“Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về ”. Câu hò mượt mà thấm đẫm tình quê ấy khiến ai nghe qua cũng đều muốn được một lần đặt chân đến Đồng Nai.
|
Về Đồng Nai, sẽ là thiếu sót nếu không đến thăm một trong những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa, giáo dục và lịch sử mà những người con của vùng đất này luôn tự hào, đó là Văn Miếu Trấn Biên. Theo xa lộ Hà Nội, từ TP.HCM đi ra khoảng hơn 30 km, đến Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, rồi theo tỉnh lộ 24, đến Bửu Long, rẽ vào 200m, xa xa thấp thoáng sau những rặng tre xanh mướt là những mái vòm cong vút nằm ẩn mình giữa khung cảnh yên tĩnh. Đó là Văn Miếu Trấn Biên. Nếu như đất bắc có Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì trong nam có Văn Miếu Trấn Biên nêu cao tinh thần hiếu học, khí phách của người Nam bộ.
Theo sử sách, năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Đồng Nai, vùng đất này đã khá trù phú với thương cảng Cù Lao Phố sầm uất. Dưới sông, thuyền bè tấp nập, còn trên bờ là hoạt động buôn bán khá nhộn nhịp. Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn Miếu Trấn Biên. Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí thì Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tốt tươi... Ra đời sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám hơn 700 năm, nhưng Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở miền Nam, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Ðịnh và ở kinh đô Huế.
Sự thăng trầm của lịch sử vùng đất Nam bộ đã in hằn lên số phận của Văn Miếu Trấn Biên. Công trình này bị giặc Pháp đốt phá khi đánh chiếm Biên Hòa năm 1861. Sau 146 năm tồn tại, văn miếu đầu tiên ở Nam bộ bị hủy hoại dưới tay thực dân. Đến năm 1998, văn miếu mới được khôi phục lại và hoàn thành vào năm 2002 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai.
Hồ Tịnh Quang trong Văn Miếu Trấn Biên - Ảnh: Cẩm Nhung
Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Đứng trên Khuê Văn các, du khách có thể thấy toàn cảnh bức tranh Văn Miếu Trấn Biên. Trước cổng tam quan là hồ Tịnh Quang nước trong vắt có thể nhìn rõ từng đàn cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội. Phóng tầm mắt ra xa là những hàng cây xanh tỏa bóng mát quanh năm, những luống hoa khoe sắc… Qua nhà bia thứ hai là nhà thờ chính, được xây dựng theo kiến trúc cổ và đặc biệt nổi bật nhất là biểu tượng trống đồng gắn trên tường tượng trưng cho hồn dân tộc. Bên trái nhà thờ chính thờ các danh nhân văn hóa của Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... Bên phải thờ các danh nhân làm rạng rỡ xứ Đàng Trong như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông... Ngoài việc thờ phụng các danh nhân văn hóa, ngày nay Văn Miếu Trấn Biên còn là nơi tổ chức lễ báo công, tuyên dương nhân tài trên các lĩnh vực, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục mang tính truyền thống. Vào mùng 3 tết âm lịch hằng năm, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong khu vực hội tụ về đây dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng tri ân đến các bậc hiền nhân cũng như bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo.
Đượm nét cổ kính, cảnh quan đẹp, lại nằm gần kề khu du lịch Bửu Long nên Văn Miếu Trấn Biên mỗi ngày đón một lượng lớn khách tham quan. Đặc biệt không biết tự khi nào, nơi đây đã trở thành địa điểm lý tưởng cho những đôi uyên ương với mong muốn ghi lại những hình ảnh của một thời hạnh phúc nhất trong đời.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?