi, tiền lãi các khoản vay tăng nhanh khiến Thắm mất khả năng chi trả các khoản nợ đã vay trước đó. Khi bị thúc ép việc trả nợ, Thắm đành đi vay tiền lãi suất cao của rất nhiều người dân trên địa bàn Hà Tĩnh.

Vỡ nợ, Thắm khóa máy, bỏ trốn vào miền Nam. Không lạc được với Thắm, các chủ nợ làm đơn tố cáo đến công an. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Nguyễn Thị Thắm đã chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng. Sau khi được gia đình vận động, đến đầu tháng 10/2018, Thắm đã trở về quê đầu thú.

Được biết, Thắm là vợ của một vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Từ vụ cặp vợ chồng ôm tiền tỷ rời đi ở Thái Bình đến những vụ con nợ 'mất tích' gây chấn động - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Thăm tại cơ quan công an. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Vào năm 2016, ở Nam Định cũng đã xảy ra vụ việc lợi dụng là cán bộ xã để vay tiền tỷ của hàng trăm người dân rồi cả gia đình bỏ trốn khỏi địa phương. Theo đó, ông Phạm Duy Tiên (SN 1972, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) là cán bộ tư pháp xã Nghĩa Trung, còn vợ là Lê Thị Hương cán bộ hội phụ nữ xã Nghĩa Trung. Chính vì là cán bộ xã nên nhiều người mới tin tưởng cho vợ chồng ông Tiên vay với số tiền lớn. Không những thế, có gia đình là anh em, bạn bè phần vì tin tưởng, phần vì cả nể nên đã đi vay ngoài, thậm trí thế chấp cả sổ đỏ để vay tiền cho ông Tiên.

Không chỉ riêng xã Nghĩa Trung mà còn xã khác nữa nên số người cho ông Tiên vay tiền lên đến trăm người và ở nhiều xã khác nhau. Sau khi cho ông Tiên vay tiền, nhiều người dân đã trở thành "con nợ" của người khác, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

Chuyên gia tội phạm học nói gì về vụ việc cặp vợ chồng vay tiền tỷ của người dân ở Thái Bình?

Trao đổi với Vietnamnet, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết trường hợp người huy động vốn bằng hứa hẹn trả lãi suất cao là một hình thức huy động vốn trái phép. Nếu sau khi huy động vốn, họ rời khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt số tiền đã huy động thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại 175 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Hiếu nhấn mạnh việc xác minh người vay tiền vắng mặt tại nơi cư trú nhằm bỏ trốn hay vì các lý do khác. Nếu như họ vắng mặt khỏi nơi cư trú nhưng không phải là bỏ trốn mà có lý do chính đáng, buộc phải vắng mặt thì chưa cấu thành tội phạm. Trường hợp xác minh về đối tượng vay tiền và có dấu hiệu bỏ trốn rõ ràng, ví dụ như không ai liên lạc được, không có bất cứ thông tin gì, ngắt tất cả các kết nối, không ai tìm thấy, tức là có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản". Còn trong trường hợp bên vay đưa ra một dự án nào đó để huy động vốn của người dân thì đây có dấu hiệu "Lừa đảo".

Phân tích cụ thể hơn về ranh giới giữa hai tội danh trên, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết hành vi lừa đảo có trước khi giao dịch cho vay tiền, nhưng lạm dụng tín nhiệm là trong quá trình vay tiền một cách hợp pháp nhưng nảy sinh lòng tham muốn chiếm đoạt số tiền đã vay để trốn trách nhiệm trả nợ thì "cơ quan điều tra cần chứng minh theo hướng đó".

Nhấn mạnh thêm về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng tội lạm dụng tín nhiệm, bước đầu việc chuyển dịch về tài sản diễn ra hợp pháp. Bản chất ban đầu là vay mượn tài sản bằng giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng cách bỏ trốn, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp khiến đối tượng không trả được tiền cho người vay (ví dụ dùng đánh bạc, buôn ma túy...) dẫn đến việc mất khả năng thanh toán, hoặc có khả năng nhưng cố tình không trả thì đều có thể bị xử lý về tội lạm dụng. Nếu trong trường hợp người vay tiền thực sự bỏ trốn và tài liệu chứng cứ đủ, theo ông Hiếu, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể ra quyết định khởi tố bị can và ra quyết định truy nã.

Về việc các giấy vay tiền viết tay ký tên sơ sài, theo ông Hiếu, bản chất việc đó chỉ là hình thức, nhưng khi thỏa thuận giấy trắng mực đen viết như vậy thì hoàn toàn có căn cứ. Vì "thỏa thuận miệng cũng được pháp luật thừa nhận đó là một giao dịch hợp pháp", việc cho vay mượn tài sản được Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rất rõ.

Trở lại vụ việc ông Nguyễn Tiến Thành và bà Trần Thị Nhẹ rời khỏi địa phương, Trung tá Hiếu cho rằng muốn chứng minh được phải cần đến hoạt động xác minh của cơ quan công an.

"Cơ quan công an cần làm đến cùng xem họ bỏ đi đâu, làm gì, thông qua những thành viên khác trong gia đình thân nhân để xác minh. Sau đó sẽ ra thông báo truy tìm. Khi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu họ trở về mà không xuất hiện, lúc đó có chứng cứ xác định họ bỏ trốn", ông Đào Trung Hiếu nói.

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/cap-vo-chong-om-tien-ty-bo-tron-o-thai-binh-den-nhung-vu-viec-mat.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/cap-vo-chong-om-tien-ty-bo-tron-o-thai-binh-den-nhung-vu-viec-mat-tich-gay-chan-dong-162220525090402713.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Cặp vợ chồng ôm tiền tỷ bỏ trốn , Thái Bình , lừa đảo chiếm đoạt tài sản