Dù đã ra trường được 2 năm, qua nhiều lần nộp hồ sơ và đi phỏng vấn, nhưng Hồng Vân - cựu sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn chưa tìm được một công việc ổn định. Để có tiền bám trụ ở Hà Nội, Vân đi… học thuê cho khá nhiều người.
|
Nở rộ nghề học thuê
Không muốn mất thời gian cho việc học nhưng vẫn được thi đủ các môn và lấy bằng là nhu cầu của những người coi trọng bằng cấp hơn kiến thức. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch vụ học thuê phát sinh và ngày càng nở rộ đến mức khó kiểm soát.
Hiện trên mạng Internet, ở các trang rao vặt xuất hiện nhiều lời quảng cáo về việc thuê học và học thuê như: “Cuối tháng mình sinh em bé nhưng lại đúng vào thời kỳ ôn tập chuẩn bị tháng sau thi. Bạn nào có thể đến lớp điểm danh và chép bài mang về giúp mình thì liên lạc với mình nhé. Do hội trường chật nên các bạn phải đảm bảo sự khéo léo để… không bị lộ. Phí cho mỗi buổi học trót lọt là 100.000 đồng”. Thậm chí, có không ít bạn đang là sinh viên còn tìm người học hộ để có thời gian xem… EURO. “Những ngày diễn ra EURO bọn em phải gấp rút ôn tập, làm bài kiểm tra điều kiện để chuẩn bị thi học kỳ. Do đêm thức trắng xem bóng đá nên buổi sáng em không thể mở mắt ra được, nói gì đến việc đi học, ôn thi. Nhưng nếu nghỉ học liên tục, không tham gia ôn tập sẽ bị cấm thi nên em đành phải tìm người học hộ, tuy mất ít tiền nhưng yên tâm, còn đến lúc thi thì lại… tìm cách khác vậy”.
Đáp lại nhu cầu thuê học là những thông tin phản hồi của đối tượng nhận học thuê. “20 tuổi, sinh viên trường ĐH Văn hóa, nhận đi học thuê trong khu vực nội thành Hà Nội. Giá cả phải chăng theo thỏa thuận. Đảm bảo về sự chăm chỉ, chuyên cần và chất lượng thì… khỏi phải bàn. Chi tiết xin liên hệ số điện thoại 0936706… hoặc qua email phamtrang126@... Hay “nhóm em gồm 5 bạn cả nam lẫn nữ học cùng một lớp, là sinh viên năm thứ 2 đang tìm người cần học hộ với tất cả các hệ đào tạo, mọi thời gian trong ngày. Giá cả: học thường xuyên vào buổi tối và ban ngày 70.000 đồng/ca, học đột xuất 90.0000 đồng/ca. Đảm bảo điểm danh đầy đủ, ghi chép cẩn thận và khôn khéo đối phó với việc điểm danh (vì đã có kinh nghiệm)”.
Không chỉ quảng cáo trên các trang mạng, một số đối tượng còn dán tờ rơi quảng cáo thông tin ở các cổng trường hay bến xe buýt - nơi tập trung đông sinh viên. Nhận thấy đây là một dịch vụ hái ra tiền nên nhiều trung tâm giới thiệu việc làm cũng ra sức tìm kiếm liên hệ với đối tượng có nhu cầu để… tăng thu nhập, thậm chí có trung tâm còn tung ra khẩu hiệu: “Để có bằng không khó, chỉ sợ tiền không nhiều” và đưa ra bảng giá học thuê trọn gói 4 năm hệ tại chức với số tiền lên đến 150 triệu đồng.
Đối tượng thuê học chủ yếu là người mới sinh con, người có công việc bận rộn, những sinh viên và cả những học sinh con nhà giàu. Thấy cậu con trai sang năm vào lớp cuối cấp mà vẫn bình chân như vại, ông Nguyễn Đức Trung ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa đã tìm gia sư “kèm” cậu ấm trong 3 tháng hè. Bị bố mẹ ép học, Đức Thành (con trai ông Trung) rất ấm ức nhưng không dám phản ứng mạnh vì sợ bị cắt viện trợ. Trong buổi đầu gặp gia sư, Thành đưa luôn điều kiện: “Em không thích học, anh dạy cứ dạy. Bài anh giao cho em phải đưa luôn đáp án để em chép. Những hôm em học ở “lò”, nếu anh đi học giúp, em sẽ trả thêm tiền. Vụ này trót lọt anh được thưởng, nếu bại lộ, lập tức anh bị đuổi việc”.
Những cảnh trớ trêu
Điều kiện thuận lợi để thực hiện các bản hợp đồng “thuê học - học thuê” là những giảng đường rộng rãi với sức chứa hàng trăm sinh viên ở các trường ĐH, những lớp học tại chức tuy chật chội nhưng giáo viên thay đổi liên tục nên giảng viên dù có trí nhớ tốt nhưng cũng không thể nhớ nổi tất cả học viên. Công việc của người học thuê khá đơn giản, chỉ cần đến đúng giờ, ghi chép, điểm danh đầy đủ. Với người ham học hỏi thì việc đi học thuê coi như một cơ hội để làm giàu thêm kiến thức, còn đối với những đối tượng chỉ coi việc học thuê như một công việc để kiếm tiền thì giảng đường chẳng khác nào nơi tra tấn hay… phòng ngủ. Tuy vậy chuyện học hộ, học thuê cũng gặp khá nhiều chuyện bi hài. Vốn thuê người học thường xuyên, nên với nhiều giảng viên, Hoàng Hải (sinh viên một trường ĐH dân lập) là gương mặt lạ. “Một hôm khi điểm danh đến em, em giơ tay thì thầy không chấp nhận, nói em đi học hộ. May mà em mang thẻ sinh viên lại được mấy bạn cán bộ lớp “bảo lãnh” không thì bị đuổi thẳng cổ rồi”.
Về vấn đề trên, một giảng viên của ĐH Hà Nội cho rằng, tình trạng học thuê xảy ra nhiều ở những sinh viên cao học hoặc văn bằng 2 hay hệ tại chức. Việc học hộ, học thuê là trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, số trường hợp bị xử lý rất ít. Nguyên nhân là do các lớp học hệ tại chức thường rất đông nên việc điểm danh không thường xuyên và chặt chẽ. Học viên đa số là các cán bộ đi làm nên khá bận rộn, không mặn mà với việc học. Hơn nữa, một số người lại theo học nhiều trường, nhiều hệ cùng lúc nên gặp khó khăn trong sắp xếp thời gian. Sinh viên trong các lớp cũng thường bao che cho nhau, các trường chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc, hiệu quả.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Đạt - giảng viên trường ĐHDL Thăng Long, ngay cả học chính quy, nhà trường cũng chỉ kiểm tra được bằng việc điểm danh và thi cử, nói gì hệ tại chức. Hơn nữa, học ĐH đề cao tinh thần tự học của sinh viên là chính. Điều quan trọng là phải thay đổi cách dạy học và tư duy của sinh viên các hệ tại chức, văn bằng hai. Bên cạnh đó, cần phải cải tiến chương trình học để thu hút sinh viên, khiến họ cảm thấy hứng mỗi khi đến lớp. Hơn nữa, tâm lý học tại chức, văn bằng hai dễ vào, dễ đỗ cũng khiến nhiều người coi thường việc học.
Kiếm bộn tiền nhờ học “hộ”
Không chỉ ở Việt Nam mà nạn học hộ, học thuê cũng diễn ra tràn lan tại Trung Quốc. Chỉ cần bỏ ra 10 - 40 nhân dân tệ, nhiều sinh viên ở Trung Quốc đang chi tiền để thuê người học hộ. Có người hành nghề học hộ kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Theo báo Kinh doanh Trùng Khánh, đây là xu hướng xảy tại nhiều nơi và khá phổ biến. Có nhiều lý do để sinh viên nghỉ học như cần thời gian cho việc khác, làm việc bán thời gian, nhưng có một số sinh viên thừa nhận họ không muốn tới lớp vì muốn ngủ hoặc lướt Internet. Nực cười ở chỗ, có sinh viên đi học hộ cho sinh viên khác có thể kiếm được 1.500 nhân dân tệ/tháng (gần 5 triệu đồng), trong khi họ chỉ mất 200 - 300 nhân dân tệ/tháng để thuê người học hộ cho chính mình nên đã dành phần lớn thời gian đi học hộ.
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar