Háo hức và lo lắng là tâm trạng chung của người dân làng phong Vân trước cái tết cuối cùng ở nơi đã thành quê hương, máu thịt của những số phận hẩm hiu. Nơi đó sẽ thành thiên đường nghỉ dưỡng.
|
Ánh nhìn vời vợi buồn xen lẫn hy vọng của bà Than.
Xứ Hansen - Tết cuối
Ngày đầu năm 2012, chúng tôi xông đất làng Vân, rẻo đất chơi vơi giữa biển bên vịnh Hải Vân tách biệt với cuộc sống hối hả bên ngoài.
Anh Nguyễn Hữu Đức, người từng giữ chức Trưởng thôn Vân (phường Hòa Hiệp Bắc - quận Liên Chiểu - TP Đà Nẵng) suốt hơn chục năm qua, tâm sự, nhiều đêm, mắc võng nằm sát bờ biển, nhìn sang bờ bên kia, thấy ánh đèn rực rỡ, cả Đà Nẵng bừng lên trời một màn sáng phù hoa, thèm rỏ dãi.
Nhìn về nơi sáng đèn với mong ước khắc khoải như anh Đức thực ra chưa thể lột tả hết cái khổ trần ai của cư dân làng Vân, đặc biệt trong mùa mưa bão hay những ngày trái gió trở trời, có người bệnh tật, ốm đau.
"Nói thật, sau này đỡ nhiều, chứ trước đây, bệnh gì chưa biết nhưng ruột thừa cầm chắc cái chết. Khiêng được người bệnh từ thôn Vân đến trạm xá ở trong bờ, có khi chết giữa đường đi. Xưa làm gì có thuyền máy", anh Đức kể.
Tất cả những khắc khoải của hơn 300 người ở làng phong Hòa Vân đã có lời giải đáp: Năm 2012, chắc chắn sẽ được vào đất liền, nhường đất cho một dự án du lịch, được xem là thiên đường nghỉ dưỡng. Người ta dự định đổ vào đó hàng tỷ đô la.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, tân trưởng thôn Vân, mừng vui đón những người khách đầu tiên của năm mới: "Mấy tháng nay, bà con lâng lâng, có ai làm được gì đâu. Cứ nghĩ đến ngày được vô đất liền, được sống đàng hoàng, chính danh trong nhà liền kề nhà nước xây cho, thế là hạnh phúc lắm rồi".
Những ngày tết dương lịch mọi năm buồn hiu hắt. Nhưng năm nay, dân làng quần áo đẹp, lũ lượt kéo nhau tới nhà văn hóa thôn, cười nói râm ran, loa đài ầm ĩ. Có lẽ, sau hơn 40 năm, đây là mùa xuân đầu tiên người làng Vân mới vui vầy và tràn trề hy vọng đến thế.
Bà Đinh Thị Chơn (75 tuổi) ngồi bệt xuống đất, mân mê túi quà, nhai trầu bỏm bẻm, hỏi tôi: "Rứa là vô bờ hả chú? Mà trong đó sống ra răng?”. Bà Chơn bị phong từ nhỏ, lang thang khắp vùng quê Huế, Đà Nẵng rồi Quảng Trị, chẳng nhớ rõ quê mình ở đâu, chỉ biết rằng, sinh ra ở một ngôi làng vùng cao tận Khe Sanh (Quảng Trị).
40 năm, quá dài cho những nỗi nhớ khi bà Chơn ngày ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác, với biết bao kỳ thị của người đời. Bà Chơn quê gốc ở đâu, chỉ những người làm hộ tịch ở làng Vân mới nhớ, bởi với bà, giờ đây chỉ có làng Vân, như máu thịt, quê hương.
"Bây giờ vô đó mặc cảm lắm. Họ xua đuổi, ngăn cản, chúng tôi cũng không oán trách gì. Người đời mà". - Ông Trịnh Khen
Ông Trịnh Khen (71 tuổi) quê tận Tuy Hòa (Phú Yên), từng đi khắp các chiến trường.
Năm 1972, ở chiến trường đỏ lửa Quảng Trị, phát hiện mình bị phong, ông phải rời quân ngũ về quê. Nhưng ở quê hương, ông Khen cảm thấy sống như người thừa vì ai cũng xa lánh, ghẻ lạnh.
Ông Trịnh Khen.
Một lần nữa, ông lang thang ra Huế tìm lại người bạn cùng cảnh Ma Thị Thôi (An Hòa, TP Huế). Cả hai dắt díu nhau về làng phong Hòa Vân. Từ đó đến giờ, chưa một lần ra khỏi làng, chưa một lần có ý nghĩ sẽ rời thung lũng bên bờ biển này.
"40 năm qua, chưa bao giờ tôi ăn Tết, chưa lúc nào dám nghĩ sẽ có ngày được vô bờ. Ở đây, ngày cũng như đêm, tết cũng như ngày thường, chỉ khác nhau thắp mấy cây hương. Mùi thơm bốc lên, thấy đất trời dìu dịu. Đêm giao thừa, bên kia thành phố pháo bông rực cả bầu trời, đó là Tết rồi", ông Khen nói.
Nhiều ngón tay ông Khen đã cụt, dấu tích của những ngày vật vã vì bệnh phong. Nhưng ông chỉ thực sự rời 2 sào ruộng hơn tháng nay, khi biết chắc rằng, đây là cái tết cuối cùng ở thôn Vân. "Có thể, với ai đó bình thường, nhưng với tôi, nếu được vô bờ, sau hơn 40 năm chôn kín cuộc đời ở đây, được ngắm xe cộ, nhìn đường sá, vui gì bằng. Vô bờ, chết cũng thỏa lòng".
Có số phận khắc nghiệt hơn ông Khen, bà Nguyễn Thị Than (80 tuổi) đi phải chống nạng bởi bệnh phong lấy đi của bà nhiều phần thân thể. Bà Than bảo: Sống đến gần cuối đời, tui mới thấy đây là cái tết đầu tiên dân làng vui thế này. Thế hệ bọn tui, sống chẳng bao nhiêu, chỉ mừng cho lớp trẻ, đời chúng nó còn dài, được vào bờ như tìm thấy ánh sáng cuộc đời".
Xóa kỳ thị
Dân làng Vân nhận quà tết.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiệp giãi bày, anh cũng mong được một lần cùng lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc hay quận Liên Chiểu gặp gỡ cư dân tổ 14 phường Hòa Hiệp Nam để mong cái nhìn cảm thông, chia sẻ.
Cư dân tổ 14 phường Hòa Hiệp Nam là những hàng xóm tương lai trong đất liền của cộng đồng làng Hòa Vân, nhưng dường như, hai chữ phong cùi đã ăn sâu vào tiềm thức người đời nên mặc nhiên, dân tổ 14 Hòa Hiệp Nam lên tiếng phản đối chính quyền, ngăn cản chủ đầu tư xây nhà tái định cư cho dân làng phong.
Ông Trịnh Khen, thật bất ngờ, nói, ông không ngạc nhiên gì với sự phản đối của hàng xóm mới. Giọng ông Khen đanh lại, buồn buồn: "Rời đời lính về quê, vợ con, hàng xóm coi tôi như người chết rồi, ai cũng xa lánh, sợ hãi. Hơn 40 năm ở làng Vân, chúng tôi yên ổn, vui vầy, đầm ấm. Nói thật bây giờ, vô đó mặc cảm lắm. Họ xua đuổi, ngăn cản, chúng tôi cũng không oán trách gì. Người đời mà, thử đặt vị trí mình vào họ, cũng thế cả thôi".
Điều ông Khen lo lắng là vào tới bờ, được sống trong những căn nhà liền kề, rộng rãi, khang trang nhưng cư dân làng Vân lấy gì để sống?. Chung nỗi niềm, bà Dương Thị Liễu (63 tuổi) băn khoăn: “Nói thật là không biết hình dung cuộc sống mới thế nào. Vui thì vui, nhưng lo lắm”.
Bà Liễu là bệnh nhân phong nhẹ, sống ngoài khu điều trị, ngày ngày vào bờ, mua bánh mỳ ra làng Vân đi bán dạo. "Không bao giờ tui có thể gánh bánh mỳ đi bán dạo ở chỗ mới. Ai ăn bánh do người bị bệnh phong bán?", bà Liễu nói. Chị Nguyễn Thị Ý (44 tuổi) tỏ ra lo lắng bởi ngoài nghề làm ruộng nuôi 3 đứa con, hai vợ chồng không có thêm thu nhập nào khác.
Không trình độ, không khả năng, vào ở nhà liền kề không cả ruộng đất để trồng rau cấy lúa. Tương lai gia đình chị Ý đang là một dấu hỏi lớn. "Dẫu thế nào, chúng tôi cũng vui mừng và quyết tâm vào thành phố, nhà nước quan tâm cho như thế là tốt rồi, làm gì tính sau. Đói no rồi cũng sẽ qua, mừng cái là thế hệ tương lai thoát khỏi mang tiếng cư dân làng phong", chị Ý vui vẻ.
Làng Vân - thiên đường nghỉ dưỡng trong tương lai. Ảnh: Nam Cường.
Từ đèo Hải Vân nhìn xuống, thôn Vân như một thiên đường hạ giới đúng nghĩa. Tương lai, thôn Vân sẽ là một khu du lịch hoành tráng, như cam kết của chính quyền Đà Nẵng. Còn tương lai của cư dân hơn 40 năm bị gắn vào 2 chữ phong hủi sẽ là bên thành phố, nơi những khu nhà liền kề đang được xây dựng.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch quận Liên Chiểu, cho biết: Chính quyền thành phố cũng như quận mấy chục năm nay luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống bà con thôn Vân, ngày thường cũng như lễ tết. Chắc chắn năm nay sẽ là cái tết cuối cùng của họ ở làng Vân.
Vào nơi ở mới, chính quyền cũng đảm bảo sẽ chăm lo tốt đời sống của họ, quyết không để xảy ra kỳ thị, xa lánh như thời gian vừa rồi.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?